Tận dụng tàn dư thực vật làm vật liệu che phủ đất trồng trọt

Che phủ là biện pháp bảo vệ đất đã và đang được nhiều nhà vườn áp dụng trong thời gian gần đây, nhất là khi xu hướng chuyển đổi hướng canh tác từ hóa học truyền thống sang hữu cơ tự nhiên đang được quan tâm nhiều. Các vật liệu che phủ giúp đất giữ ẩm, hạn chế bốc hơi nước vào mùa khô và thoát nước, làm mát rễ vào mùa mưa. Hạn chế được sự rửa trôi, xói mòn, tăng hàm lượng hữu cơ cho đất, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Che phủ đất sẽ giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn, hạn chế được sâu bệnh.

Vật liệu che phủ đất từ tàn dư thực vật

Hai cách che phủ đất hiệu quả nhất là che phủ bằng thảm thực vật và tàn dư thực vật. Che phủ bằng cây các loại cây che phủ có nhiều ưu điểm, tuy nhiên biện pháp này lại gặp hạn chế về vấn đề cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính trong thời gian đầu, người sản xuất cần chăm bón và phòng trừ sâu bệnh cho cả 2 loại cây.

Che phủ bằng tàn dư thực vật cũng mang đến nhiều lợi ích cho đất trồng, biện pháp này giúp cải thiện đặc tính lý, hóa học của đất, các vật liệu phủ sau khi phân hủy sẽ bổ sung hàm lượng chất hữu cơ rất lớn cho đất, tạo một môi trường sống và nguồn thức ăn tuyệt vời cho các sinh vật đất.

che phủ đất trồng dâu tây
Tận dụng tàn dư thực vật che phủ đất vừa tiết kiệm vừa bảo vệ đất rất hiệu quả

Ở Việt Nam, các vật liệu che phủ hữu cơ như rơm rạ, thân lá hoa màu sau thu hoạch, cỏ cắt, lá rụng, vỏ cây, mùn cưa, vỏ hạt,… là nguồn sẵn có, nhưng hầu hết người nông dân đều chưa có thói quen tái sử dụng mà chủ yếu dùng làm chất đốt. Việc đốt tàn dư sau thu hoạch không chỉ làm lãng phí nguồn chất hữu cơ mà còn gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, tận dụng các loại phế phụ phẩm sau thu hoạch của các loại cây trồng để che phủ đất trong trồng trọt là một biện pháp cần thiết mang đến hiệu quả, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Các vật liệu che phủ đất nên dùng

Rơm rạ

Sau thu hoạch lúa dư ra một lượng lớn rơm rạ, bà con nên tận dụng để che phủ đất trồng. Rơm rạ sau khi gom lại nên để khô, sau đó phủ kín lên mặt đất. Che phủ bằng loại vật liệu này giúp giữ ẩm đất tốt, giảm cỏ dại cho các vườn trồng rau màu, thời gian phân hủy chậm nên không phải phủ thường xuyên, sau khi phân hủy sẽ bổ sung một lượng hữu cơ làm tơi xốp đất.

tận dụng rơm rạ sau thu hoạch để che phủ đất canh tác
Dùng rơm rạ sau thu hoạch để che phủ đất canh tác

Lá rụng

Các loại cây thân gỗ lâu năm, cây ăn trái thường sẽ có một mùa lá rụng trong năm, lượng lá rụng rất lớn, do đó nên tận dụng lượng tàn dư này để che phủ. Ưu điểm của loại vật liệu này là phân hủy nhanh nên sẽ cung cấp cho đất một lượng mùn hữu cơ rất lớn.

Dùng lá rụng phủ dày vào gốc cây cho các vườn cây ăn quả hay vườn cà phê, hồ tiêu. Một số loại lá cây che phủ tốt và dễ kiếm như  keo tràm, phi lao, bạch đàn,… hay lá của các cây trồng trong vườn.

lá rụng là nguồn nguyên liệu che phủ rất tốt
Tận dụng lượng lá rụng từ cây để che phủ đất

Lưu ý không sử dụng lá cây che phủ của cây đã bị bệnh vì sẽ làm phát tán bệnh cho cây trồng được che phủ.

Phế liệu hoa màu từ vụ trước

Các loại cây hoa màu như ngô, đậu, lạc,… sau khi thu hoạch sẽ có một lượng lớn tàn dư là thân lá, hãy tận dụng ngay số tàn dư này để phủ lên đất trồng. Đây là loại vật liệu phân hủy chậm, do đó thời gian che phủ lâu, ngăn xói mòn và giữ ẩm cho đất rất tốt.

Dùng xác thực vật đã để khô phủ kín các gốc cây trồng, hoặc phủ mặt các luống đất trồng cây hoa màu. Nên phủ kín từ 10-15 ngày trước khi gieo trồng cây hoa màu và phủ dày vào mùa khô với các loại cây trồng lâu năm.

tàn dư hoa màu để phủ mặt
Các cây hoa màu như ngô, đậu,… dùng phủ đất rất tốt

Thân chuối

Chuối là loại cây trồng phổ biến nhất, hầu như vườn trồng gia đình nào cũng có chuối. Đây được xem là loại vật liệu che phủ tốt nhất đối với các vườn trồng cây ăn quả. Chuối là loài thực vật có hàm lượng kali cao bậc nhất, trong tro vỏ chuối thậm chí kali có tận 49%. Sử dụng thân cây chuối để che phủ để tăng hàm lượng kali cho cây. Đây là loại nguyên liệu tự nhiên, dễ có, chi phí thấp bởi vậy, chẳng có lý do gì để không tận dụng nó để che phủ.

vật liệu che phủ đất tốt nhất là chuối
Chuối là vật liệu che phủ đất rất giá trị

Chuối chặt hạ và xẻ đôi từng khúc sau đó úp mặt chẻ xuống đất tấp phủ quanh gốc các cây ăn quả. Nước ở thân chuối sẽ rỉ xuống đất nhưng khó bốc hơi do từng lớp thân chuối trơn nhẵn ngăn lại tạo môi trường ẩm và tối cho vi sinh vật phát triển phân giải.

Vỏ cây, vỏ lạc, vỏ hạt khô

Các loại phế phẩm thực vật này thường sẵn có và dễ sử dụng. Các loại cây trồng lâu năm thường thay vỏ sau vài năm, tận dụng những mảng vỏ cây sần sùi để che phủ rất tốt. Với vỏ các loại hạt khô thì sau khi lấy giống gieo vụ mới, lượng vỏ dư ra có thể dùng để phủ gốc. Các loại vật liệu này khi phân hủy cũng bổ sung chất hữu cơ rất lớn cho đất, tuy nhiên lại dễ hấp dẫn các loài chuột bọ.

dùng các loại vỏ hạt để che phủ đất
Các loại phế phẩm từ vỏ hạt, vỏ cây là nguyên liệu che phủ đất

Cỏ cắt tươi

Cắt cỏ lúc chưa ra hoa rải đều lên mặt đất để che phủ, giúp giữ ẩm rất tốt. Nên sử dụng các loại cỏ lá dài, không hoa như cỏ voi, cỏ sả,…để phủ mặt. Cỏ tươi sau khi phân hủy cung cấp cho đất rất nhiều dinh dưỡng, và thường được gọi là phân xanh.

che phủ đất bằng cỏ cắt
Cỏ tươi là một vật liệu che phủ đất

Mùn cưa

Ở các vùng có sản xuất và chế biến gỗ thường có lượng mùn cưa rất lớn, tận dụng loại phế phẩm này để che phủ giúp bổ sung lượng mùn cho đất rất tốt. Dùng mùn cưa phủ kín mặt đất trồng và gốc cây sau đó tưới nước lên, mùn cưa giúp giữ ẩm rất tốt. Lưu ý, phủ cách gốc 30 – 40cm.

Mùn cưa được sử dụng nhiều trong đời sống
Dùng mùn cưa để che phủ đất hoặc làm giá thể trồng cây

Đọc thêm: Lớp phủ thực vật quan trọng như thế nào trong canh tác tự nhiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh