Một số loại cây họ đậu cố định đạm phổ biến (phần 2)

Các loại cây họ đậu cố định đạm giúp tăng cường nguồn đạm tự nhiên cho đất trồng, bổ sung đạm cho các loại cây trồng chính do đó thường được trồng xen canh trong vườn.

1. Cây họ đậu làm thực phẩm

Đậu lấy hạt (Đậu đen xanh đỏ trắng, đậu nành, đậu phộng, đậu ván…)

Đây đều là những cây trồng có giá trị kinh tế, được trồng phổ biến ở Việt Nam. Là thực vật thân bụi không leo, được trồng để thu hạt. Đậu, đỗ được biết đến là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng cho con người. Bổ sung chất xơ, protein và vitamin, giúp giảm cholesterol, giảm lượng đường trong máu và tăng lợi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.

Các loại đậu này ngoài giá trị là nguồn thực phẩm dinh dưỡng thì còn là loại cây cung cấp một lượng đạm sinh học rất lớn cho cây trồng nhờ cộng sinh với vi khuẩn nốt rễ. Đồng thời là cây phân xanh, cây che phủ, có tác dụng cải tạo đất rất tốt.

Trong các vườn trồng cây ăn quả, cây công nghiệp hay các hệ thống vườn trồng khác nên xen canh với các cây họ đậu này. Vừa cung cấp đạm sinh học cho các cây trồng chính, vừa che phủ bảo vệ đất, tận dụng thân lá làm phân xanh, lại mang đến nguồn thu nhập phụ từ hạt.

Các loại cây đậu đỗ lấy hạt như đậu xanh, đen, đậu nành,…

Xem thêm: Quy trình ủ, chế biến đậu tương thành phân bón hữu cơ

Đậu lấy quả xanh (đậu đũa, đậu rồng, đậu cove, đậu Hà Lan…)

Cũng giống như các loại đậu lấy hạt, loại đậu lấy quả xanh cũng là nguồn thực phẩm rất dinh dưỡng cung cấp các vitanmin, chất xơ, chất khoáng,… cho con người và được trồng phổ biến tại nhiều vùng ở nước ta.

Các loại đậu lấy quả thường là thân bụi dây leo, có thời gian sinh trưởng trong 1 năm. Đây cũng là các giống đậu tạo ra nguồn đạm sinh học cao từ các nốt sần ở rễ.

Nên trồng xen canh các giống đậu này trong các vườn trồng để vừa bổ sung nguồn đạm tự nhiên cho các cây trồng khác, vừa lấy thân lá làm nguồn sinh khối hữu cơ để bảo vệ cải tạo đất, vừa mang lại nguồn thực phẩm cho gia đình hoặc xuất bán tăng thêm thu nhập.

Các cây đậu thực phẩm như Đậu Cove, đậu Hà Lan

2. Cây Điên điển ( Điền thanh bụi)

Điên điển hay điền thanh thân tía, điền thanh bụi có tên khoa học là Sesbania sesban, là một loài cây thuộc họ Đậu. Bông điên điển được xem là một loại rau ở miền đồng bằng Nam Bộ của Việt Nam. Người ta sử dụng nó làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi trộn thịt gà.

Ngoài ra, cây điên điển còn là loại cây trồng có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Do rễ của điên điển cũng giống như rễ của các loài cây thuộc họ Đậu khác, nó có các vi khuẩn nốt sần cố định đạm cộng sinh. Các vi khuẩn này cố định nitơ từ khí trời, tạo ra lượng đạm lớn, tạo hệ mạch dẫn giúp đất thông thoáng, truyền dẫn nước và dinh dưỡng. Thân lá điên được dùng làm phân xanh, che phủ đất bổ sung lượng lớn sinh khối giàu đạm cho đất trồng.

Cây điên điển trưởng thành đạt chiều cao từ 4-5 m; chiều rộng tán cây từ 2–3 m; rễ ăn sâu khoảng 60-70 cm; trọng lượng một cây nếu điều kiện dinh dưỡng tốt đạt tới 20 kg. Sau một vụ trồng từ 4-5 tháng thì từ 1 ha có thể thu được khoảng 60-70 tấn chất hữu cơ, lượng đạm thu được từ khí trời khoảng 100 kg nitơ.

Là loài cây hoang dã nên nó dễ thích nghi với môi trường, có sức cạnh tranh mãnh liệt với sâu bệnh và các cây cỏ khác. Có 2 giống điên điển chính ở Việt Nam. Một giống phù hợp với các vùng đất nhiễm phèn mặn, ven biển (thân xanh); một giống phù hợp với các đất cao, khô cằn, vùng núi (thân tía).

Điên điển hay điền thanh là cây họ đậu cố định đạm
Cây Điên điển

3. Cây Đào đậu

Cây Đào đậu hay còn gọi là đỗ mai có nguồn gốc từ châu Mỹ, tên khoa học: Gliricidia sepium, thuộc họ Đậu, lá kép, màu xanh pha trắng. Cây được trồng phổ biến các tỉnh Nam Trung Bộ. Do nhiều bộ phận của cây, đặc biệt là hạt và vỏ thân có độc tính cao, có tác dụng diệt chuột, nên nó cũng còn có tên là Sát thử hay Sát thử đốm

Nhiều nơi trên thế giới, Đào đậu được trồng làm băng xanh cản lửa, chắn gió và che bóng (sepium: hàng rào xanh phòng hộ) cho nhiều cây nông nghiệp dài ngày như Ca cao, Cà phê, Chè, Va-ni.

Đào đậu có khả năng cải tạo đất rất mạnh, ngoài khả năng cố định đạm tự do của bộ rễ, lá và hoa khi rụng cũng làm tăng nguồn đạm đáng kể cho đất. Không chỉ thế, những nơi có cỏ tranh phát triển mạnh, khó diệt trừ, người ta trồng cây đào đậu thành rừng, sau một thời gian sẽ biến đất cỏ tranh thành đất canh tác nông nghiệp. Gỗ của Đào đậu có thớ mịn, vân khá đẹp và bền, thường được chế tác thành đồ trang trí nội thất, làm nông cụ, làm tà – vẹt đường tàu hỏa và làm gỗ xây dựng.

Tại Việt Nam, cây ra hoa và nở đúng vào dịp Tết rất đẹp và thường được gọi là cây Anh đào giả, vì cho rằng đó là cây họ đậu, nhưng khi trổ hoa trông tựa như cây Anh đào.

Đào đậu hay Đỗ mai là cây họ đậu cố định đạm
Cây Đào đậu hay cây Đỗ mai

4. Cây Thảo quyết minh

Cây Thảo quyết minh hay còn gọi là hạt muồng, đậu ma, gia lục đậu, lạc giời…  là một loại cây nhỏ họ đậu, cao tầm từ 0,3 tới 0,9m. Có cây cao tới 1,5m. Lá mọc so le kép, lông chim dìa chẵn, thường gồm từ 2 đến 4 lá chét hình trứng ngược. Hoa mọc từ kẽ lá màu vàng tươi. Quả thảo quyết minh hình trụ, hai đầu vát chéo, màu nâu nhạt. Vị đắng, hơi nhầy.

Ở nước ta thảo quyết minh phân bố hầu như khắp các địa phương. Cây thường mọc thành đám đôi khi mọc nhiều trên những sườn đồi, thung lũng, ven đường đi, bờ nương rẫy, bờ đê, bãi ruộng. Thảo quyết minh là loại cây ưa sáng, thích hợp với môi trường nhiệt đới nóng ẩm.

Ở một số địa phương, thảo quyết minh được trồng xen canh tại các vườn trồng cây ăn trái, cây công nghiệp để cải tạo đất, bổ sung đạm sinh học nhờ khả năng cố định đạm tự nhiên của cây. Và được trồng ở  bờ mương, bãi hoang để vừa cải tạo, vừa phủ xanh đất trống. Có một số nơi dùng là cây làm rau xanh, nấu canh ăn hàng ngày. Thân và lá xanh dùng bón ruộng làm tốt đất. Hạt được thu làm thuốc.

Cây Thảo quyết minh là cây họ đậu cố định đạm
Cây Thảo quyết minh

5. Cây Giáng hương

Cây Giáng hương, tên gọi khác là Đinh hương, có tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus, là loài thực vật thuộc họ Đậu. Có nguồn gốc từ Đông nam á, ở Việt Nam cây giáng hương phân bố ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Cây Giáng hương được biết đến nhiều nhờ khả năng che mát của nó, cây được trồng nhiều ở các công viên, đường phố hay trường học, bệnh viện, mang không khí trong lành, cải thiện ô nhiễm. Không những cây có khả năng che phủ tốt mà nó còn biết đến nhờ hoa đẹp và ứng dụng gỗ cây giáng hương trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ.

Giáng hương là cây thuộc họ đậu nên có đặc tính cải tạo đất rất tốt, rễ của cây là một trong những nhân tố cải tạo đất làm đất tơi xốp vô cùng tốt vì có vi khuẩn cộng sinh có khả năng cố định đạm.

Không những thế nhựa cây giáng hương còn có tác dụng trong công nghệ nhuộm vải.

Ngoài ra cây còn công dụng đặc biệt thiên phú của thực vật đó là loài cây có khả năng thanh lọc không khí và cản âm rất tốt. Tạo cho không gian sống không chỉ trong lành mà còn tươi mát.

Cây Giáng hương là cây họ đậu cố định đạm
Cây Giáng hương

6. Cây Kim tiền thảo

Kim tiền thảo có tên khoa học là Desmodium styracifolium, là giống cây họ đậu. Ở một số nơi kim tiền thảo còn có tên gọi khác như cây mắt trâu, vảy rồng, mắt rồng. Kim tiền thảo thường mọc ở những nơi hoang dại trên vùng đồi trung du, một số ít mọc ở vùng đồi núi, hiện nay được trồng ở nhiều vùng trong cả nước.

Đây là một trong những loại cây sống lâu năm, là loại cây cỏ mọc bò sát đất. Hoa kim tiền thảo có màu tím và mọc thành từng chùm ở các kẽ lá.

Trong Đông Y, Kim tiền thảo là một trong những loại thảo dược quý được dùng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau nhờ công dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giảm đau, lợi tiểu rất hiệu quả. Đặc biệt trong đó có khả năng bào mòn sỏi thận rất hiệu quả.

Là một loài cây thuộc họ đậu, nên ngoài tác dụng chữa bệnh, Kim tiền thảo còn là cây trồng cố định đạm, bổ sung lượng đạm tự nhiên cho cây trồng.

Cây Kim tiền thảo là cây họ đậu cố định đam
Cây Kim tiền thảo

7. Cây Cam thảo dây

Cam thảo dây hay còn gọi tương tư, cườm thảo đỏ, chi chi, cườm cườm, cảm sảo là loài thực vật có hoa thuộc họ Đậu.

Cam thảo dây là một loại dược liệu có thân dây, mọc bò dưới mặt đất, cành nhỏ gầy, thân có nhiều xơ. Hoa Cam thảo dây có màu hồng, mọc thành chùm nhỏ ở các kẽ lá hay ở đầu cành, cánh hoa có hình bướm. Quả cây thon, bề mặt có lông ngắn. Hạt có hình trứng, vỏ rất cứng, màu đỏ, sáng bóng với một điểm đen lớn ở gốc hạt.

Toàn thân Cam thảo dây được dùng làm dược liệu trong Đông Y. Tuy nhiên hạt cam thảo dây lại chứa độc tố, chất độc đó là abrin, tan được trong nước. Nếu uống hạt cam thảo dây giã nhỏ trong nước sẽ bị ngộ độc với triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu, hạ huyết áp.

Cam thảo dây thường mọc hoang trong các rừng còi, rừng thưa vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng. Ở nước ta, thường gặp nhiều ở các tỉnh miền Trung. Và được trồng ở một số để làm thuốc và làm cảnh.

Là loài cây thuộc họ đậu, nên cam thảo dây cũng có khả năng cố định đạm, cung cấp đạm sinh học cho chính mình và các cây trồng khác. Do đó, cam thảo dây có thể được trồng xen trong các vườn cây ăn quả, vườn cây công nghiệp.

Cây Cam thảo dây là cây họ đậu cố định đạm
Cây Cam thảo dây

8. Cây Bàm bàm

Cây Bàm bàm còn có tên gọi khác là đậu dẹt, dây bàm là loài cây thuộc họ đậu, có tên khoa học là Entada phaseoloides.

Bàm bàm là một loại dây leo, cứng có chiều dài lên tới 30m. Lá kép hai lần lông chim, cuống chính dài khoảng 10m, tận cùng bởi một tua cuống xẻ hai. Cuống phụ gồm hai đôi, phiến lá chét, hình trứng. Hoa màu trắng nhạt, mọc thành bông, ít hoa ở kẽ lá. Quả dài, hạt nhẵn, dày, màu nâu, có vỏ dày cứng như sừng.

Cây mọc hoang dại ở những rừng thứ sinh nước ta. Người ta dùng vỏ, hạt và lá cây bàm bàm. Lá thường dùng tươi, vỏ và hạt dùng tươi hay sấy khô. Mùa thu hái gần như quanh năm.

Trong Y học, cây bàm bàm được dùng để làm thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, là cây họ đậu nên bàm bàm cũng có khả năng cố định đạm tự nhiên, bổ sung lượng đạm khá cao cho cây trồng. Thân lá bàm bàm cũng được dùng làm phân xanh, bổ sung sinh khối.

Cây Bàm bàm

Trên đây là những loại cây trồng họ đậu cố định đạm phổ biến và dễ trồng. Ngoài ra còn một số các cây thân gỗ họ đậu khác như: Cây gõ đỏ, cây me, cây trắc, cây còng.

Cây họ đậu không cố định đạm

Ngoài những cây họ đậu có khả năng cố định đạm thì còn có những loại cây cũng thuộc họ đậu nhưng không cố định đạm. Vì rễ của các cây này không có khả năng kết hợp với vi khuẩn cố định đạm để tổng hợp nitơ .Tuy nhiên chúng ta cũng nên trồng để dùng vào việc lấy sinh khối, che phủ đất và đa dạng sinh học.

Cây cẩm lai

Cây muồng đen

Cây móng bò

Cây muồng hoàng yến

Cây bồ kết

>> Xem thêm: Một số loại cây họ đậu cố định đạm phổ biến (phần 1)

Đọc tiếp:

Cách ủ ốc bươu vàng làm phân đạm hữu cơ cho cây trồng

Các nguồn lân hữu cơ mà nhà vườn canh tác thuận tự nhiên nên sử dụng

4 nguồn kali hữu cơ từ tự nhiên thay thế cho kali tổng hợp

Những nguồn canxi thường gặp và cách bổ sung canxi cho cây trồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh