Nhắc đến mối – chúng ta đều có chung một suy nghĩ là chúng là loài gây hại và luôn phải tìm cách để tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, mối không hẳn chỉ là loài gây hại, bởi nó cũng mang đến những lợi ích thiết thực mà lâu nay chúng ta đều bỏ qua.

Hãy cùng tìm hiểu xem, loài côn trùng này có lợi ích gì?

1. Đặc điểm của loài mối

Mối có tên khoa học là Isoptera, thuộc nhóm côn trùng và họ hàng rất gần với loài gián. Tương tự như kiến, mối là loài côn trùng có tập tính xã hội cao, chúng sẽ xây dựng vương quốc riêng của mình với con mối đực lớn nhất là vua, những con mối cái có khả năng sinh sản thường gọi là mối chúa, và mối thợ, mối lính. Mỗi con sẽ có một nhiệm vụ khác nhau trong vương quốc của mình.

1.1. Mối chúa

Mối chúa là loài có kích thước lớn nhất, mỗi đàn chỉ có một mối chúa. Mối chúa có nhiệm vụ sinh sản duy trì nòi giống. Thông thường mối vua và mối chúa sống ở trung tâm của tổ, không thường ra khỏi tổ, chúng chỉ di chuyển từ tổ chính qua tổ phụ nếu gặp phải trường hợp ngập úng.

moi chua min
Mối chúa lớn nhất tổ

1.2. Mối thợ

Mối thợ có kích thước nhỏ và chiếm khoảng 70 – 80% quân số trong đàn mối, chúng còn được gọi là mối lao động. Mối thợ không có cơ quan sinh sản, tuy nhiên chi đốt lại phát triển tốt.

Trong vương quốc, mối thợ nhận nhiệm vụ xây tổ, làm đường, chuyển trứng, hút nước, nuôi các mối non… Ngoài những công việc trên, chúng còn tham gia chiến đấu khi bị mối ở tổ khác tấn công.

1.3. Mối lính

Được phân hóa từ mối thợ, số lượng mối lính trong đàn không quá nhiều. Mối lính chịu trách nhiệm canh gác và tấn công. Phần đầu và cặp hàm trên của chúng khá phát triển là một vũ khí cực kỳ lợi hại của chúng. Ngoài ra, một số con mối lính còn có tuyến hàm tiết ra dịch nhũ trắng, khi bị tấn công chúng có thể phun chất dịch làm mê kẻ tấn công.

2. Những lợi ích mà loài mối mang lại

Trên thế giới có tới hơn 2500 loài mối khác nhau, tuy nhiên chỉ dưới 5% loài mối gây thiệt hại cho con người. Những lợi ích sinh thái mà những loài mối có lợi mang đến thường bị lãng quên bởi những suy nghĩ tiêu cực đối với các nhóm gây hại. Mặc dù chúng ta cũng không nên bỏ qua những tác hại mà chúng đưa đến đối với đời sống, nhưng mối là một phần quan trọng trong hệ sinh thái của tự nhiên.

2.1. Loài mối giúp phân hủy vật liệu hữu cơ

Cellulose là thức ăn chính của mối có trong gỗ và các loài thực vật, đây cũng là một phần cấu trúc thiết yếu đối với cấu tạo hóa học của tự nhiên. Tuy nhiên, loại chất xơ này lại khá cứng, có độ bền cao và rất khó tiêu hóa và đòi hỏi phải có cellulase, một loại enzyme mà rất ít sinh vật sở hữu. Mối là một trong số ít loài động vật có khả năng ăn Cellulose và biến nó thành dạng có thể tái sử dụng.

những lợi ích của loài mối
Mối giúp phân hủy vật liệu hữu cơ

Tính năng độc đáo này cho phép mối ăn và xử lý các vật liệu hữu cơ, bao gồm bất cứ thứ gì từ phân động vật đến vật liệu thực vật chết. Các ty thể và các vi sinh vật khác kết hợp trong dạ dày mối để xử lý các nguyên liệu thô này, biến chúng thành chất thải có lợi cho hệ sinh vật xung quanh.

Chính hoạt động này, loài mối giúp quá trình phân hủy vật liệu hữu cơ tốt hơn, biến vật liệu hữu cơ thô như thân, cành, gỗ thành mùn, giúp đất tơi xốp, màu mỡ thoáng khí, giàu dinh dưỡng hơn.

2.2. Mối giúp cố định nitơ (đạm)

Nitơ là một nguyên tố quan trọng đối với sinh vật sống trên trái đất. Nitơ có nhiều trong bầu khí quyển của Trái Đất (khoảng 79%). Tuy nhiên, nitơ thường được tìm thấy gắn với các hợp chất khác, cụ thể là amoniac. Do đó, các sinh vật khác muốn sử dụng nitơ thì các chất đi kèm phải được loại bỏ hoặc “cố định”.

Cố định nitơ là một đặc tính độc đáo chỉ có ở một nhóm nhỏ các sinh vật sống. Rất may, mối là một trong số ít các sinh vật đó.

moi giup co dinh nito min
Mối giúp cố định nitơ trong không khí

Các vi khuẩn trong ruột mối là một cỗ máy tách nitơ, có khả năng chiết xuất nitơ trong không khí và chuyển đổi nó thành một loại phân bón hữu ích, có lợi cho thực vật và những sinh vật trong lòng đất.

2.3. Mối vận chuyển không khí và khoáng chất

Nhằm phát triển môi trường sống để mở rộng thuộc địa, mối sẽ đào sâu xuống lòng đất và tạo ra một mạng lưới đường hầm chằng chịt, cung cấp chỗ ở cho hàng nghìn con mối. Trong suốt quá trình đào hang, mối vô tình làm đất xốp và nhiều không khí hơn. Nhờ đó, nước mưa dễ ngấm vào sâu hơn, giữ ẩm tốt hơn. Rễ cây cũng như các sinh vật khác trong lòng đất hô hấp tốt hơn.

lợi ích của loài mối
Mối vận chuyển không khí và khoáng chất

Trong quá trình xây dựng tổ, mối trộn các hạt vô cơ của cát, đá và đất sét với các mảnh rác hữu cơ, các bộ xương bỏ đi thành một hỗn hợp giúp đất giữ được các chất dinh dưỡng. Độ dính của phân mối và các bài tiết khác trong cơ thể giúp cải thiện cấu trúc đất.

Một lợi ích khác từ quá trình xây dựng tổ của mối là việc vận chuyển đất. Mối sẽ vận chuyển lớp đất giàu khoáng chất ở phía dưới đưa lên lớp đất mặt. Việc làm này làm tăng thêm khoáng chất trên bề mặt phục vụ cho hoạt động sinh trưởng của cây trồng và các sinh vật.

Như vậy, mối không đơn thuần là loài gây hại, mối là một phần quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên.

Đọc tiếp:

Những chiến binh thầm lặng bảo vệ cây trồng của chúng ta

Lợi ích đặc biệt của ong trong canh tác nông nghiệp

    1. Cảm ơn bạn. Nếu bạn cần hỗ trợ về các vấn đề trên cây trồng hãy gọi trực tiếp đến số hotline của công ty hoặc để lại vấn đề ngay tại đây để được hỗ trợ nhanh nhất. Và đừng quên truy cập thường xuyên vào website để cập nhật những kiến thức hữu ích về nông nghiệp bạn nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *