Hoạt động sản xuất nông nghiệp đang là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng ở nước ta.
Theo thống kê, hằng năm ngành nông nghiệp thải ra hàng trăm tấn phân hóa học, hóa chất trừ sâu bệnh độc hại hòa vào nguồn nước.
Nội dung bài viết
1. Nguồn nước bị ô nhiễm từ nông nghiệp như thế nào?
1.1. Lạm dụng phân bón hóa học
Việc sử dụng quá mức phân bón hóa học để tăng năng suất cây trồng đã dẫn đến tình trạng dư thừa nitrat, photphat trong đất. Một phần chúng ngấm vào các tầng địa chất, ngấm vào mạch nước ngầm làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Một phần, khi mưa xuống, các chất này hòa tan vào nước, chảy tràn trên bề mặt đổ vào các ao hồ, kênh mương, sông suối.
1.2. Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật tràn lan
Các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, thuốc diệt cỏ chứa nhiều hóa chất độc hại, bên cạnh lợi ích giúp kiểm soát sâu bệnh. Các độc chất này khi phun lên cây trồng sẽ bị rửa trôi theo nước mưa hoặc nước tưới tiêu ngấm vào tầng đất, xâm lấn dần vào các mạch nước ngầm và theo dòng chảy tràn vào kênh mương, sông suối, ao hồ.
1.3. Rác thải nông nghiệp
Theo nghiên cứu của Viện Vệ sinh môi trường mới đây cho thấy đối với ngành trồng trọt tổng lượng phụ phẩm phát sinh từ 4 nhóm cây trồng chính bao gồm cây hằng năm, cây ăn trái, cây công nghiệp và rau các loại ước tính khoảng 95 triệu tấn, ngoài ra trong hoạt động trồng trọt còn phát sinh ra lượng chất thải rắn lớn trong đó có chất thải nhựa, bao gồm vỏ bao bì thuốc BVTV, vỏ bao bì phân bón, màng nilon che phủ.
Các chất hóa học còn dư lại trong vỏ bao bì sẽ ngấm dần vào đất và nguồn nước do việc vứt bỏ bừa bãi ngay tại ruộng và các kênh mương.
Bên cạnh đó các loại chất thải nhựa từ canh tác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có thể tồn tại lâu trong đất, giải phóng các vi nhựa gây ảnh hưởng đến chất lượng đất, nước, xâm nhập vào nông sản, làm cho nông sản giảm chất lượng và không đảm bảo an toàn.
2. Ô nhiễm nguồn nước để lại hậu quả gì?
Đối với sức khỏe con người
Việc ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của con người.
Khi nước sinh hoạt bị ô nhiễm, việc sử dụng nước gây tích tụ các chất độc hại vào trong cơ thể, gây nên những căn bệnh nguy hiểm về tiêu hóa, ung thư, dị tật.
Khi trồng trọt tưới tiêu cho cây trồng bằng nguồn nước ô nhiễm dẫn đến việc tồn dư các chất độc hại trong nông sản, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Đối với thực vật và hệ sinh thái
Khi môi trường nước bị ô nhiễm các sinh vật sống trong đất và trong nước bị ngạt khí, ngộ độc và chết đi. Làm suy giảm đa dạng sinh học.
Các loài thủy hải sản bị chết hàng loạt do nhiễm độc và thiếu thức ăn. Ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng và đánh bắt.
Ô nhiễm nguồn nước đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái. Cần phải có những biện pháp cụ thể và đồng bộ để bảo vệ môi trường nước. Và chính chúng ta – những người nông dân trực tiếp canh tác trồng trọt cần tiên phong trong việc thay đổi và hành động để bảo vệ gìn giữ nguồn nước trong sạch.