Cách thiết lập một nông trại tự nhiên (phần 1)

Khi bắt đầu một nông trại tự nhiên, câu hỏi đầu tiên ta có thể đưa ra là nó nên được đặt ở đâu và làm thế nào ta chọn được vị trí trong đó để sinh sống.

Ta có thể chui vào một khu rừng trên núi và sống trong sự cô lập tuyệt vời, nếu thích kiểu như thế, nhưng thường thì sẽ tốt hơn nếu tạo lập một nông trại ở vùng chân núi thôi. Trong một khu vực hơi cao hơn một chút so với đáy thung lũng thì khí hậu sẽ đẹp hơn; như thế cũng ít có khả năng bị ngập lụt. Sẽ dễ kiếm được củi đốt, trồng được rau và tìm thấy những vật liệu khác cần thiết để thỏa mãn các nhu cầu về thức ăn, quần áo mặc và chỗ trú ngụ. Nếu có một con sông gần bên, cây trồng sẽ dễ sinh trưởng phát triển hơn, và ta có thể kiến tạo một cuộc sống vừa ý cho bản thân mình.

Bất kể mảnh đất ấy như thế nào, ta đều có thể trồng cây nếu chịu bỏ công, nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu chỗ đó đất màu mỡ và có thiên nhiên hào phóng. Sẽ là lý tưởng nếu tìm được nơi có những cây lớn mọc ken dày trên những ngọn đồi, lớp đất mặt đủ sâu có màu đen hoặc nâu sậm, và sẵn nước sạch để dùng. Nông trại tự nhiên không nên chỉ bao gồm những cánh đồng mà còn phải có cả những ngọn đồi và những cánh rừng bao quanh nữa. Một môi trường tốt và một cảnh trí đẹp là những yếu tố tuyệt vời cho cuộc sống đáng sống, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Những cánh rừng phòng hộ tự nhiên

Nền tảng để đạt tới thành công là phát triển một lớp đất mặt đủ sâu và màu mỡ. Sau đây là một số phương pháp để đạt được điều này.

Đem chôn những loại vật chất hữu cơ thô xuống đất là một cách, chẳng hạn như thân và cành cây mục, nhưng việc này đòi hỏi phải bỏ ra rất nhiều công. Nhìn chung thì, tốt hơn hết cứ để cho cây cối làm việc ấy cho ta.

Hãy trồng cây gỗ, cây bụi, cỏ và các loại cây họ đậu có bộ rễ lan rộng. Những bộ rễ này sẽ làm mềm đất và mang dưỡng chất từ những tầng đất thấp hơn lên lại bề mặt, cải thiện nó một cách dần dần.

Khiến cho nước mưa chảy qua đất trang trại từ những khu đồi núi dốc có trồng cây gỗ ở phía trên trang trại. Nước này sẽ mang theo dưỡng chất từ lớp giàu mùn của bề mặt đất rừng. Điều thiết yếu là phải duy trì một nguồn cung cấp liên tục các vật chất hữu cơ được tạo thành từ chính nông trại. Nguồn này hình thành nên nền tảng của sự màu mỡ cho toàn bộ hệ thống.

Để cho tất cả các yếu tố có mặt trong trang trại làm việc cùng với nhau như một thể thống nhất.

Ta có thể cải thiện những cánh rừng phòng hộ ở những khu đồi núi dốc phía trên nông trại, nhưng nếu chưa có sẵn những đồi cây thì rừng cây mới hay các bụi tre phải được kiến tạo. Khi tạo lập hoặc cải thiện rừng phòng hộ, ta phải trồng hỗn hợp các loại cây gỗ, cây bụi và cây phủ đất – chúng có ích cho nhiều mục đích khác nhau.

Lấy ví dụ, chúng có thể hữu dụng trong việc làm nguồn nhiên liệu đốt và vật liệu xây dựng, làm môi trường sống cho chim muông và côn trùng, sản xuất ra thực phẩm cho thú nuôi trong trang trại, cho thú hoang và cho con người. Cũng sẽ rất tốt nếu bao gồm cả những loài cây có ích trong việc dùng làm thuốc chữa bệnh, dẫn dụ côn trùng và cải tạo lớp đất mặt. Thường thì một loại cây sẽ đảm trách được nhiều chức năng trong số này. Ý tưởng ở đây là để cho tất cả các yếu tố có mặt trong trang trại làm việc cùng với nhau như một thể thống nhất.

Tre

Những rừng tre nhỏ cũng hữu ích trong việc làm rừng phòng hộ. Từ măng, cây tre mọc tới hết cỡ chiều cao chỉ trong một năm. Tốc độ tăng trưởng sinh khối của nó lớn hơn nhiều so với những cây lấy gỗ thông thường, thế nên nó khá là có giá trị như một nguồn vật liệu hữu cơ thô khi đem chôn xuống.

Măng của loài tre Moso (Phyllostachys edulis) và của các loài tre khác đều ăn được. Khi khô đi, các gióng tre trở nên nhẹ và dễ mang vác. Tre phân hủy chậm khi đem chôn, thế nên nó rất hữu hiệu trong việc giữ nước và không khí ở trong đất. Chất hữu cơ sản sinh ra từ quá trình phân hủy tre rất tuyệt vời trong việc cải tạo cấu trúc đất.

Thiết lập cây chắn gió

Cây trồng để chắn gió có giá trị không chỉ trong việc tránh những hư hại gây ra bởi gió mà còn giúp duy trì độ màu mỡ của đất, lọc nước thải và nhìn chung thì giúp cải tạo môi trường cho mọi sinh vật. Các chủng loại mọc nhanh là tuyết tùng Nhật, bách hinoki, keo và long não. Cây hoa trà, cây ngô đồng (Firmiana simplex), cây dâu tây thân gỗ (Arbutus ubedo) và cây hồi (Illicium verum) cho dù mọc chậm thì vẫn có quá chừng ích lợi. Tùy thuộc vào điều kiện, ta cũng có thể sử dụng những loại cây chẳng hạn như sồi thường xanh, giang núi (Ternstroemia japonica), và nhựa ruồi.

Nguồn: Gieo mầm trên sa mạc – Masanobu Fukuoka

>> Cách thiết lập một nông trại tự nhiên (phần 2)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh