Góc nhìn chân thật về cỏ dại…

Việc xem cỏ dại như một tác nhân gây cản trở sự phát triển của cây trồng như một định kiến được đa số chúng ta chấp nhận. Khi thấy có sự xuất hiện của cỏ dại, đa phần chúng ta đều muốn diệt nó đi, thế nhưng có khi nào ta tự hỏi, vì sao lại xuất hiện cỏ dại, vai trò của chúng là gì? Hoặc 1 câu hỏi tinh tế hơn… Cỏ dại đang muốn truyền đạt điều gì?

Cỏ và đất có mối quang hệ khăng khít
Cỏ và đất có mối quan hệ khăng khít

1. Ý nghĩa và cơ chế hoạt động của cỏ dại

Khi chúng ta trồng hoa thì sẽ xuất hiện ong bướm, khi có không khí thì sẽ có sự sống, khi trồng lúa sẽ có chim đến ăn, khi có côn trùng gây hại thì sẽ có các loài thiên địch, khi có tử thi thì sẽ xuất hiện dòi, bọ… Điều này mang ý nghĩa rằng sự xuất hiện của một sự vật hiện tượng là kết quả của sự vật hiện tượng xảy ra trước đó, tất cả đều có sự liên kết và vận hành chặt chẽ với nhau nhằm tạo ra sự cân bằng tổng thể của tự nhiên.

Cỏ dại cũng thế, sự hiện diện của cỏ dại chính là sự phản ánh tình trạng của đất trồng, tình trạng đất thế nào sẽ sinh ra loại cỏ tương ứng. Hay nói cách khác, chúng ta có thể đọc vị được loại đất trồng thông qua việc quan sát cỏ dại. Cái chúng ta cần chính là buông xuống những định kiến và cho phép mình có góc nhìn chân thực về cỏ dại.

Cỏ dại là những cỗ máy sinh học sản sinh dinh dưỡng và phục hồi đất. Cơ chế của chúng chính là bù lấp những gì mà đất đang thiếu hụt. Nếu đất thiếu tơi xốp, đất sẽ sinh ra loại cỏ giúp kết dính đất, nếu đất bị nén, đất sẽ sinh ra loại cỏ làm đất tơi xốp, nếu đất thiếu nitơ, đất sẽ sinh ra loại cỏ bổ sung nitơ,… và khi đất được những loại cỏ này chuyển hóa đặc tính khác đi, đất sẽ sinh ra những giống cỏ khác để bù lấp những góc cạnh khác. Khi chúng ta hiểu được cơ chế này, chúng ta có thể chủ động làm tăng tốc độ diễn tiến để phục vụ cho mục đích sản xuất.

Mối quan hệ giữu cỏ và đất hết sức mật thiết
Mối quan hệ giữa cỏ và đất hết sức mật thiết

2. Thấu hiểu đặc tính của đất thông qua việc quan sát cỏ dại

Khi ta quan sát cỏ dại, ta sẽ nhận ra được 1 điều, cỏ dại không thực sự mọc dại, mỗi loại cỏ được mọc lên đều có nguyên nhân và lý do cho sự hiện diện của chúng. Có hàng trăm hàng nghìn loại cỏ dại, thế nhưng không phải hễ có đất là chúng sẽ sinh sôi được, các giống cỏ này có mọc lên được hay không lệ thuộc vào điều kiện của đất, và tùy vào điều kiện của đất mà có giống cỏ sẽ nảy mầm, số còn lại thì không. Để nhận biết được loại đất trong khu vực mà bạn đang xét thuộc nhóm đất gì hoặc vùng đất đó đã trải qua điều gì, ta hãy nhìn vào những cây cỏ dại mọc xung quanh. Ví dụ:

2.1. Nhận diện đất nén:

Để biết được tại vùng đất mà bạn đang xét là tơi xốp hay bị nén chặt, bạn hãy nhổ thử vài cây cỏ gần đó lên và quan sát rễ của chúng, nếu loại rễ của cây là loại thẳng dài thì đích thị đất ở vùng đó bị nén chặt nên chỉ có những loài cây có rễ thẳng và dài mới đủ khỏe để đâm sâu. Và khi cây cỏ này chết đi, rễ của chúng sẽ vùi trong đất và tạo thành 1 hành lang hữu cơ và giữ cho sự kết dính trong đất không quá chặt, từ đó làm đất tơi xốp hơn. Điều này cho thấy rằng, khi đất bị nén chặt, điều kiện đất khi đó sẽ sinh ra loài cây làm đất tơi xốp hơn. 

2.2. Nhận diện đất xốp:

Cũng tương tự như cách bạn nhận diện đất nén, bạn hãy nhổ vài cây cỏ quanh khu vực và quan sát rễ của chúng, nếu đó là loại rễ chùm thì đích thị đất ở khu vực đó là đất tơi xốp. Vì rễ chùm có khả năng kết dính các loại đất với nhau, làm đất dính kết chặt chẽ hơn thì cây mới có thể bám trụ trong điều kiện đất tơi xốp. Còn nếu là cây có rễ dài và thẳng thì sẽ không thể bám trụ được trên thế đất đó vì đất rất xốp nên không thể giữ cho cây đứng vững nên chúng sẽ không nảy mầm trong điều kiện như thế. Điều này cho thấy rằng, khi đất quá tơi xốp, điều kiện đất khi đó sẽ sinh ra loài cây làm đất được kết dính. 

2.3. Nhận diện đất thiếu Kali:

Cách để nhận diện ra vùng đất đó đang thiếu Kali chính là nhìn xung quanh khu vực đó… nếu xuất hiện những loại cây cỏ bổ sung Kali (như dương xỉ) thì đích thị vùng đất đó đang bị thiếu Kali. Điều này cho thấy rằng, khi đất thiếu Kali thì sẽ sinh ra những loài cây bổ sung Kali trong đất. Ngoài ra, Kali là chất sẽ bị chuyển hóa khi bị lửa đốt, nên khi bạn nhìn thấy có nhiều cây cỏ bổ sung Kali trong khu vực thì chứng tỏ khu vực đó từng bị cháy dẫn đến thiếu hụt Kali, và những cây cần Kali để phát triển không thể sinh sống nhưng những cây bổ sung Kali thì có thể.

Chức năng của những cây bổ sung Kali là tổng hợp được lượng lớn Kali, thế nhưng chúng chỉ dùng 1 ít, phần còn lại được lẫn hòa vào đất. Càng về sau, điều kiện đất khi đó lại cho phép những loài cây khác nảy mầm, thế nhưng những cây bổ sung Kali thì lại chết dần vì chúng chỉ có thể sống trong điều kiện đất thiếu thốn Kali, khi vùng đất đó đã được phục hồi nghĩa là chúng đã hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng để ra đi, nhường lại sự sinh trưởng cho các thế hệ cây tiếp theo

*Lưu ý: Những ví dụ trên chỉ là những góc độ vô cùng nhỏ và luôn có trường hợp ngoại lệ trong mỗi ví dụ vì cơ địa của đất đai giống như thể trạng của 1 cơ thể sống, chúng vô cùng phức tạp và tác động bởi nhiều yếu tố nên không thể áp những ví dụ trên như 1 công thức bất biến. Cái chính yếu của những ví dụ là để chúng ta nhận ra được tầm quan trọng của việc quan sát những biến đổi trên vùng đất thông qua cây cỏ và học cách để hòa hợp với chúng. Đó mới là điều chính yếu vì mỗi vùng đất sẽ là 1 bài toán khác nhau nên không thể dùng 1 cách giải để áp cho tất cả.

Tầm quan trọng của cỏ dại
Tầm quan trọng của cỏ dại

3. Ứng dụng vào sản xuất

Khi chúng ta dần nhận diện được 1 vài góc độ vận hành của tự nhiên, chúng ta có thể sống chan hòa cùng điều đó. Trong 1 trang trại sản xuất nông sản, khi chúng ta thu hoạch cây trồng, điều đó đồng nghĩa với việc đất trồng bị lấy đi 1 phần dinh dưỡng và chúng ta cần phải bổ sung lại lượng dinh dưỡng bị thiếu hụt đó, chúng ta có thể sử dụng phân bón hữu cơ để làm điều đó. Thế nhưng, có những cách tự nhiên mà chúng ta có thể làm nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào phân bón, đó chính là trồng cỏ. Và vì chúng ta trồng cỏ để sản xuất nên chúng ta không thể để cỏ mọc 1 cách tự tiện mà cần phân bổ và chủ động thiết kế vị trí cho chúng và sử dụng chúng thật thông minh. Hãy tìm hiểu đặc tính khác nhau của các loài cỏ dại, từ đó ứng dụng những khả năng của chúng trong việc cải tạo đất.

Khi chúng ta hiểu được mối quan hệ giữa cỏ và đất, và mối quan hệ này sẽ thay đổi dựa theo sự thay đổi của tình trạng đất. Chúng ta có thể uyển chuyển ứng dụng đặc tính của chúng vào sản xuất thực tiễn.

Nguồn: traceverified.com

Xem thêm: Các loại cỏ nên giữ trong vườn và cách quản lý cỏ dại

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh