Trồng Na với Cỏ và kết quả sau 2 năm thực nghiệm
Chào các bạn, nay mình chia sẻ một số cái hơi bị “hay ho” quan sát được tại vườn na theo cách trồng cộng sinh với cỏ.
Thực ra nội dung không hẳn hoàn toàn dành riêng cho bạn cỏ vetiver. Mà là các trải nghiệm trong quá trình mình tập làm nông nghiệp có liên quan đến Cỏ nói chung. Hy vọng có thêm nhiều góc nhìn mới cho ai đó.
Mình đã áp dụng trường phái Vườn Rừng kết hợp gần 2 năm nay, quan điểm của phương pháp gói gọn bằng một chữ “KHÔNG”: Không phân (vô cơ), không thuốc, không cày xới và không diệt cỏ; mình chỉ thuần túy làm mấy việc như: tưới nước đủ (mùa khô), cắt cỏ và che phủ khi thấy cần phải làm. Trong mùa mưa năm đầu tiên và năm 2 có bổ sung thêm ít lợi khuẩn và nấm.
Năm nay thì để tự nhiên nó vận hành. Mỗi tháng mình vào vườn quan sát 2 – 3 lần và cắt bớt cỏ khi thấy chúng phát triển quá mức. Cũng chả mất bao nhiêu công sức cho tổng diện tích 7000m2. Xem như là vận động thể dục nhẹ nhàng. Công cụ sử dụng nhiều nhất là liềm (mình đặt rèn thủ công 2 loại: 1 cái chuyên dùng cắt, 1 cái để chặt các cành tán nhỏ). Với diện tích lớn hơn, bạn có thể dùng máy cắt cỏ. Riêng mình thì lại thích dùng liềm, lý do là mình vừa làm vừa quan sát và thu thập được nhiều thông tin hơn.
Một số điều mình đã đúc kết được, sau gần 2 năm thực nghiệm:
Nội dung bài viết
1. Trồng cộng sinh na với cỏ vetiver
Nếu trồng vetiver cùng lúc hạ bầu cây na, và tưới đủ nước, sự cộng sinh sẽ xảy ra nhanh hơn. Nhất là với vườn mới tạo lập, nguồn cỏ bản địa hầu như chưa đáng kể, hệ vi sinh vật chưa dồi dào và phát huy sức mạnh.
2. Nhiều loại cỏ xuất hiện
Sau ít nhất 6 tháng, mình mới nhận rõ được giá trị của Cỏ. Giai đoạn này điều quan trọng nhất có lẽ là học cách chấp nhận sự hiện diện của tất cả các loại cỏ khác nhau trong vườn, dù có những loại cỏ xuất hiện làm mình có chút khó chịu như cỏ gấu, cỏ tranh, mắc cỡ, cỏ chỉ… Sự có mặt của chúng trong khu vườn là quy luật tự nhiên, khi đã chấp nhận, thì cần kiểm soát chúng và chờ đợi. Đến một thời điểm nhất định, bọn chúng sẽ tự nhường chỗ hoặc biến mất. Đó chính là qui luật vận hành của mô hình Vườn Rừng.
[Cỏ mắc cỡ là cây chiếm ưu thế nhất trong năm đầu tiên, năm thứ 2 chúng ít dần đi mà nhường chỗ cho các loại cỏ thân cao như vetiver, xuyến chi, cỏ tranh, cỏ sả, cỏ mĩ, cỏ lào, lạc tiên… chỗ càng được che phủ bởi cây bụi tiên phong sinh trưởng nhanh, mạnh như lồng mức, hu đay, cỏ lào, dã quỳ thì cỏ tầng thấp hơn không thể ngoi lên ngắm mặt trời được, thế là bọn chúng tự thoái hóa và dần biến mất].
3. Kiểm soát cỏ dại
Tất cả các loài có mặt trong một diễn thế sinh thái nào, đều có vai trò và giá trị riêng của chúng. Với cỏ dại, bạn sẽ thấy biết ơn những đóng góp lớn lao của bọn chúng. Ở khu vườn của mình, một số loài cỏ còn hỗ trợ đắc lực cho cây na vượt qua khó khăn trong những thời điểm sâu, bọ tăng dân số quá mức và gây hại.
Mình chỉ cắt cỏ nhiều lượt vào mùa mưa, mùa sinh trưởng mạnh, nhưng cũng chỉ khoảng 1 tháng lần là đủ. Không cắt trống hoàn toàn mà sẽ giữ lại những khu vực nhất định nhằm không gây xáo trộn quá mức đến nguồn thức ăn, nơi cư trú của hệ vi sinh – động vật. Thông thường mình chỉ cắt tối đa 1/2 đến 3/5 diện tích, phân tán khắp cả khu vườn, và chừa lại gốc cỏ cao 25 – 30cm. Mùa nắng khắc nghiệt thì cố gắng giữ cỏ tối đa có thể, chỉ cắt tỉa những loại còn sinh trưởng tốt như vetiver, hoặc những loại cỏ nào mọc xung quanh gốc na (nơi được tưới thường xuyên).
Tỉa bớt cành, tán cây bụi, cây tự nhiên nếu chúng chiếm cạnh tranh ánh sáng của cây na, theo hướng chính Đông – Tây (hướng nhiều ánh sáng nhất). Mình còn trồng thêm cây lấy gỗ (tầng cao) theo hướng Nam – Bắc gồm có giáng hương, đàn hương, và keo tai tượng.
4. Kiểm soát sâu và côn trùng gây hại theo phương pháp: Ngăn cản – chia sẻ – thu hút & xua đuổi.
• Ngăn cản: Vetiver trồng cộng sinh (2 – 3 bụi đối xứng cách cách gốc na ~ 20cm) sau khoảng 6 tháng sẽ hỗ trợ đắc lực cho cây chính. Từ 1 năm trở lên, hiệu quả sẽ càng rõ rệt, nhất là vào mùa nắng (do hệ thống lá dày đặc như tấm lưới sinh học bao bọc cây ở bên trong, ngăn cản côn trùng tiếp cận). Ngoài ra cỏ sả tự nhiên cũng có tác dụng tương tự.
• Chia sẻ: chủ động trồng thêm và giữ lại loài cây cung cấp nguồn thức ăn ưa thích cho côn trùng ở bìa vườn, xen lẫn trong vườn. Có thể lựa chọn ổi găng, sung, keo tai tượng, lồng mức, hu đay cho giải pháp này.
• Thu hút – xua đuổi: ươm gieo các loại hoa xen kẽ quanh vườn, hoặc dành một khoảng đất trống, tận dụng đường đi trong vườn để gieo hạt (thu hút thiên địch rất hiệu quả). Trồng thêm cây xua đuổi như bạc hà, xả (nhiều tinh dầu) Mình chỉ mới gieo được vạn thọ lùn, sao nhái và đang nhân giống thêm. Năm nay sẽ bổ sung thêm mười giờ, sam, sả, bạc hà và thì là.
★ Thiên địch của sâu bọ:
Thiên địch là nhân viên bảo vệ đắc lực và hoàn toàn miễn phí. Vườn mình đang có chuồn chuồn, bọ xít, ong ăn thịt, nhện, ruồi giả ong, chim ăn sâu, kì nhông, tắc kè… Năm đầu loài kiến vàng hầu chưa thấy mấy, nhưng năm thứ hai đã thấy rất nhiều tổ treo lủng lẳng trên các cây bụi, cây đàn hương, cây ngái.
5. Vài dấu hiệu nhận biết mảnh vườn đã “khỏe mạnh” hơn
• Sự phong phú của quần thể động vật nhỏ và côn trùng (thiên địch) có mặt tại vườn như liệt kê ở trên. Các “nhân viên dọn dẹp môi trường” như giun đất, cuốn chiếu, ốc sên…ngoài ra bạn sẽ thấy có sự hiện diện của chuột hoang, cút rừng, chim yến. Các loại chim ăn thịt như chim cắt, bìm bịp, cú mèo…
• Các loài nấm đủ hình thái sinh trưởng – phát triển kể cả trong mùa nắng nếu được che phủ tốt (ở một mảnh vườn khác, lần đầu tiên mình đã hái được 5 kg nấm mối sau gần 3 năm phục hồi hệ sinh thái)
• Khi cào lớp thực bì phía dưới gốc cây, cỏ sát mặt đất, bạn tìm thấy một lớp nấm mỏng như tơ nhện màu trắng phủ đều, kể cả khi đào xuống chừng 10-15cm vẫn thấy chúng hiện diện ở đó. Đó là một điềm lành báo hiệu mảnh đất ấy đang “sống” và khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
• Cây trồng chính chung sống hòa bình cùng rất nhiều loài cây, cỏ khác. Dù thỉnh thoảng chúng có thể bị vài trục trặc nhỏ bởi các anh bạn côn trùng hơi tham ăn làm tổn thương ngoài da, hoặc bị “cảm cúm” mà bị suy yếu đôi chút. Nhưng tất cả sẽ rồi sẽ ổn và vượt qua. Hãy cho chúng thời gian, thế thôi.
Trên đây là một số cái “hay ho” mình quan sát được sau gần 2 năm theo đuổi. Hy vọng ai đó qua bài viết này, sẽ thêm khát khao, đam mê thực hành – trải nghiệm để nhìn thấy những thay đổi kì diệu của Tự Nhiên ngay trong khu vườn của các bạn. Hãy kiên nhẫn nhé, đủ nắng hoa sẽ nở…
[Đồng Nai, 20/06/21]
Tác giả: Nam Nguyen
>> Tìm hiểu ngay: Cỏ Veitver và những lợi ích đặc biệt đối với vườn cây
Mọi người cũng quan tâm:
Các loại cỏ cực kỳ có lợi cho vườn cây ăn trái
Bức tâm thư của cỏ xuyến chi gửi nhà vườn
Xem thêm về: Cỏ cải tạo đất
Danh mục: Kỹ thuật canh tác
BÌNH LUẬN
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỂ
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
-
MIG 29 Chitosan – Phòng trừ xoăn lá, xoắn ngọn, héo xanh
180,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
WAO BOOM – Đặc trị vàng lá thối rễ
1,045,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
Vaccin – Đặc trị thán thư, ghẻ, nứt thân xì mủ, thối trái, héo xanh
215,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
WAO Detox – Phòng chống ngộ độc hữu cơ
265,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
Phân bón lá amino A4 500ml – Tăng ra hoa đậu quả
540,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng