Hôm nay, có những nội dung chính sau đây:
1. Chính quyền vào cuộc giải cứu 2.000 tấn cam Phủ Quỳ giá 5.000 đồng/kg

Cam bóc Phủ Quỳ còn gọi là quýt Phủ Quỳ là giống cam được trồng nhiều tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An do đặc tính giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương nên quy trình canh tác rất dễ dàng, không phải đầu tư chi phí cho phân bón, bảo vệ thực vật quá nhiều mà vẫn cho năng suất, chất lượng cao. Cam có đặc tính dễ bóc, mọng nước, vị ngọt thơm, dùng vắt nước không cần thêm đường. Nhưng do là giống mới, chưa được truyền thông, quảng bá nhiều từ trước đến nay vẫn chủ yếu là tiêu thụ tại địa phương và các vùng lân cận, chưa nhiều người tiêu dùng được biết đến. Năm nay trước bối cảnh đại dịch COVID-19, tình hình tiêu thụ nông sản trong cả nước đều gặp khó khăn, cam bóc Phủ Quỳ cũng không nằm trong ngoại lệ đó. Chương trình diễn ra từ 22/3 cho đến khi kết thúc niên vụ năm 2021.
Nguồn: Ngọc Mai/tienphong.vn
2. Sầu riêng vụ nghịch có giá cao, nông dân Tiền Giang phấn khởi
Hiện nay, tại Tiền Giang, sầu riêng đang vào vụ nghịch với giá tiêu thụ ở mức rất cao. Những nông dân có vườn sầu riêng đang thu hoạch vào thời điểm này phấn khởi bởi lãi cao từ cây trồng đặc sản. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, với năng suất bình quân 20 tấn/ha và giá khoảng 90.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi hescta sầu riêng đạt giá trị sản xuất đến 1,8 tỷ đồng.
Nguồn: Minh Trí/TTXVN- VietNam+
3. Xoài Việt nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh, giá cao
Tuy lượng xoài Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ chưa nhiều, nhưng đang tăng trưởng mạnh và giá khá cao so với nguồn nhập từ các nước khác. Trong năm qua, lượng và trị giá nhập khẩu xoài Việt Nam vào Mỹ tăng rất mạnh đạt 2.100 tấn, trị giá 4,61 triệu USD, tăng 66% về lượng và tăng 70,1% về trị giá so với năm 2019.
Nguồn: zingnews.vn
4. Bã cà phê có thể giữ chìa khóa tái sinh rừng?
Các nhà nghiên cứu từ Thụy Sĩ và Hawai tuyên bố họ đã tìm ra cách sử dụng bã cà phê để thúc đẩy sự tái sinh của những khu rừng bị phá hủy do quá trình nông nghiệp gây ra. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sau hai năm, các chất dinh dưỡng bao gồm các-bon, nitơ và phốt-pho đã tăng lên đáng kể trong khu vực xử lý bã cà phê so với đối chứng. Đây là một phát hiện đầy hứa hẹn do đất nông nghiệp nhiệt đới trước đây thường bị thoái hóa cao và chất lượng đất kém có thể trì hoãn quá trình diễn thế rừng trong nhiều thập kỷ.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/
5. Thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững
Ngày 30/3, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) cùng Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Diễn đàn Sáng kiến gia vị bền vững (SSI) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. “Ngành hồ tiêu Việt Nam là nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng đối với SSI, và SSI cam kết và tự hào được đồng hành đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu Việt Nam. Qua đó giúp việc kinh doanh và thương mại của chúng tôi bền vững hơn”, ông Alflons Van Gulick (Chủ tịch điều hành SSI tại Việt Nam) chia sẻ.
Nguồn: Tùng Đinh/nongnghiep.vn