Lục lạc sợi hay còn gọi là muồng sợi, có tên khoa học là Crotalaria juncea, là một loài cây họ Đậu, thuộc chi Crotalaria.
Lục lạc sợi được trồng nhiều ở các nước nhiệt đới và được xem là một loại cây phân xanh, cây cải tạo đất và nguồn thức ăn cho gia súc cực kỳ tốt.
Ở nước ta, cây mọc nhiều ven bờ sông, dọc đường đi, trong rừng thưa.
Nội dung bài viết
1. Đặc điểm hình thái và sinh thái của lục lạc sợi
1.1 Đặc điểm hình thái
Lục lạc sợi là loài cây bụi thân thảo, mọc thẳng đứng, thân cây phân nhánh. Là giống cây họ đậu hằng năm.
Lá cây có hình elip, dài khoảng 6-12cm, rộng khoảng 1 -2,5cm, có lông mịn.
Hoa muồng sợi có màu vàng tươi, quả hình trụ, dài khoảng 2-3cm. Hạt hình thận, màu nâu sẫm, mỗi quả có từ 10-12 hạt.
1.2 Đặc điểm sinh thái
Lục lạc sợi sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh. Cao trung bình từ 1,5 – 2m. Trong điều kiện khí hậu và đất đai thuận lợi, nó có thể cao hơn 1,8m sau 90 ngày.
Vì là cây nhiệt đới nên lục lạc sợi phát triển chậm hơn vào mùa đông. Lục lạc sợi phát triển được trên nhiều loại đất khác nhau từ màu mỡ tới bạc màu.
Mặc dù là loại cây sinh trưởng nhanh, dễ sống như cỏ, nhưng lục lạc sơi không xâm lấn, lan truyền bừa bãi.
2. Những lợi ích của lục lạc sợi
2.1 Cố định đạm, cải tạo đất
Tương tự như các loài cây họ đậu khác, rễ của cây lục lạc sợi cũng có những nốt sần chứa vi khuẩn Rhizobium cộng sinh, có khả năng cố định nitơ từ khí trời để tạo ra đạm sinh học cho đất trồng.
Lượng đạm tự nhiên mà cây tạo ra giúp nâng cao chất lượng đất, giúp cây trồng có nguồn đạm hữu cơ để phát triển mà không cần phải bổ sung thêm bằng các loại đạm vô cơ.
Bên cạnh đó, bộ rễ phát triển của muồng sợi còn giúp phá vỡ những lớp đất mặt chai cứng, cải thiện các đặc tính, cấu trúc đất, tăng khả năng thấm nước, không khí, tăng cường chất hữu cơ khi rễ phân hủy và cô lập lượng lớn cacbon trong đất.
2.2 Nguồn sinh khối lớn
Với tốc độ phát triển nhanh, lục lạc sợi tạo ra một lượng sinh khối khổng lồ trong thời gian ngắn. Sinh khối này chính là nguồn phân xanh có giá trị đối với đất trồng.
Đặc biệt, thời điểm cây ra hoa là lúc thích hợp nhất để cắt tỉa lục lạc sợi làm phân xanh. Bởi khi đó, cây phân hủy nhanh hơn và bổ sung một lượng nitơ cực cao (thân lá sau khi phân hủy sẽ bổ sung thêm một lượng N cho đất).
Khi được vùi vào đất, làm tăng thêm hữu cơ cho đất, giúp đất nhiều mùn và tơi xốp hơn, tăng màu mỡ, phì nhiêu cho đất. Hoặc khi che phủ trên mặt, giúp bảo vệ đất mặt, giữ ẩm, chống xói mòn.
2.3 Ngăn chặn tuyến trùng
Nhiều nghiên cứu cho thấy lục lạc sợi có khả năng ngăn chặn tuyến trùng, bảo vệ rễ cây trồng. Có thể trồng luân xanh, xen canh lục lạc sợi để hạn chế tuyến trùng gây hại trong đất.
2.4 Cây che phủ, thu hút thiên địch
Lục lạc sợi có thể được trồng như một loài cây che phủ trong vườn, giúp bảo vệ đất mặt, ngăn chặn xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng, duy trì độ ẩm cho đất, thúc đẩy hoạt động của các sinh vật đất.
Ngoài ra, hoa của muồng sợi còn giúp thu hút các loài thiên địch về vườn, như ong, bọ rùa,…
2.5 Vị thuốc Đông y
Theo Đông y, cây lục lạc sợi được dùng làm thuốc chữa sưng họng, quai bị, lỵ và điều kinh.
3. Cách trồng lục lạc sợi
Lục lạc sợi rất dễ sống không cần chăm bón, nên cách trồng cũng rất đơn giản.
Có thể trồng xen canh dọc theo các lối đi trong vườn hay trồng bao quanh vườn. Nếu đất trống có thể gieo phủ toàn bộ mặt đất để cải tạo đất.
Để trồng muồng sợi, bạn chỉ cần tạo 1 đường rãnh sâu khoảng 5cm, sau đó gieo hạt xuống với khoảng cách hạt cách hạt 5-7cm. Sau đó phủ nhẹ một lớp đất mỏng và tưới thêm nước nếu đất quá khô.
Sau khoảng 30-45 ngày đã có thể thu hoạch để lấy sinh khối.
Lục lạc sợi là một trong những loại cây họ đậu mang đến rất nhiều lợi ích mà các nhà vườn có thể lựa chọn để trồng trong vườn của mình.
Đọc tiếp:
9 loại cây cỏ bổ sung sinh khối và cải tạo đất cho vườn