pH đất là chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng đất trồng. pH đất có tác động rất lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Trong đó có 4 tác động lớn nhất như sau:
Nội dung bài viết
1. Các tác động của pH đến cây trồng
1.1 pH tác động đến các chất dinh dưỡng quan trọng mà cây trồng cần
pH đất quá thấp hoặc quá cao đều ảnh hưởng đến sự có mặt của các chất dinh dưỡng mà cây trồng cần.
Cây trồng chỉ hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng ở mức pH trung tính (từ 6.0-7.5).
1.2 pH đất tác động đến độ tan của các chất dinh dưỡng
Khi độ pH đất ở mức rất thấp, đất quá chua (pH từ 4.0 – 5.0). Ở mức pH này, hàm lượng nhôm (Al), sắt (Fe) và mangan (Mn) hòa tan cao, gây độc cho sự phát triển của cây. Lượng ion Nhôm cao khiến rễ ngộ độc, rễ bị bó và chùn lại không phát triển, không lấy được nước và dinh dưỡng. Hệ rễ bị nhiễm độc, làm giảm sức đề kháng của bộ rễ là yếu tố thuận lợi để nấm bệnh tấn công gây nên bệnh vàng lá thối rễ.
1.3 pH đất tác động đến sinh vật và vi sinh vật trong đất
pH đất thấp ảnh hưởng đến môi trường sống của sinh vật đất, ức chế sự tồn tại của các vi sinh vật có ích. Nấm khuẩn có lợi phát triển chậm, sinh sản ít. Vi sinh vật phân giải hữu cơ hoạt động kém làm gián đoạn chu trình dinh dưỡng, tốc độ phân hủy các chất hữu cơ.
1.4 pH đất tác động đến cấu trúc đất
Khi đất quá chua (pH đất thấp dưới 5.5) sẽ xảy ra quá trình thoái hóa khoáng sét (các khoáng sét có dung tích hấp thu lớn sẽ chuyển thành các khoáng sét có dung tích hấp thu nhỏ).
Trong điều kiện đất chua tiếp diễn liên tục, khoáng kaolinit biến dần thành hydragilit và thạch anh thứ sinh không còn khả năng hấp thu nữa làm cho đất bạc màu nghiêm trọng (mất khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng).
2. Cách cải thiện pH đất
2.1 Bón vôi dolomite
Sử dụng vôi dolomite CaMg(CO3)2 để bón vào đất. Bột đá dolomite vừa bổ sung canxi vừa bổ sung magie cho đất.
Cần kiểm tra pH đất của vườn trước khi bổ sung. Với những vườn có pH thấp, dưới 5.5 thì bón bổ sung vôi dolomite với lượng 1 tấn/hecta.
2.2 Bón tro
Sử dụng tro cũng là một cách để cải thiện pH đất do tro có tính kiềm cao. Ngoài việc nâng pH, tro còn bổ sung cho đất một số khoáng chất khác như kali, magie, lân.
Nhà vườn có thể sử dụng tro trấu, tro rơm, tro của các loại thực vật chứa nhiều Canxi, magie để bón.
Hai biện pháp trên chủ yếu mang tính nâng độ pH tạm thời, để có thể duy trì và ổn định pH cho đất, nhà vườn cần thực hiện các biện pháp sau:
2.3 Nuôi dưỡng thảm cỏ che phủ
Thảm cỏ che phủ sẽ bảo vệ đất khỏi xói mòn rửa trôi các chất hữu cơ và chất kiềm ở tầng đất mặt.
Lớp cỏ che phủ giúp nước thấm sâu xuống các tầng đất, giữ ẩm tốt hơn, hạn chế bốc thoát hơi nước khi thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó lượng mùn từ cỏ được cắt tỉa sẽ giúp đất càng tơi xốp, phì nhiêu, pH đất cân bằng.
Các loại cỏ mà nhà vườn phát triển trong vườn như lạc dại, xuyến chi, rau trai,… và các loại cỏ mọc lên tự nhiên trong vườn.
2.4 Tăng cường hữu cơ cho đất
Việc bổ sung hữu cơ cho đất chính là trả lại cho đất những chất kiềm mà cây trồng đã lấy đi.
Bổ sung thêm hữu cơ vào đất sẽ giúp đất tơi xốp, thoáng khí, màu mỡ, tăng keo đất, giữ ẩm, giữ dinh dưỡng tốt hơn, ổn định pH đất. Các kim loại kiềm và kiềm thổ sẽ được giữ lại trong đất không bị rửa trôi theo dòng nước nên pH đất không bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hữu cơ cho đất còn giúp các sinh vật, vi sinh vật đất hoạt động tốt hơn, phát triển mạnh hơn, giúp phân giải các chất dinh dưỡng cho cây trồng hấp thu.
Các loại hữu cơ mà nhà vườn có thể bổ sung vào đất như phân chuồng, phân ủ, phân xanh hoặc các vật liệu hữu cơ như thân chuối, dã quỳ, cỏ lào, thân lá hoa màu vụ trước,…
pH đất là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng đất trồng. Là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng cây trồng. Do đó nhà vườn cần thường xuyên kiểm tra pH đất, có các biện pháp cải thiện và duy trì độ pH đất để cây trồng có thể phát triển tốt nhất.
Đọc thêm: