9 loại cây cỏ bổ sung sinh khối và cải tạo đất cho vườn
Các loại cây dưới đây khi được trồng xen trong vườn không chỉ cung cấp nguồn sinh khối dồi dào cho vườn mà chúng còn giúp cải tạo nền đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi. Tạo môi trường thuận lợi cho sinh vật đất phát triển, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, giàu dinh dưỡng hơn.
Nội dung bài viết
1. Cỏ vetiver
Vetiver là giống cỏ với khả năng sinh trưởng đặc biệt, có tuổi thọ cao, chịu được khô hạn, giá rét, ngập úng và cả hạn mặn.
Cỏ vetiver phát triển với những bụi cao và dày nên cho lượng sinh khối thân lá lớn, hàng tháng đều có thể cắt tỉa để lấy sinh khối che phủ. Sinh khối từ vetiver là một nguồn vật chất hữu cơ giá trị, lớp phủ từ nó giúp giữ nước, giữ ẩm, tạo môi trường cho sinh vật đất hoạt động.
Vetiver không chỉ cung cấp nguồn sinh khối bền vững cho vườn mà còn là loại cỏ giúp cải tạo và bảo vệ nền đất cực tốt.
Với hệ thống rễ dạng chùm, xốp, dày đặc, ăn sâu vào trong lòng đất giúp phá vỡ những tầng đất bị nén chặt, đưa không khí và nước vào sâu trong đất, tạo thông thoáng cho đất để rễ cây và các sinh vật đất phát triển. Rễ mọc theo chiều thẳng đứng, ăn sâu không ăn ngang nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính.
Nhờ bộ rễ vững chắc và thân cỏ cứng cáp, cỏ vetiver ngăn cản các dòng nước chảy xiết, hạn chế xói mòn rửa trôi dinh dưỡng và lớp đất mặt.
2. Cây chuối
Chuối là loại cây đa dụng, tất cả các bộ phận của cây từ thân lá hoa quả đều mang lại nhiều lợi ích. Với đặc điểm dễ trồng, không tốn công chăm sóc, chuối phổ biến khắp mọi nơi.
Trồng chuối trong vườn không chỉ mang lại thu nhập từ hoa lá quả mà còn giúp cải tạo đất, bổ sung nguồn sinh khối hữu cơ giàu dinh dưỡng cho vườn.
Rễ chuối phát triển mạnh, ăn sâu vào đất, phá vỡ những lớp chất chai cứng, đưa nước, dinh dưỡng và không khí xuống tầng đất sâu hơn. Khi rễ cây phân hủy cũng trả lại một lượng lớn hữu cơ trong đất, tạo môi trường cho sinh vật đất hoạt động.
Chuối là nguồn cung cấp kali hữu cơ dồi dào, sử dụng thân lá quả chuối để làm phân kali hữu cơ tại nhà cực kỳ đơn giản.
Chuối phát triển nhanh, cung cấp một nguồn sinh khối lớn, giàu dinh dưỡng. Dùng thân chuối che phủ đất vừa tăng mùn hữu cơ, tăng kali vừa cấp nước, giữ ẩm cho đất.
3. Cây đậu đen xanh lòng
Cây đậu đen xanh lòng là cây họ đậu được trồng phổ biến để lấy hạt. Đậu đen xanh lòng được xem là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất tốt cho cơ thể.
Ngoài mang giá trị về y học, đậu đen xanh lòng còn là loại cây cải tạo đất cực tốt, cung cấp một lượng đạm sinh học cho cây trồng nhờ cộng sinh với vi khuẩn nốt rễ Rhizobium.
Khi trồng xen trong vườn, đậu đen xanh lòng vừa cung cấp đạm, vừa che phủ, giữ ẩm cho đất, vừa cung cấp một nguồn sinh khối dồi dào từ thân lá.
4. Cây dã quỳ
Dã quỳ hay còn gọi là cúc quỳ, một loại cây mọc phổ biến ở các vùng đồi núi ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên.
Đây là loài cây có sức sống rất mãnh liệt, có thể sống tốt ngay cả tại các vách núi dựng đứng, với bộ rễ chùm bám rất chắc chắn vào đất.
Cây dã quỳ được xem là một nguồn phân bón hữu cơ cực kỳ tốt cho cây trồng. Bởi trong thân lá của nó có chứa tới 3,92% kali, 1,76% đạm, 0,82% photpho, 3,00% canxi và nhiều dưỡng chất khác.
Trồng cây dã quỳ trong vườn vừa thu được nguồn sinh khối lớn để làm phân xanh phân ủ giàu dinh dưỡng, vừa cung cấp kali cho đất thay thế kali hóa học. Sinh khối từ dã quỳ có thể cắt phủ trực tiếp lên mặt hoặc vùi vào đất để cải tạo đất. Hoặc băm nhỏ hay xay mịn thân lá để ủ với phân chuồng, sau 5-7 ngày là đã có thể đưa ra sử dụng.
5. Cỏ sả lá lớn
Cỏ sả lá lớn còn có tên gọi khác là Ghine mombasa, là giống cỏ thường được trồng để chăn nuôi bò sữa, dê, cá.
Cỏ sả phát triển nhanh, cho lượng sinh khối lớn. Cỏ sả lá lớn có khả năng chịu được khô hạn, nắng nóng, mưa lạnh, chịu được bóng râm dưới tán cây. Loại cỏ này thích nghi được với nhiều điều kiện đất đai khác nhau từ đất đồi, đất cát, đất phù sa và chịu được đất mặn nhẹ.
Trồng cỏ sả lá lớn xung quanh vườn hoặc ven lối đi, sau khoảng 50 ngày gieo là đã có thể thu sinh khối để che phủ. Với hàm lượng dinh dưỡng trong thân lá cao, nên ngoài bổ sung chất hữu cơ cho đất, sau khi được phân hủy cỏ sả còn cung cấp lượng lớn dinh dưỡng vào đất.
6. Cỏ voi
Cỏ voi là giống cỏ phổ biến, được trồng nhiều để làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Cỏ voi dễ trồng, phát triển thân lá mạnh, cho năng suất sinh khối cao.
Trồng cỏ voi làm hàng rào xung quanh vườn vừa che chắn vườn, vừa lấy sinh khối che phủ và làm phân xanh.
Lưu ý khi trồng cỏ voi là loại cỏ này chỉ phù hợp với những vùng đất có độ ẩm tốt, không ngập úng hay nắng hạn gay gắt.
7. Cây đậu triều
Đậu triều hay đậu săng là loại cây bụi bán thân gỗ, thuộc họ đậu sống lâu năm. Đây là loại cây dễ sống, chịu khô hạn rất tốt, phát triển được trên nhiều loại đất với độ pH khác nhau.
Cây đậu triều có vòng đời từ 2-3 năm, ngoài trồng để thu hoạch hạt làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Đậu triều còn là loại cây cải tạo đất rất hiệu quả. Là cây họ đậu nên có khả năng cố định nitơ từ khí trời thông qua vi khuẩn nốt rễ Rhizobium tạo ra đạm sinh học cho đất và cây trồng.
Đậu triều phát triển nhanh, cho sinh khối nhiều nên cung cấp một lượng sinh khối lớn để che phủ, ủ làm phân xanh. Trồng đậu triều trong vườn còn che bóng chắn gió cho cây con bên dưới.
8. Cây bo bo
Cây bo bo hay còn gọi là cao lương, lúa miến. Là một loại ngũ cốc thuộc họ hòa thảo, thường được trồng làm lương thực và thức ăn cho gia súc. Nhờ hàm lượng đường trong thân lá cao, lá không có lông, không ráp nên bò rất thích ăn.
Cây cao lương có vòng đời khoảng 6 tháng, cây phát triển nhanh, chống chịu tốt với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi như giá lạnh, khô hạn, mặn. Cây cho lượng sinh khối lớn để che phủ và làm phân xanh. Khi cây chết đi, rễ trong đất cũng trả lại một lượng lớn hữu cơ cho đất.
9. Cây keo tai tượng
Keo tai tượng là cây gỗ lâu năm, có khả năng chịu hạn tốt, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất. Với hệ rễ ăn sâu, rễ keo giúp phá vỡ những lớp đất cứng và hấp thu lượng khoáng chất dồi dào ở tầng sâu.
Keo tai tượng cũng là loại cây thuộc họ Đậu, ở phân họ Trinh nữ, nên cũng có khả năng cố định đạm cung cấp cho đất trồng.
Trồng keo tai tượng dọc theo các luống trong vườn vừa thu gỗ, vừa lấy sinh khối che phủ, vừa che bóng cho các cây dưới tán.
Trên đây là một số loại cây cỏ dễ trồng, cho lượng sinh khối cao và khả năng cải tạo đất tốt. Hy vọng các nhà vườn có thể trồng xen canh trong vườn của mình.
Hình ảnh tổng hợp từ các group facebook.
Đọc thêm:
Vetiver và những lợi ích đặc biệt của cỏ vetiver
Vì sao nên trồng thật nhiều chuối trong vườn
Dã quỳ và những lợi ích cho vườn ít người biết đến
Các loại cỏ nên giữ trong vườn để cải tạo bảo vệ đất
Xem thêm về: Các loại cây nên có trong vườn, Cây cải tạo đất
Danh mục: Các loại cây cỏ cải tạo đất, Cách cải tạo đất
BÌNH LUẬN
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỂ
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
-
Khuyến mãi
MIG 29 Chitosan – Phòng trừ xoăn lá, xoắn ngọn, héo xanh
180,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
Giảm giá!
WAO BOOM – Chăm sóc đất, bảo vệ rễ, diệt trừ nấm hại trong đất
995,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
Khuyến mãi
Vaccin – Đặc trị thán thư, ghẻ, nứt thân xì mủ, thối trái, héo xanh
215,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
Phân bón lá amino A4 500ml – Tăng ra hoa đậu quả
540,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
Kéo cắt cành nhập khẩu Đức Original LOWE 15.107
850,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng