Giun đất được xem là người bạn thân thiết của người nông dân nhờ những giá trị to lớn mà nó mang lại. Nó chính là kỹ sư sinh học, là cỗ máy cày ruộng quan trọng trong tự nhiên và nông nghiệp.
Chúng là một trong những sinh vật chỉ thị cho sức khỏe và độ phì nhiêu của đất. Sự phong phú về mật độ giun trong đất sẽ đánh giá chất lượng sức khỏe của hệ sinh thái và mức độ an toàn của môi trường đất. Bên cạnh đó, chúng còn tạo ra một nguồn dinh dưỡng giá trị cho đất và cây trồng giúp người làm vườn tăng năng suất và tiết kiệm chi phí trồng trọt.
Nội dung bài viết
1. Giun đất hoạt động như thế nào để tạo ra dinh dưỡng?
Trong quá trình hoạt động sống, giun đất đào hang, đảo trộn đất, chúng nuốt các chất hữu cơ thô như xác bã thực vật, phân chuồng,…
Bên cạnh đó, chúng còn ăn các vi khuẩn, nấm, tuyến trùng, động vật nguyên sinh.
Hệ tiêu hóa của chúng có chứa các enzyme đặc biệt giúp phân hủy các chất hữu cơ này thành các phân tử nhỏ hơn. Các enzyme được tạo ra bởi các vi sinh vật có lợi có trong ruột giun giúp mở khóa các liên kết hóa học của các chất dinh dưỡng và tạo ra các vitamin thiết yếu.
Các chất này được phối trộn đều trong ruột giun, qua đó có một hỗn hợp cân bằng giữa chất đất sét và chất mùn cũng như nước, không khí và chất dinh dưỡng.
Sau khi tiêu hóa, giun đất bài tiết ra chất thải dưới dạng phân. Phân giun đất là hỗn hợp của các chất hữu cơ đã được phân hủy, vi sinh vật có lợi, các hoạt chất kích thích sinh trưởng thực vật và các chất dinh dưỡng thiết yếu dễ tiêu cho cây trồng.
2. Hàm lượng dinh dưỡng có trong phân giun đất
Phân giun đất chứa một hàm lượng dinh dưỡng dồi dào và đa dạng, bao gồm:
Chất hữu cơ
Hàm lượng chất hữu cơ trong phân giun đất rất cao, dao động từ 30-60%. So với hàm lượng chất hữu cơ trong nền đất thông thường, hàm lượng chất hữu cơ có trong phân giun cao hơn đến 50%. Chất hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng giữ nước và dinh dưỡng, kích thích hoạt động của vi sinh vật có lợi cho đất.
Các vi chất dinh dưỡng
Phân giun đất cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng như nitơ (N), photpho (P), kali (K), canxi (Ca), magie (Mg), lưu huỳnh (S),… Các vi chất dinh dưỡng này ở dạng dễ hấp thu, giúp cây phát triển khỏe mạnh và tăng năng suất.
Đặc biệt, hàm lượng các chất dinh dưỡng này đều cao hơn rất nhiều so với đất thường. Cụ thể, hàm lượng đạm cao gấp 5 lần, lân cao gấp 7 lần, kali cao gấp 10 lần, magie cao gấp 3 lần và canxi cao gấp 1,5 lần.
Ngoài ra, phân trùn còn chứa nhiều vi lượng dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng như: lưu huỳnh (S), sắt (Fe), mangan (Mn), đồng (Cu), bo (B), kẽm (Zn), molipden (Mo),… Tất cả các chất dinh dưỡng này bám dính với các chất hữu cơ trong viên phân.
Vitamin và enzyme
Phân giun đất chứa nhiều loại vitamin như: B1, B2, B3, B5, C, E và enzyme như Amylase, Cellulase, Protease, Lipase, Phosphatase,… có lợi cho sự phát triển của rễ cây, tăng cường khả năng miễn dịch của cây đối với bệnh do vi nấm, vi khuẩn gây ra.
Phân giun đất là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào và hoàn toàn miễn phí cho đất và cây. Giúp bà con tăng năng suất cây trồng và tiết kiệm chi phí trồng trọt. Để có được cỗ máy sản xuất phân bón này, bà con cần bảo vệ và phát triển chúng trong vườn.