Năm 1956, thuốc bảo vệ thực vật gần như không tồn tại ở Việt Nam. Nửa đầu năm 2020, nước ta nhập khẩu thuốc trừ sâu nhiều hơn xăng.
Từ đầu năm 2020 cho đến ngày 15/6, Tổng cục Hải quan công bố Việt Nam đã nhập khẩu 308 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất mặt hàng này. Để so sánh, trong cùng kỳ, Việt Nam nhập 249 triệu USD tiền xăng.
Trong một báo cáo cách đây 3 năm, World Bank khẳng định có đến 50-60% nông dân trồng lúa đã sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ vượt quá mức đề nghị; 38 – 70% nông dân các tỉnh phía Nam đang sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ vượt quá mức khuyến cáo. Theo tổ chức này, khoảng 20% nông dân đang sử dụng thuốc trừ sâu vi phạm các quy định hiện hành, sử dụng thuốc trừ sâu bất hợp pháp nhập khẩu, cấm hoặc thậm chí giả mạo.
Nội dung bài viết
Có hàng trăm điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật
Giữa thập kỷ này, Tổng cục Môi trường khẳng định trên lãnh thổ Việt Nam “có hàng trăm điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật”, và những điểm tồn lưu này có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Cho đến năm 1957, Việt Nam mới bắt đầu “học” cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Trong suốt ba mươi năm sau đó, việc sử dụng vẫn được các nhà khoa học đánh giá là “cân bằng”. Nhưng hai thập kỷ qua chứng kiến xu hướng lạm dụng; cũng như một cuộc vật lộn của nhà quản lý với thói quen của người nông dân.
Từ giải pháp đến sự lệ thuộc
Năm 1957, theo giáo trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của Học viện Nông nghiệp, “biện pháp hoá học hầu như không có vị trí trong sản xuất nông nghiệp”.
Vụ đông xuân 1956-1957, dịch sâu gai, sâu cuốn lá lớn bùng phát ở Hưng Yên. Miền Bắc mất mùa. Sản lượng thóc trên đầu người tụt xuống còn 286 kg so với 304 kg vào năm 1956. Lần đầu tiên trên ruộng đồng miền Bắc Việt Nam, 100 tấn thuốc bảo vệ thực vật được dùng để diệt sâu bọ.
Ông Trương Quốc Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam gọi những năm 1957 đến trước 1990 là giai đoạn cân bằng, khi thuốc bảo vệ thực vật là thứ quyết định dập tắt các dịch sâu bệnh trên diện rộng. “Nếu không có thuốc, dịch hại cây trồng có thể làm giảm 40-60% năng suất trên diện rộng, cục bộ có thể mất trắng”, ông đánh giá.
Càng ngày càng tăng
Việt Nam trước những năm Đổi mới chưa từng sử dụng quá 9.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm, tương đương với mỗi ha chỉ dùng 0,3 kg. Kinh tế bao cấp chuyển sang thị trường, mạng lưới phân phối mặt hàng này rộng khắp nước, trao chai thuốc trừ sâu, gói thuốc diệt cỏ đến tận tay nông dân.
Mở cửa kinh tế, dỡ bỏ cấm vận và cánh cửa xuất khẩu mở tung cho thị trường nông sản đã thay đổi cục diện nông nghiệp. Từ 2000 đến 2010, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đã tăng từ 36.000 đến 75.800 tấn, gấp 2,5 lần so với mười năm trước đó. Số loại thuốc đăng ký sử dụng tăng 4,5 lần và giá trị thuốc nhập khẩu tăng 3,5 lần.
Mê Linh
Mê Linh là một ví dụ của cuộc chuyển mình trong kinh tế nông nghiệp. Những năm 1990, người Mê Linh chuyển từ trồng lúa sang làm hoa. Sáng sớm hoặc chiều mát, những cơn gió thổi vào làng luôn mang theo thứ mùi hăng hắc, khi nông dân ra đồng “đánh” thuốc.
Ông Bảy khi ấy mới lấy vợ, phân nhà ở riêng. Vợ chồng được chia 22 thước đất, đổ vốn vào trồng hoa. Cây lúa lui dần về những mảnh đầm trũng rìa làng, nhường chân ruộng màu mỡ cho loài hoa thống trị nhà vườn Bắc Bộ những năm 1990, hoa hồng và hoa cúc.
“Rét 10 độ C, chỉ cần dùng tăm bông chấm một tí, bông hoa thâm sì qua một đêm lại tươi rói”, ông nhớ dùng loại thuốc ấy, chuột cũng không dám bén mảng đến chân ruộng.
Gần ba chục năm trồng hoa, ông Bảy luôn tự hào, nông dân quê mình hơn hẳn nơi khác về trình độ lẫn tay nghề. Một trong những bài học họ rút ra cho mình, là “trồng hoa, một ngày không phun thuốc sâu là mất ăn”.
Những con số
Theo thống kê của Trạm bảo vệ thực vật huyện Mê Linh, mỗi năm xã Mê Linh sử dụng bình quân 9,2 tấn thuốc bảo vệ thực vật, riêng lượng thuốc dùng trên 206 ha hoa hồng hơn 8,2 tấn, tức khoảng 40 kg/ha/năm, cao gấp 4 lần mức trung bình toàn quốc.
Năm 2019, toàn huyện chiếm 1/6 lượng thuốc sử dụng của thành phố. “Mê Linh là một trong những huyện dùng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong top của Hà Nội, do diện tích trồng hoa, rau màu lớn”, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đánh giá.
Trong một báo cáo của Tổ chức các quốc gia phát triển OECD năm 2015, cụm từ “sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu” được nhắc 4 lần để mô tả ngành nông nghiệp Việt Nam.
Cũng năm này, Bộ Y tế ước tính, cả nước có trên 11 triệu người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trừ sâu và số người nhiễm độc mạn tính ước khoảng 2,1 triệu người, chưa kể người tiêu dùng.
Cuộc chạy trốn chưa thành
Trên thực tế, lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu (chính ngạch) của Việt Nam đang trong đà giảm hơn 3 năm qua. Năm 2017, nước ta nhập tới gần 1 tỷ USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc. Con số này đến năm 2019 “chỉ” còn 864 triệu USD.
Thập kỷ qua chứng kiến sự tuyên chiến mạnh mẽ của cơ quan quản lý với các loại hóa chất nông nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe và môi trường. Năm 2010, Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội Việt Nam ban hành, kéo theo sự thay đổi trong quản lý đăng ký danh mục hóa chất bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp.
Từ 2010 đến 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại bỏ 14 hoạt chất, 1.706 sản phẩm có bằng chứng khoa học gây hại đến sức khỏe cộng đồng và môi trường. “Việt Nam là nước có bộ thuốc bảo vệ thực vật an toàn nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay”, ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật (Cục bảo vệ thực vật) khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong một hội thảo năm 2018, vẫn khẳng định “còn bất cập lớn là sự lạm dụng gây độc hại cho chính người sản xuất, cộng đồng, giảm sự cạnh tranh sản phẩm, giảm sinh thái môi trường, gây thoái hóa đất đai”.
Đất nhiễm độc
Những nông dân Hà Nội nhận ra chất lượng đất suy giảm từ khoảng chục năm nay. “Đất cứ tái đi, cháy một lượt vàng khè ở trên, từ nâu chuyển sang vàng, không tơi”, bà Phan Thị Hòe ở Mê Linh hoang mang. Đất đóng đanh vào, chắc nịch, nước chảy đến đâu trôi đến đấy, ráo nước là đất cũng khô cong.
Vụ hoa đông xuân 2011, hồng trên hơn một mẫu ruộng bà Hòe không cho hoa, cây còi rỉn, lác đác bông bé bằng đầu ngón tay, dù bà vẫn giữ nguyên lộ trình 5 năm thay cây giống và đánh thuốc đều đặn đôi ngày một lần.”Đất nhiễm độc vì phun thuốc lâu năm”, bà Hòe tự kết luận. Đã đến lúc phải “thay đất mới”.
Bà đầu tư 20 triệu đồng mua đất phù sa sông Hồng đổ vào bốn sào ruộng, hoa vụ đấy lại lên tốt ngùn ngụt. Nhưng thuốc sâu là thứ chẳng thể đừng, muốn hoa đẹp thì vẫn phải bơm. Mẻ đất “phù sa sông Hồng loại một” giá 600 nghìn một xe, cũng chỉ cầm cự được 5 năm. Mùa xuân năm nay, ông Hòe rục rịch tìm người đổ chục xe đất mới để thay.
Ở Mê Linh, khi những thớ đất ngậm hóa chất suốt 30 năm không còn nuôi nổi búp hoa, nông dân sẽ có hai cách để “thay đất mới”.
Những hộ canh tác lẻ tẻ, vốn ít như bà Hòe mua đất phù sa, đổ chồng lên lớp đất cằn. Cách thứ hai, dành cho người có vốn, là rũ bỏ hẳn mảnh ruộng cằn, đi thuê đất thật xa. Họ tới những nơi mà đất còn màu mỡ và chưa bị hóa chất tác động nhiều.
Khắp Việt Nam
Cảm quan “đất nhiễm độc” không phải của riêng bà Hòe. World Bank, trong báo cáo về ô nhiễm nông nghiệp tại Việt Nam (2017) chỉ ra những ví dụ về những vùng thâm canh lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long “đã trở thành vùng chết, không còn ốc sên, ếch, cá, chuột và các sinh vật khác từng sống ở đó”.
Nhưng tổ chức này cũng đánh giá một trong những khó khăn lớn nhất của nhà quản lý Việt Nam là đối mặt với tập quán của nông hộ: “Mặc dù, những hộ nông dân nhỏ đóng góp đáng kể cho ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nhưng hoạt động của họ, như đã nêu, hầu như là không thể giám sát được”.
Thà thay đất chứ không đổi tập quán
Những nông dân thà thay đất chứ chưa thay tập quán canh tác. Trong danh mục 4.000 sản phẩm, thuốc sinh học chiếm chưa đầy 19%. Các chất hóa học trong danh mục cấm vẫn có thể được dễ dàng tìm mua trên Internet, hay giao dịch âm thầm giữa các tiểu thương. Hải quan vẫn liên tục bắt các lô thuốc nhập lậu trị giá hàng tỷ đồng.
Ở Mê Linh bây giờ, trên cánh đồng, xen giữa màu cúc, màu hồng là một vài khoanh ruộng trồng cải, trồng bí, dưa leo, những loại cần ít thuốc trừ sâu hơn hoa để cho đất nghỉ, với hy vọng vài năm nữa sẽ “hồi sinh” để quay lại với một vòng đời hoa mới.
Bà Hòe thấy sâu bệnh cứ nhiều thêm sau mỗi vụ hoa, và tiếc nhớ những ngày xưa “bỏ bẵng nửa tháng không đánh thuốc, hoa vẫn nở bừng”. Biện pháp duy nhất bây giờ mà người trồng hoa như bà nghĩ đến, là đánh thêm nhiều thuốc.
Nguồn: Thanh Lam-Hoàng Phương – Báo Vnexpress
Đón đọc bài 2: Những nông dân lệ thuộc vào hóa chất