Hôm nay, có những nội dung chính sau đây:
Nội dung bài viết
1. Xâm nhập mặn ở sông Cái Lớn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 1 đến 2-4, xu thế xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long dao động ở mức cao, sau giảm dần và tăng lại vào ngày 9 đến 10-4; riêng sông Cái Lớn xâm nhập mặn duy trì ở mức cao đến ngày 6-4. Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Nguồn: A.N/nhandan.com.vn
2. 10 mảng kinh doanh nông nghiệp sinh lời nhất năm 2021
Nông nghiệp là khu vực quan trọng vì cung cấp nguồn thức ăn cho hàng tỷ người mỗi ngày. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tại các nước đang phát triển, nông nghiệp chiếm hơn 25% GDP. Nhận định 10 mảng kinh doanh trong ngành nông nghiệp “ăn nên làm ra” nhất trong năm nay: Chăn nuôi, phân bón, máy nông nghiệp, trái cây và rau hữu cơ, trồng nấm, thực phẩm thuần chay, rau mầm, nuôi ong mật, canh tác chính xác, canh tác thẳng đứng.
Nguồn: Kim Long/nongnghiep.vn
3. Giải mã thành công bộ gien mầm bệnh bí đỏ
Người trồng bí đỏ bị ám ảnh bởi những vảy rám nắng nhỏ hình thành trên quả, mỗi vết rám nắng là một dấu hiệu cho biết bệnh đốm vi khuẩn. Các đốm này không chỉ làm hỏng thịt quả mà còn tạo ra các điểm cho nấm xâm nhập gây thối quả vầ các mầm bệnh khác có thể phá hủy bí đỏ và các cây họ bí khác từ trong ra ngoài.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/
4. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Những năm qua, xã Mường Khoa (Bắc Yên) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân khai thác lợi thế của địa phương, chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Những kết quả đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mường Khoa đã phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả, nhất là làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ tự phát sang đầu tư thâm canh, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, xã Mường Khoa tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mới 35 ha cây ăn quả và hơn 90 ha cây lâm nghiệp.
Nguồn: Huy Thành/baosonla.org.vn
5. Dứa được mùa, được giá, nông dân thu lãi cao
Thị trường dứa quả thương phẩm của tỉnh Lào Cai đang được tiêu thụ mạnh với giá từ 5.500 – 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng dứa sẽ có lãi khá cao so với các năm trước. Từ những nương dứa nhỏ lẻ do người dân vùng biên Na Lốc ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương mua giống từ Trung Quốc về trồng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô sắn, đến nay một vùng biên giới đã trở thành thủ phủ dứa quả của tỉnh Lào Cai.
Hiện nay toàn tỉnh Lào Cai có 900 ha dứa trồng tập trung ở các huyện biên giới Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát và dự kiến vụ này cho thu hoạch khoảng 25.300 tấn quả thương phẩm, thu về hàng trăm tỷ đồng.
Nguồn: congthuong.vn