Hạt Mắc ca là một món ăn vặt bổ dưỡng được rất nhiều người yêu thích không chỉ nhờ hương vị thơm ngon, mà nó còn có giá trị dinh dưỡng nổi trội. Để trồng được loại cây này đạt năng suất và chất lượng cao thì ngoài việc chăm sóc thường xuyên, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng… Bạn cần hiểu biết về 8 loại bệnh mắc ca thường gặp mà chúng tôi trình bày dưới đây. Cần nắm được biểu hiện để bắt bệnh và trị bệnh cho cây kịp thời.
Nội dung bài viết
1. Bệnh vàng lá thối rễ trên cây mắc ca
Biểu hiện: Lá chuyển sang màu vàng, héo dần và rụng. Rễ bị thối và dần dần cây bị chết.
Nguyên nhân: Bệnh vàng lá thối rễ trên cây mắc ca do nấm và tuyến trùng gây hại. Tuyến trùng và nấm Phytophthora xâm nhập rễ tạo ra các vết thương hoặc làm giảm khả năng miễn dịch của bộ rễ, từ đó tạo điều kiện cho nấm Fusarium solani xâm nhập gây hại. Nấm Fusarium tiết ra độc tố làm thối rễ, héo lá, vàng lá, rụng lá khiến cây chết từ từ.
Giải pháp:
Trị bệnh: Sử dụng nấm đối kháng Chaetomium để tiêu diệt nấm bệnh trong đất. Dùng các loại nấm men để làm liền sẹo và giúp rễ đẻ nhánh mới.
Phòng bệnh: Sử dụng k-humate và trichoderma tưới vào đất để tăng sinh khối rễ và cải tạo đất giúp phòng trừ bệnh tái phát.
Và cuối cùng là sử dụng acid amin ở dạng nano để bồi bổ cho cây phục hồi.
2. Bệnh thán thư trên cây mắc ca
Nguyên nhân: Bệnh thán thư trên cây mắc ca do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Bệnh thán thư trên cây mắc ca phát triển và gây hại nhiều nhất trong mùa mưa. Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư thực vật, có thể lây lan bởi gió. Các trái nằm khuất trong tán cây thường dễ bị và thường nhiễm bệnh nặng hơn.
Giải pháp: Khi cây bị nhiễm bệnh nặng sử dụng nấm đối kháng kết hợp với nano đồng phun để diệt trừ nấm và sát khuẩn. Cắt tỉa và tiêu hủy các cành, trái bị bệnh. Sử dụng phân bón qua lá để cho cây dễ hấp thụ bù lại thời gian thiếu hụt do quang hợp kém.
3. Bệnh nứt thân xì mủ trên cây mắc ca
Nguyên nhân: Bệnh nứt thân xì mủ ở cây mắc ca gây ra bởi nấm Phytophthora cinnamomic. Nấm bệnh có nguồn gốc từ đất, bệnh thường phát sinh trong điều kiện ẩm độ và hàm lượng nước tự do cao đặc biệt là sau thời gian mưa kéo dài. Bệnh đặc biệt nguy hiểm ở các vùng đất vườn suy thoái, pH đất thấp, nhiều nấm hại tồn tại. Cây trồng lại có đề kháng kém, khả năng chống chịu bệnh thấp.
Giải pháp: Khi phát hiện cây mắc ca bị xì mủ, tiến hành lau sạch vết mủ, sử dụng nấm đối kháng kết hợp với nano đồng quét lên vết bệnh để sát khuẩn và diệt sạch nấm hại. Cắt tỉa cành thông thoáng, loại bỏ những cành bị nhiễm bệnh mang đi tiêu hủy. Cải tạo, xử lý nền đất, đảm bảo đất thoát nước tốt, độ ẩm thích hợp, không tồn tại nhiều nấm bệnh. Bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho cây, phun phòng nấm định kỳ. Bón phân hữu cơ, bổ sung thêm nấm đối kháng, nấm men, humic, amino acid vào đất để cải tạo đất. Giúp phòng trừ nấm bệnh từ đất gây hại lên thân, cành, lá và quả.
4. Rệp sáp
Nguyên nhân: Rệp sáp thường ẩn nấp tại các kẽ lá, kẽ cành, phần gốc rễ. Rệp chích hút nhựa cây làm cho bộ phận tương ứng của cây bị cạn kiệt dinh dưỡng rồi chết. Rệp sáp gây hại mạnh vào mùa khô. Phát triển mạnh khi trong vườn không có thiên địch, mất cân bằng sinh thái, có nhiều cây ký sinh chủ.
Giải pháp: Sử dụng nấm xanh, nấm trắng để phu phòng rệp định kỳ và phun liên tục khi chúng phát triển mật số cao. Cắt bỏ những cành, trái bị tấn công mạnh mang ra khỏi vườn tiêu hủy. Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch của rệp sáp như bọ rùa, ong ký sinh. Vào mùa khô cần giữ ẩm cho vườn, thăm kiểm tả vườn để phát hiện sâu bệnh sớm. Trồng các loại cây thu hút thiên địch và xua đuổi rệp sáp.
5. Sâu đục quả mắc ca
Nguyên nhân: Sâu đục quả mắc ca là ấu trùng của một loại bướm đêm, sâu gây hại gần như tất cả các mùa. Bướm đẻ trứng trên quả hoặc gần quả. Khi nở, ấu trùng chiu qua vỏ vào quả để tìm hạt. Bướm đêm hoạt động nhiều khi vườn bị mất cân bằng sinh thái, vườn ít thiên địch,…
Giải pháp: Để hạn chế sâu đục quả mắc ca cần hạn chế bườm đêm. Bướm trưởng thành hoạt động về đêm nên có thể dùng bẫy đèn để bắt. Cắt bỏ và thu gom những quả bị sâu đục trên cây và cả quả rụng đem xử lý để tránh ấu trùng phát triển gây hại thêm. Phun phòng sâu định kỳ bằng nấm ký sinh như nấm xanh, nấm trắng, bón phân cân đối, đủ dinh dưỡng. Phát triển các loài thiên địch trong vườn như ong bắp cày, chim sâu, kiến vàng,…
6. Rệp muội
Nguyên nhân: Rệp muội hút dịch cây làm cho chồi non biến dạng, lá bị cong và co rút lại. Chúng thường gây hại trên chồi, mầm hoa và mặt dưới của lá. Rệp muội đen còn tiết mật ngọt làm nấm muội đen phát triển, ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây. Là tác nhân quan trọng trong việc truyền bệnh “Tristeza”.
Rệp phát triển mạnh khi trong vườn không có thiên địch, mất cân bằng sinh thái. Trồng độc canh khiến rệp tập trung gây hại cây trồng chính.
Giải pháp: Dùng nấm xanh nấm trắng và nano đồng phun xịt lên các chồi non định kỳ hàng tháng và khi chúng phát triển ở mật độ cao. Kiểm tra vườn thường xuyên, cắt tỉa vườn thông thoáng. Tạo hệ sinh thái tự nhiên cân bằng, bảo vệ và phát triển các loài thiên địch như bọ rùa, kiến vàng, chim, ong ký sinh,… Trồng đa dạng các loại cây trồng bao gồm cây ngăn cản, cây xua đuổi, cây thu hút thiên địch và côn trùng gây hại.
7. Sâu đục thân
Nguyên nhân: Sâu đục thân là ấu trùng sâu non của bọ cánh cứng Xén tóc. Những con Xén tóc trưởng thành thường đẻ trứng vào các kẽ của thân cây, các vết nứt hoặc nhánh cây nên khi trứng nở những con ấu trùng có thể men theo những đường này tấn công vào thân hoặc cành cây để cắn phá. Các vườn trồng độc canh, không có thiên địch thường sẽ gây hại mạnh hơn.
Giải pháp: Khi phát hiện sâu cắn phá thân cành, dùng dây kẽm để soi lỗ đục, sau đó dùng bông nhúng vào thuốc trừ sâu rồi gắn vào đầu dây kẽm rồi nhét vào lỗ đục. Tiếp đến dùng đất sét hoặc vật liệu nhét bịt lỗ đục để giết chết sâu non ở trong thân cây.
Xén tóc trưởng thành thích ánh đèn nên có thể dùng bẫy đèn để bắt chúng. Đa dạng hóa cây trồng trong vườn, tránh độc canh để hạn chế sâu hại tập trung vào cây trồng chính. Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch của sâu hại.
8. Bọ xít muỗi
Nguyên nhân: Bọ xít muỗi thường chích hút nhựa vào sáng sớm và chiều mát, những ngày âm u chúng có thể hoạt động cả ngày. Chúng gây hại từ đầu mùa mưa đến cuối mùa mưa. Bọ xít muỗi dùng vòi chích hút xuyên qua mô thực vật, gây ra các vết hoại tử trên lá, cành, trái tạo thành các vết sẹo gây biến dạng, chết chồi. Ngoài ra, thông qua vết chích, nấm bệnh dễ dàng xâm nhập gây hại.
Bọ xít muỗi phát triển mạnh trong các vườn có độ ẩm cao, thiếu thông thoáng. Vườn mất cân bằng sinh thái, không có thiên địch.
Giải pháp: Sử dụng nấm 3 màu kết hợp với giấm gỗ để phun trừ bọ xít muỗi. Phun phòng định kỳ và phun liên tục khi chúng xuất hiện mật độ cao. Cắt tỉa tạo tán vườn thông thoáng, để tránh độ ẩm quá cao, tạo điều kiện cho bọ trĩ sinh trưởng. Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch của bọ xít muỗi như kiến đen, kiến vàng, bọ ngựa, nhện bắt mồi, ong ký sinh,… trong vườn để kiểm soát mật số bọ xít muỗi. Bón phân cân đối, hạn chế bón nhiều đạm vào thời điểm cây ra lộc và trái non. Tạo hệ sinh thái vườn cân bằng, tránh trồng độc canh.
>> Bấm vào tên sản phẩm để đặt mua và tìm hiểu thêm thông tin