Vòng luẩn quẩn của việc khống chế sâu bệnh bằng thuốc BVTV hóa học

Vì sao lại có nhận định “càng phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học càng không thể khống chế được sâu bệnh?”. Trong khi đó, việc sử dụng chúng đã dần trở thành thói quen và vẫn được nông dân tin dùng cho cây trồng của họ.

Hãy cùng nghiên cứu xem nhận định trên là đúng không và tại sao thuốc hóa học lại làm tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn.

1. Tác động tới côn trùng (bao gồm sâu hại và thiên địch)

Côn trùng là loài động vật không xương sống, chiếm số lượng đông đảo nhất trên hành tinh. Chúng có khả năng sinh sản mạnh, vòng đời ngắn và khả năng tái lập thế hệ mới rất nhanh (Ví dụ: bọ trĩ có thể sống tới 45 ngày và chỉ cần 7-10 ngày để tiến vào giai đoạn sinh sản).

Thêm vào đó, côn trùng phần lớn là loài có giáp xác với lớp kitin cứng chống chịu yếu tố bất lợi của môi trường và có thể sống ở bất cứ điều kiện nào như dưới đất, trong nước và có thể bay nhờ vào cặp cánh mỏng trên lưng.

Vì những đặc điểm này mà côn trùng có khả năng kháng thuốc và gần như không thể tiêu diệt hoàn toàn được chúng. Và người nông dân buộc phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn và liều độc mạnh hơn để phòng chống các loài sâu hại. Vô tình điều này làm cho sâu hại trở nên kháng thuốc ở thế hệ tiếp theo.

Trong tự nhiên, sâu hại với sự “đông đảo và hung hãn” của mình luôn chịu sự khống chế của các loài thiên địch. Điển hình như chim sâu, nhện ăn thịt, kiến vàng, bọ rùa, bọ ngựa, ếch,…

Tuy nhiên, khi người nông dân sử dụng thuốc hóa học, họ cũng đồng thời giết chết thiên địch (do không có khả năng kháng thuốc như sâu hại) hay xua đuổi chúng đi. Từ đó, hệ sinh thái trở nên mất cân đối với sự phát triển mạnh của sâu hại và sự giảm dần của các loại thiên địch.

Khống chế sâu bệnh bằng thuốc BVTV hóa học: côn trùng và thiên địch đều bị tiêu diệt
Các loài thiên địch như bọ rùa cũng bị tiêu diệt bởi thuốc hóa học

2. Tác động đến dịch hại

Với cơ chế tương tự sâu hại, dịch hại ngoài tự nhiên như nấm, khuẩn cũng có thiên địch của mình như nấm đối kháng Trichoderma, nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bacillus, nấm Chaetomium,… Tuy nhiên với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học bừa bãi đã tiêu diệt những thiên địch đó, dẫn đến vòng luẩn quẩn:

Bệnh hại xuất hiện trên đồng ruộng.

Nông dân phun xịt các chế phẩm trừ bệnh hại hóa học.

Bằng các cơ chế đặc thù như tạo bọc bào tử, sinh sản nhanh và nhiều, di chuyển nhờ nước và gió, thay đổi cơ chế tiếp nhận chất hóa học,… Bệnh hại thích nghi dần với thuốc hóa học và phát triển mạnh hơn.

Thông thường, các vi sinh vật có lợi sẽ khống chế chúng lại nhưng do đã bị tiêu diệt bởi thuốc hóa học nên cân bằng tự nhiên tiếp tục bị hủy hoại.

Cứ như thế, khu vực canh tác vẫn phải tiếp tục sử dụng thuốc hóa học như cứu cánh cuối cùng để bảo vệ mùa màng.

3. Biện pháp quản lý khống chế sâu bệnh

3.1 Biện pháp phòng

Đây là một quá trình gián tiếp và tốn nhiều thời gian nhưng hiệu quả mang lại ổn định hơn và có khả năng cân bằng lại tự nhiên từ biện pháp khống chế sâu bệnh này.

Các biện pháp bao gồm:

Tạo một hệ sinh thái đa dạng bằng việc tăng cường trồng các loại cây tương hỗ lẫn nhau như cây họ cúc cần bóng râm nhưng có khả năng xua đuổi côn trùng vào vườn cây ăn trái hay trồng cây họ đậu giúp cố định đạm tự nhiên.

Phòng trừ sâu bệnh một cách tự nhiên bằng cách tạo một hệ sinh thái đa dạng
Tạo lập hệ sinh thái đa dạng cân bằng giữa các loại cây trồng, cũng như côn trùng

Trồng thêm cây xua đuổi côn trùng như cúc dại, sả, bạc hà,…

Luân canh cây trồng hấp thu dinh dưỡng ở tầng đất khác nhau như: bắp và đậu phộng, lúa và màu,…

Xen canh nhiều loại cây trồng có khả năng thu hút thiên địch hay cây trồng dẫn dụ, ngăn cản các dịch hại.

Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn như kiến vàng, bọ rùa, ong, chim sâu,…

Sử dụng phân hữu cơ đã qua xử lý hoặc được ủ hoai nhằm đề phòng nấm bệnh còn lưu tồn trong phân hữu cơ.

Trồng đúng thời vụ để dễ quản lý cây trồng hơn và không cần dùng thuốc kích thích ra hoa trái vụ.

Chăm sóc và bảo vệ đất trồng vằng việc để cỏ, bổ sung thêm các vi sinh vật có lợi, cân bằng pH đất.

3.2 Biện pháp trừ

Mặc dù đã có biện pháp phòng, vấn đề sâu bệnh vẫn có thể xảy ra ở giai đoạn đầu áp dụng phương thức sinh thái nông nghiệp do sức khỏe của đất chưa được phục hồi sau khi chịu ảnh hưởng từ việc sử dụng chất hóa học trong nông nghiệp và hệ sinh thái vẫn chưa cân bằng. Trong trường hợp này cần thực hiện biện pháp trừ để bảo vệ cây trồng.  

  • Bắt bằng tay, lưới, vợt.
  • Dùng bẫy đèn để thu hút bướm trưởng thành vào buổi tối.
  • Sử dụng các chế phẩm sinh học như nấm xanh, nấm trắng, bacillus thuringiensis, nấm Chaetomium, Trichoderma,…
  • Xây dựng hàng rào sinh học hạn chế sự di cư của côn trùng.
  • Sử dụng các chế phẩm có hiệu quả sát khuẩn như ớt, tỏi, neem.
  • Đồng thời cắt tỉa cành thông thoáng, loại bỏ các cành lá, hoa trái nhiễm bệnh.

Tổng hợp

Đọc tiếp:

Bảo vệ vườn với hàng rào sinh học

Tại sao chúng ta nên trồng hoa cúc vạn thọ trong vườn?

Các hình thức áp dụng cây dẫn dụ để phòng trừ sâu bệnh hại

Bạn muốn hiểu rõ hơn về cây trồng của mình để chăm sóc cây đúng. Bấm vào đây để xem chi tiết 👇

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh