Giun đất hay trùn đất là một trong những loài sinh vật giúp đất màu mỡ, cây trồng tươi tốt. Chúng thường sống ở những khu vực đất ẩm ướt, có nhiều mùn hữu cơ. Bởi thức ăn của chúng là những vật chất hữu cơ hoai mục. Vậy, bạn có biết giun đất mang đến điều gì cho đất trồng? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Nội dung bài viết
1. Giun đất mang đến điều gì cho đất trồng?
1.1 Mật độ giun trong đất là chỉ số để đánh giá chất lượng đất
Cách đơn giản nhất để đánh giá sức khoẻ của đất canh tác là kiểm tra số lượng giun trong đất. Trong đất màu mỡ, số lượng giun trung bình khoảng từ 300-500 con/m2. Ở những vùng đất kém màu mỡ và chai cứng gần như không tồn tại giun đất, hoặc số lượng rất ít.
1.2 Giun đất bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất
Thức ăn của giun đất là các mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác bã thực vật. Hệ thống tiêu hóa của chúng tập trung các thành phần hữu cơ và chất khoáng từ thực phẩm chúng ăn. Do vậy chất thải của chúng rất giàu chất dinh dưỡng đối với đất trồng. Giun đất thường để lại phân giàu chất dinh dưỡng trong các hang đất của chúng, đó chính là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho cây sinh trưởng và phát triển.
Trong phân giun: các thành phần N, P, K, Mg nhiều hơn gấp 5 – 11 lần so với đất thường. Khi giun chết, xác của chúng cung cấp một lượng lớn Nitơ cho đất. Như vậy, giun đất mang lại một nguồn dinh dưỡng lớn cho đất trồng, làm tơi xốp, tăng độ phì nhiêu cho đất.
1.3 Giun đất giúp cải thiện hệ thống thoát nước, thoáng khí
Những chú giun đất được ví như những kỹ sư xây dựng tài giỏi. Trong quá trình di chuyển và đào hang sống trong đất, chúng tạo thành các đường mòn, khe hở trong đất. Nhờ đó, nước, không khí và chất dinh dưỡng được lưu thông, phân tán đều trong đất. Hệ thống thoát nước tự nhiên của đất cũng hoạt động tốt hơn. Đất trở nên tơi xốp, thoáng và giàu dưỡng khí, rễ cây hô hấp dễ dàng, hấp thu dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh.
1.4 Giun giúp cải thiện cấu trúc đất, làm tăng năng suất cây trồng
Phân giun và xác giun kết hợp với hạt đất có khả năng tái tạo keo đất, ổn định nước, lưu giữ độ ẩm và góp phần tái tạo lại lớp đất mặt. Giun để lại phân trong đất, xây dựng lại cấu trúc bề mặt đất. Trong điều kiện thuận lợi chúng sẽ mang lại khoảng 50 tấn phân/ ha. Và lượng phân giun mỗi năm đủ để tạo thành một lớp đất dày 5mm.
Quá trình hoạt động của giun giúp đất thoáng khí, tạo môi trường thuận lợi cho sinh vật trong đất phát triển mạnh. Đó chính là điều kiện để đất có hoạt động sinh học cao. Góp phần giảm được tác động xấu từ sâu bệnh hại tồn tại trong đất.
1.5 Giun đất giúp tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh
Theo các nhà nghiên cứu, giun đất còn giúp tiêu diệt các vi sinh có hại gây bệnh cây trồng hiệu quả. Khi chúng ăn lá cây sẽ tiêu hóa luôn những nấm mốc, khuẩn hại trên lá.
Phân của chúng là môi trường tốt nhất để các loại vi sinh vật hữu ích phát triển. Các vi sinh vật hữu ích sẽ tạo ra chất kháng sinh để ngăn chặn các vi sinh vật gây hại cho cây trồng. Mật độ giun trong đất cao cũng tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi phát triển. Giúp hạn chế tuyến trùng và nấm gây hại trong đất.
Đến đây, chắc hẳn bạn đã có đáp án cho câu hỏi giun đất mang đến điều gì cho đất trồng. Vậy hiểu rõ được tầm quan trọng và lợi ích của giun đối với đất trồng rồi, việc cần làm tiếp theo là hãy bảo vệ và phát triển giun đất để tận dụng lợi ích của chúng.
2. Bảo vệ và phát triển giun đất
Một số biện pháp giúp bảo vệ và phát triển giun đất có thể kể đến như:
2.1: Che phủ mặt đất bằng vật liệu hữu cơ
Việc che phủ mặt đất bằng các vật liệu che phủ hữu cơ, cỏ dại hoặc các loại cây trồng che phủ rất quan trọng nếu bạn muốn duy trì mật độ giun đất lớn trong vườn. Chính là tạo cho chúng một môi trường sống thuận lợi, đủ nước, độ ẩm, và nguồn thức ăn dồi dào.
2.2: Hạn chế cày xới đất
Việc cày xới đất thường xuyên làm xáo trộn môi trường sống và hoạt động của giun. Khi môi trường sống bị xâm hại, số lượng giun trong đất sẽ bị giảm đáng kể.
Do vậy, cần hạn chế tối đa quá trình cày xới đất. Bạn đừng quá lo lắng, bởi mỗi chú giun chính là một người thợ cày cần mẫn ngày đêm giúp chúng ta cải thiện cấu trúc đất một cách tự nhiên rồi.
2.3: Hạn chế tối đa các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ
Các loại thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ gây ảnh hưởng rất xấu tới giun. Khi các hóa chất BVTV này được đưa vào đất, giun tiếp xúc phải sẽ nhiễm độc và chết. Vì vậy, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để chăm sóc cho cây trồng thay cho các loại hóa chất độc hại. Mục đích là bảo vệ và duy trì môi trường sống khỏe mạnh cho giun đất cũng như hệ sinh vật trong đất.
>>> Xem thêm:
cũng được