Cây vừng (mè) và những đặc điểm của cây vừng

Cây vừng hay còn gọi là cây mè, là loại cây thân thảo được trồng phổ biến ở nước ta. Loại cây này đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân ở các vùng Trung và Nam Bộ.

1. Đặc điểm cây vừng (mè)

Đặc điểm sinh học

Cây vừng có tên khoa học là Sesamum indicum, có nguồn gốc từ Châu Phi. Được thuần hóa và du nhập đến các vùng nhiệt đới trên khắp thế giới. Cây vừng thuộc họ thân thảo, thân có nhiều dạng có thể thân tròn ít lóng hoặc nhiều lóng. Hay có dạng thân rỗng hình chữ nhật hoặc thân có 4 cạnh với tiết diện vuông.

Cành xuất phát từ thân chính, cành có thể mọc cách hay mọc đối nhau. Cành sẽ mang hoa và trái, trên các cành chính còn có cành cấp 2.

Lá vừng có sự biến đổi về dạng và kích thước trên cùng một cây hay giữa các giống. Lá có thể mọc đối hay luân phiên tùy giống. Cách sắp xếp lá ảnh hưởng đến số hoa mang trên nách lá và năng suất hạt trên cây. Lá mọc đối tạo điều kiện có nhiều hoa.

Hoa mè có hình chuông, cuống hoa ngắn, tràng hoa gồm 5 cách. Hoa mọc từ nách lá thành chùm, mỗi chùm có 4-8 hoa.

Quả mè là dạng quả nang, tiết diện hình chữ nhật, có rãnh sâu, có đầu nhọn hình tam giác ngắn. Trái mở ra bằng cách chẻ dọc vách ngăn từ trên xuống. Mức độ mở trái là đặc tính quan trọng khi chọn giống để trồng cho phù hợp với điều kiện thu hoạch.

Chất lượng quả cũng khác nhau tùy vị trí đóng quả. Thường quả ở vị trí thấp có hạt lớn hơn ở vị trí cao.

Hạt mè là hạt song tử diệp. Hạt mè nhỏ thường có hình trứng hơi dẹp, vỏ láng hoặc nhăn màu đen, trắng, vàng, nâu đỏ hay xám. Hạt mè tương đối mảnh và chứa rất nhiều dầu. Do đó, dễ mất sức nảy mầm sau khi thu hoạch. Giống có trái nhiều khía thì hạt nhỏ hơn giống có trái ít khía.

Các đặc điểm của thân, lá cành, quả giúp phân biệt các giống vừng với nhau.

Đặc điểm sinh thái

Cây vừng có thời gian sinh trưởng dao động từ 75 – 120 ngày. Tùy thuộc vào loại giống và điều kiện ngoại cảnh mà thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng của cây kéo dài từ 40 – 60. Vừng ra hoa trong khoảng thời gian 15 – 20 ngày. Quả chín hoàn toàn vào khoảng 35 – 40 ngày.

Vì có nguồn gốc từ nhiệt đới nên nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của cây nằm trong khoảng 25oC – 30oC. Nếu nhiệt độ dưới 20oC hạt nảy mầm chậm. Trên 40oC vào thời gian ra hoa thì cây thụ phấn kém, hoa rụng nhiều.

Nhiệt độ dưới 18oC sẽ khiến cây phát triển kém và nếu nhiệt độ dưới 10oC cây sẽ ngừng phát triển và chết.

Vừng là cây ngắn ngày ưa nắng, nếu số giờ nắng ít trong thời gian cây ra hoa kết quả sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hạt. Vừng chịu hạn tốt, lượng nước cho cây không cần quá nhiều trong suốt mùa vụ.

Cây mè trồng được trên nhiều loại đất khác nhau nhưng phát triển tốt nhất trên đất tơi xốp, thoát nước tốt như đất mùn phù sa, đất cát pha.

2. Công dụng và giá trị kinh tế của cây vừng (mè)

Ở nước ta có hai nhóm giống vừng chính là vừng đen và vừng trắng (vàng). Hạt vừng từ lâu đã được sử dụng làm thực phẩm với nhiều giá trị về kinh tế và sức khỏe.

Mặc dù là loại hạt nhỏ bé nhưng những lợi ích về sức khỏe mà loại hạt này mang lại lại cực kỳ to lớn. Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng vừng chứa nhiều vi chất dinh dưỡng. Giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể và tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, vừng còn có tác dụng điều trị chứng táo bón, tiêu hóa kém, bệnh trĩ, ngăn ngừa cận thị, trị chứng tắc sữa ở sản phụ và bảo vệ sức khỏe xương khớp.

Là loại hạt chứa nhiều dầu, dầu mè được ứng dụng trong cả thực phẩm, mỹ phẩm, y học và hoạt động công nghiệp. Ngành sản xuất dầu mè mang lại giá trị kinh tế cao.

Cây vừng là loại cây ngắn ngày dễ trồng. Là lựa chọn tốt cho các vùng đất khô hạn, đất chuyển đổi canh tác.

Xem thêm: Kỹ thuật trồng vừng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh