Biện pháp nâng cao chất lượng và mẫu mã trái cây có múi

Đối với người tiêu dùng, khi lựa chọn một sản phẩm có 2 điều quan trọng để họ ra quyết định mua đó là chất lượng và mẫu mã. Điều này lại càng quan trọng hơn đối với sản phẩm là nông sản, đặc biệt là các loại trái cây.

Trong bài viết này, WAO xin chia sẻ một số biện pháp để giúp khắc phục các hiện tượng ảnh hưởng đến mẫu mã và chất lượng trái trên cây có múi.

1. Những biện pháp nâng cao mẫu mã trái cây

Một quả cam, bưởi được đánh giá là có mẫu mã đẹp thông qua các tiêu chí như kích thước, màu sắc,… Trái phải tròn đều, cân đối, không méo vẹo; kích thước không quá to, cũng không quá nhỏ; da phải có màu đặc trưng, bóng đẹp, không sần sùi, da cám, nhăn nhúm,…

Trái cây được đánh giá đẹp là phải tròn đều, sáng màu, da bóng

Vậy làm sao để trái cây đạt được những tiêu chí đó?

Mẫu mã, hình thức bên ngoài của trái bị tác động bởi nhiều yếu tố như dinh dưỡng, côn trùng, nấm bệnh, thời tiết,… Để trái được to tròn, bóng đẹp cần có kỹ thuật chăm sóc đúng.

1.1 Bổ sung đúng và đủ dinh dưỡng

Dinh dưỡng là yếu tố đầu tiên tác động đến mẫu mã của trái. Trái có tròn đều, cân đối, phát triển đúng kích thước hay không phụ thuộc rất lớn vào dinh dưỡng mà cây hấp thụ được.

Trong giai đoạn cây nuôi trái, cây cần rất nhiều dinh dưỡng bao gồm cả đa, trung và vi lượng. Việc bón thừa hay thiếu một số chất dinh dưỡng sẽ làm trái phát triển không đều.

Cụ thể, nếu bón dư N (nitơ), thiếu P (lân) sẽ làm cho trái bị sồ, vỏ dày, méo mó. Thiếu K (kali) trái phát triển không đều, nhỏ trái, màu sắc kém, vỏ dày. Đặc biệt là các dinh dưỡng trung, vi lượng như Ca, Mg, Zn, Mn, Bo, Fe,… nếu không được cung cấp cho cây sẽ làm trái chậm phát triển, méo mó, nứt, màu sắc kém, da sần sùi,…

trái bị méo
Trái bị méo vẹo do mất cân đối dinh dưỡng

Do vậy, để trái cây được phát triển đều đẹp, cân đối, màu sắc tươi, da bóng cần phải cung cấp đúng và đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây. Tránh trường hợp bón dư thừa, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Đặc biệt, việc dư thừa hoặc thiếu hụt một số chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến sự hấp thu một số các chất khác. Ví dụ dư N sẽ làm thiếu hụt P.

1.2 Phòng trừ côn trùng và nấm bệnh cho cây

Các biểu hiện trên trái mà đa số nhà vườn thường gặp phải hằng năm đó là trái bị dam cám, sần sùi, vẹo một góc,… Những biểu hiện này đều xuất phát từ việc côn trùng hoặc nấm khuẩn tấn công.

Côn trùng

Một số loài côn trùng gây hại nguy hiểm trên cây có múi làm giảm giá trị thương phẩm của trái như nhện, bọ trĩ, bọ xít muỗi, sâu… Đặc biệt nhện là loài gây hại mạnh nhất với ba loài phổ biến là:

Nhện đỏ: Chúng chích hút trên trái để lại triệu chứng giống như bị cào, trên vỏ quả phủ một lớp màu vàng xạm.

Nhện vàng: Nhện vàng tập trung nhiều trên phần vỏ trái hướng ra phía ngoài tán lá, chúng tấn công quả làm quả bị méo mó, nhỏ, tạo những vết nâu hơi xám.

Nhện trắng: Chúng thường tạo ra các vết rám xạm màu vàng bạc hay chì màu da xạm giống như màu da cá mập và lan rộng ra khắp bề mặt quả, thỉnh thoảng vết xạm giống như màu đồng thiếc.

bưởi bị nhện hại
Bưởi bị nhện gây hại
Bưởi bị côn trùng gây hại

Bên cạnh đó, bọ xít muỗi, bọ trĩ cũng tấn công tạo nên các vết sẹo lồi lõm trên bề mặt trái.

Để tránh được những thiệt hại do côn trùng gây ra làm giảm giá trị trái, nhà vườn cần chủ động phun phòng trừ từ lúc trái bắt đầu đậu và phun định kỳ hàng tháng trong suốt thời gian nuôi trái. Bên cạnh đó, cần chủ động bao trái bằng túi lưới hoặc túi vải để hạn chế côn trùng tấn công. Ngoài ra cần bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn như kiến vàng, ong ký sinh,…

Nấm khuẩn

Có hại loại bệnh gây hại phổ biến ở cây có múi làm trái sần sùi, xấu xí, không lớn là bệnh ghẻ loét do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. Citri và bệnh ghẻ sẹo do nấm Elsinoe fawcettii.

Bệnh ghẻ sẹo do nấm tạo nên các vết sẹo sần sùi hình chóp nhọn, màu vàng nâu; sau một thời gian vết bệnh hóa bần khô lại có màu nâu sẫm đến nâu xám.

Bệnh ghẻ loét tạo nên các vết lõm xù xì màu nâu, mép ngoài có gờ nổi lên, ở giữa mô chết rạn nứt, vết loét có thể sâu hết phần vỏ quả.

nấm bệnh làm giảm chất lượng và mẫu mã trái cây
Trái bị ghẻ do nấm

Hai bệnh này thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết mưa ẩm, vườn rậm rạp, cây yếu dễ mắc bệnh.

Để hạn chế sự xuất hiện của bệnh và hậu quả do bệnh để lại cần chủ động phun phòng nấm khuẩn định kỳ cho cây. Trường gặp cây đã mắc bệnh cần xử lý kịp thời, tránh để lây lan khắp vườn gây ra thiệt hại lớn.

2. Những biện pháp nâng cao chất lượng trái cây

Trái cây, cụ thể là trái của cây có múi được đánh giá là chất lượng thông qua các tiêu chí như tép mọng, vị ngọt, hương thơm, vỏ mỏng, giàu dinh dưỡng. Trái chất lượng là trái không được sượng xốp, vị đắng, nhạt, múi khô, vỏ dày.

nâng cao chất lượng trái cây bằng các chăm sóc đúng
Trái chất lượng là trái không được sượng xốp, vị đắng, nhạt, múi khô, vỏ dày.

Vậy làm sao để trái cây được ngọt thơm, mọng nước, mỏng vỏ?

Chất lượng của trái cây bị tác động bởi nhiều yếu tố như chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, thời tiết, côn trùng và nấm bệnh,…

2.1 Chăm sóc cây đúng kỹ thuật

Tình trạng trái bị khô múi, sượng xốp xuất phát từ việc thiếu nước, trái ra không cùng thời điểm, cây già cỗi,…

Tưới nước hợp lý

Quả của cây có múi là quả mọng, chứa một lượng nước lớn, nếu cây thiếu nước thì trái cũng không thể mọng và trở nên khô xốp. Do đó trong quá trình chăm sóc cần chú ý đến việc tưới nước cho cây. Luôn phải giữ cho độ ẩm của đất ở mức 60 – 70%.

Kích hoa ra cùng lúc

Việc trên cây có những quả ra trước quả ra sau cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái. Bởi nó phụ thuộc vào thời gian trái được nuôi dưỡng. Nếu những quả ra sau được thu hoạch cùng thời điểm với những quả ra trước thì độ chín của quả chưa đạt làm quả có thể bị đắng, nhạt, sượng hoặc trường hợp trái ra trước được thu hoạch muộn hơn sẽ có thể bị khô tép, không còn mọng.

chăm sóc cây có múi đúng kỹ thuật để nâng cao chất lượng và mẫu mã trái

Do đó cần phải chăm sóc cây đúng kỹ thuật để hoa ra đồng đều, trái đậu cùng lúc hoặc cần phải quan sát thời điểm ra của quả để có thời gian thu hoạch hợp lý.

2.2 Bổ sung dinh dưỡng cân đối

Dinh dưỡng là yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng của trái. Trái cây có ngọt, có thơm, có mọng nước, giàu dinh dưỡng hay không đều phụ thuộc vào lượng dinh dưỡng mà cây có được.

Nếu cây không được bổ sung dinh dưỡng cân đối và đầy đủ thì một loạt các triệu chứng sẽ để lại như vỏ dày, xốp, khô múi, sượng, vị nhạt, đắng, chua, lõi rỗng, quả mềm, chín chậm…

Do đó nhà vườn cần bổ sung đúng và cân đối các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây để tránh được các trường hợp làm giảm chất lượng trái ở trên.

Những thời điểm nên bón phân cho cây để cây luôn đủ dinh dưỡng:

Bón sau thu hoạch: Bón phân chuồng với khối lượng lớn sau thu hoạch từ 5 – 7 ngày. Thời điểm này để cây lấy lại sức sau thời gian dài nuôi trái và chuẩn bị sức khỏe cho vụ mang trái tiếp theo.

Bón trước khi ra hoa 4 tuần: Thời điểm này cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm cả đa, trung và vi lượng cho cây để cây có sức khỏe tốt nhất, sung nhất.

Bón sau khi đậu trái 3 – 4 tuần: Thời điểm này cũng cung cấp đầy đủ các dinh dưỡng thiết yếu cho cây để cây nuôi trái. Nhưng hạn chế lượng đạm.

Bón sau khi đậu quả 3 tháng: Thời điểm này cũng bón đầy đủ dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cho cây với lượng phù hợp.

Bón trước khi thu hoạch 2 tháng: Thời điểm này chủ yếu bón kali và trung vi lượng để giúp trái ngọt thơm.

Thời điểm bón phân cho cây có múi

Có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng việc bón gốc hoặc phun lá.

Lưu ý: Trong quá trình nuôi cây chăm trái, ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu trên, cần phải bổ sung Amino acid cho cây, bởi đây là thành tố có vai trò cực kỳ quan trọng với cây trồng đặc biệt trong giai đoạn làm hoa nuôi trái. Amino acid cho cây cũng quan trọng như sắt cho phụ nữ mang thai. Do đó cần được bổ sung thường xuyên.

2.3 Phòng trừ côn trùng nấm bệnh

Côn trùng, nấm bệnh gây hại trên cây không chỉ ảnh hưởng lớn đến mẫu mã của trái mà nó còn ảnh hưởng đến đến chất lượng trái cây.

Trái cây khi bị côn trùng tấn công sẽ trở nên xấu xí, sần sùi, một số quả bị nặng sẽ trở nên khô sượng. Bên trong ruột trái có các phần nâu cứng cho vết chích của côn trùng để lại. Đặc biệt, sâu đục trái và ruồi vàng là những kẻ cực kỳ nguy hiểm cho trái. Chúng không chỉ tấn công làm mất chất lượng trái và còn làm rụng trái hàng loạt khiến nhà vườn thiệt hại nặng nề.

Cũng tương tự như thế, trái cây bị nhiễm các bệnh do nấm khuẩn cũng để lại những tổn thương bên ngoài mà còn cả ở bên trong trái. Trái bị bệnh thường khô sượng, vị đắng, nhạt,…

Để không xảy ra tình trạng này nhà vườn cần chủ động phòng trừ và xử lý côn trùng nấm bệnh ngay từ ban đầu và định kỳ hàng tháng. Cần bao bọc trái kỹ lưỡng và thường xuyên thăm khám vườn để phát hiện sâu, bệnh.

3. Lưu ý khi chăm sóc cây có múi

Có một số vườn được bón đầy đủ dinh dưỡng, nhưng cây trồng vẫn có biểu hiện thiếu hụt dinh dưỡng. Lý do là cây trồng không hấp thu được những dinh dưỡng này bởi hai nguyên nhân chính là rễ kém, hư thối và pH đất quá thấp hoặc quá cao. Do vậy, nhà vườn cần phải chăm sóc bộ rễ của cây thật khỏe để hấp thu dinh dưỡng tốt hơn và cần phải cân bằng độ pH cho đất ở mức từ 6 – 6.5.

Cần nâng cao chất lượng đất, bón nhiều phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh, phân ủ,… Không lạm dụng phân bón vô cơ làm chai cứng đất và tồn dư nitrat ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.

Có thể thay thế các loại phân vô cơ tổng hợp bằng các loại phân hữu cơ dễ dàng sản xuất tại nhà như phân chuồng, phân đạm cá, phân đậu tương, phân chuối,…

Trong vườn cây ăn trái cần được che phủ bằng cỏ và cây bụi hoặc vật liệu hữu cơ. Không được sử dụng thuốc diệt cỏ hoặc cuốc xới làm bật gốc cỏ khiến đất trơ trọi. Quản lý cỏ một cách hợp lý để tận dụng nguồn sinh khối hữu cơ cho đất.

vườn để cỏ giúp bảo vệ đất, cây phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao

Không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thay vào đó là các loại chế phẩm sinh học an toàn. Tăng cường bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn như kiến vàng, bọ rùa, bọ ngựa, ong,…

Để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường và tạo ra những cơ hội mới cho nông sản thì việc nâng cao chất lượng và mẫu mã là điều kiện tiên quyết. Nhà vườn cần có những biện pháp kỹ thuật chăm sóc đúng và hiệu quả để mang lại kết quả tốt nhất.

Nếu bạn cần tư vấn thêm về kỹ thuật chăm sóc cây có múi, hãy để lại thông tin để được đội ngũ kỹ thuật của WAO hỗ trợ miễn phí!

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh