Nội dung bài viết
Tạo lập một vườn cây ăn trái trong nông trại tự nhiên
Để tạo lập một vườn cây ăn trái tự nhiên, hãy dùng cùng một cách tiếp cận như khi ta trồng cây ở trong rừng. Hãy cắt tỉa cây theo từng giai đoạn, không lấy gì từ chỗ đất đó cả – điều đó có nghĩa là những thân cây lớn, cành, lá – tất cả đều được để đó cho tự mục. Những thứ cắt tỉa xuống này có thể xếp dọc theo các đường đồng mức, để ứng biến làm thành các thềm bằng phẳng.
Ý tưởng ở đây là tạo lập một vườn cây ăn trái hỗn giao mà không phải phát quang đất, chỉ tỉa thưa nó thôi. Ngày nay, người ta thường dùng xe ủi đất để phát quang đất rừng làm vườn cây ăn trái. Những bề mặt dốc gồ ghề được san phẳng và làm đường để dễ dàng quản lý bằng cơ giới hóa.
Việc sử dụng cơ giới để làm đường đi trong vườn khiến cho việc áp dụng phân bón và các hóa chất nông nghiệp khác dễ dàng hơn, nhưng những việc đó là không cần thiết trong phương pháp tự nhiên. Công việc nặng nhọc duy nhất là thu hái trái cây, và việc này được thực hiện bằng tay. Tôi tin rằng thực ra sẽ có nhiều khả năng thành công hơn nếu ta chỉ có ít tiền khi bắt đầu lập vườn. Theo lối đó, ta sẽ không có dịp đưa máy móc cũng như tiền vốn vào.
Lá và cành của những cây bị tỉa thưa và bỏ lại trên mặt đất ấy, cùng với rễ cây trong đất sẽ từ từ mục ra, trở thành nguồn phân bón hữu cơ lâu dài. Chúng sẽ cung cấp dưỡng chất cho những cây ăn trái còn non trong khoảng thời gian cần thiết cho tới khi chúng lớn lên tới kích cỡ của những cây gỗ đã bị tỉa thưa đi.
Thêm vào đó, những vật chất hữu cơ này cung cấp một môi trường thuận lợi cho lớp thực vật phủ đất sinh trưởng. Lớp phủ đất giúp kiềm chế cỏ dại, tránh xói mòn lớp đất mặt, kích thích các vi sinh vật trong đất, cải thiện cấu trúc và sức sống nói chung của đất.
Cũng giống như những cây gỗ được trồng trong một khu rừng, cây ăn trái tốt nhất nên được trồng dọc theo các đường đồng mức. Nếu có thể thì ta nên đào các hố, thêm vật chất hữu cơ thô xuống dưới rồi trồng cây trên ụ đất đắp nổi ở phía trên đó.
Những cái cây được trồng và sinh trưởng theo lối tự nhiên sẽ sống lâu hơn và chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với những cây sinh trưởng trong điều kiện bón thêm phân và các hóa chất nông nghiệp khác.
Một trong những vấn đề của việc sử dụng xe ủi đất để tạo lập vườn là khi san phẳng đất, ta cũng cạo đi mất lớp đất bề mặt. Lớp đất bề mặt có chứa phần lớn những vật chất hữu cơ đã được tích tụ qua nhiều năm. Một trang trại được phát quang bằng xe ủi đất và để đó không đụng chạm tới trong mười năm sẽ khô đi và mất đi lớp đất mặt do bị xói mòn; giá trị kinh tế của nó sẽ bị suy giảm đáng kể.
Một vấn đề khác với việc phát quang theo kiểu truyền thống này là những cái cây bị hạ xuống và đốt sạch. Chỉ ra tay một lần thôi mà độ phì nhiêu của đất đã bị suy giảm trong hàng thập kỷ liền.
Trong khoảng ba tấc đất mặt sẽ có đủ dưỡng chất để duy trì một vườn cây ăn trái mười năm liền mà không cần bón thêm phân. Nếu ta có được lớp đất màu mỡ dày tới ba bộ (chừng một mét) thì vườn cây sẽ có thể duy trì trong gần ba mươi năm. Nếu ta có thể giữ và duy trì được độ phì của lớp đất rừng tự nhiên bằng cách sử dụng một tổ hợp những loài cây kiến thiết đất, bao gồm những cây cố định đạm, chẳng hạn như cỏ ba lá hoa trắng, cây họ đậu, và đậu tằm, thì việc canh tác phi phân bón là khả dĩ một cách vô hạn định.
Tạo các “cánh đồng” ở trong vườn cây ăn trái ở nông trại tự nhiên
Thông thường, một “cánh đồng” có nghĩa là một nơi dành riêng hoàn toàn cho việc trồng cây mùa vụ, nhưng mà khoảng trống giữa các cây ăn trái trong vườn cũng có thể được xem là một cánh đồng. Tuy nhiên, hệ thống canh tác và các phương thức canh tác có sự khác nhau rất lớn tùy thuộc vào việc kiểu đất nào chiếm ưu thế – kiểu đất vườn hay kiểu đất ruộng bằng phẳng truyền thống.
Tạo lập một cánh đồng, nơi cây ăn trái là cây thu hoạch chính còn ngũ cốc và rau củ được trồng xen giữa thì gần giống y như việc tạo lập một vườn cây ăn trái trong làm nông tự nhiên. Không cần thiết phải phát quang đất, và cũng không cần phải chuẩn bị đất kỹ hay chôn các vật chất hữu cơ thô làm gì.
Trong giai đoạn đầu tiên tạo lập ruộng trong vườn, chúng ta cần kiểm soát cỏ dại và đưa đất mặt về độ chín muồi. Sẽ rất tốt nếu bắt đầu bằng việc gieo hạt những cây mùa vụ giữa đám cây phân xanh và kiều mạch trong suốt mùa hè đầu tiên, còn cải củ và cải mù tạt trong suốt mùa đông đầu tiên.
Trong năm tiếp theo, ta có thể trồng những loại cây thân leo quấn mọc mạnh mẽ, có khả năng sinh sôi nảy nở tốt mà không cần tới phân bón, chẳng hạn như đậu đỏ và đậu đũa vào mùa hè, đậu tằm lông vào mùa đông. Tuy nhiên, những loại cây leo này có thể che mất các cây rau và cây ăn trái còn nhỏ, thế nên phải liên tục canh chừng. Khi cánh đồng trong vườn này tới giai đoạn chín muồi, ta có thể trồng đủ loại cây mùa vụ khác.
Tạo lập một cánh đồng truyền thống trong nông trại tự nhiên
Hầu hết các cây mùa vụ trồng trên ruộng thấp là những cây hàng năm cho thu hoạch chỉ trong vài tháng cho tới nửa năm. Đấy là những cây rau củ điển hình được trồng trong vườn. Những loại cây đạt tới chiều cao từ nửa mét tới một mét, như cà chua, cà tím và ớt thì có bộ rễ nông và có chút thất thường do lịch sử lai tạo lâu dài của chúng.
Bởi vì khoảng thời gian từ lúc gieo hạt tới khi thu hoạch những loại cây mùa vụ tầm thấp sinh trưởng nhanh, chẳng hạn như cải củ, rau diếp và cải vườn, là ngắn, trong khi nhiều loại cây mùa vụ khác thường được trồng trong một năm, thế nên trong vụ trồng, bề mặt đất nhiều lúc để phơi ra trước các yếu tố thiên nhiên.
Chúng ta buộc phải chấp nhận một thực tế là sẽ mất đi một ít đất mặt trên các cánh đồng này do bị mưa rửa trôi, đất sẽ mất đi một chút sinh khí của nó trong suốt thời gian hạn hán và khí hậu lạnh giá. Tuy vậy, những vấn đề này có thể giảm thiểu được bằng cách giữ cho đất luôn được che phủ bởi lớp phủ bổi và bằng việc trồng một lớp cây phủ đất phát triển liên tục.
Khi tạo lập cánh đồng kiểu này, cái quan trọng nhất cần bận tâm là tránh xói mòn đất. Nếu đất dốc thì nên đắp thành nền để tạo thành bề mặt ngang bằng hoặc gần ngang bằng. Việc này có thể thực hiện được bằng cách đắp các bờ đất hay xây các tường kè bằng đá rồi hình thành ruộng bậc thang.
Sự thành công hay thất bại của công trình này tùy thuộc vào sự hiểu biết dạng đất, sao cho các bờ đất được đắp lên sẽ không bị sụp lở. Với các tường kè đá, lý tưởng là dùng những tảng đá đào được từ chính mảnh ruộng hay sườn đồi đó.
Tạo lập những cánh đồng lúa
Tất nhiên, thật dễ để tạo nên những cánh đồng lúa bằng cách phát quang mặt bằng với xe ủi đất, dọn sạch chỗ thực vật rồi san phẳng đất. Việc làm đó cũng khả dĩ trong việc tăng diện tích của các cánh đồng lên, khiến cho việc cơ giới hóa nông nghiệp được thuận tiện hơn.
Tuy nhiên phương pháp này có nhiều khuyết điểm.
- Lớp đất trên cùng của ruộng lúa có độ sâu không đều nhau, thành ra lúa sẽ sinh trưởng không đều.
- Bởi lẽ những loại máy móc lớn, nặng nề đè ép lên đất nên lớp đất mặt này sẽ trở nên rắn chắc. Nước trong đất sẽ tụ lại và trở nên tù đọng. Việc này tạo nên điều kiện kỵ khí, là nguyên nhân khiến bộ rễ bị thối, dẫn đến thiệt hại vì sâu bệnh.
- Khi một cánh đồng được hình thành nhờ vào việc sử dụng máy móc hạng nặng, những luống đất quanh ruộng sẽ trở nên thô cứng, các vi sinh vật trong đất bị biến đổi hoặc chết đi, và lớp đất mặt sẽ bị hao mòn.
Cây cối là những kẻ bảo vệ đất. Ngay cả với các ruộng lúa nước, việc trồng những cây lớn hay cây nhỏ trên các gò đất trong chính các cánh đồng đó vẫn là một ý tưởng rất hay. Các ruộng lúa ở gần Sukhothai, Thái Lan, có trồng đầy những cây như thế. Những cánh đồng này nằm trong số những ví dụ xuất sắc nhất dùng phương pháp làm nông tự nhiên để trồng lúa ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, bởi lẽ chúng kết nối người nông dân với đa dạng các loài thực vật và động vật – bao gồm súc vật kéo, tôm cá và các loài lưỡng cư – thành một tổng thể sống hài hòa với nhau.
Thật không cần thiết phải làm đủ mọi thứ chuyện để trồng lúa trên các cánh đồng ngập nước, do có thể trồng được lúa trên những cánh đồng cạn chỉ được tưới nhờ nước mưa. Tôi đã chứng minh việc này trên những cánh đồng của tôi ở Nhật. Lý do chính khiến cho người ta trồng lúa trên ruộng ngập nước là để kiểm soát cỏ dại. Tôi chăm lo vấn đề cỏ dại bằng cách không cày bừa mà rải lớp phủ bổi bằng rơm và trồng cỏ ba lá hoa trắng liên tục trên bề mặt của đất. Theo cách đó tôi nhận được kết quả tốt hơn mà chẳng phải làm gì nhiều, còn đất trồng thì cứ mỗi năm trôi qua lại càng được đắp bồi màu mỡ hơn lên.
Nguồn: Gieo mầm trên sa mạc – Masanobu Fukuoka
>> Cách thiết lập một nông trại tự nhiên (Phần 1)
Tìm hiểu thêm: Các loại cỏ nên giữ trong vườn và cách quản lý cỏ