Nội dung bài viết
1. Định nghĩa về phân bón vi sinh vật
Là chế phẩm có chứa một hoặc nhiều chủng vi sinh vật có ích cho cây trồng đã được tuyển chọn, có sức hoạt động cao, dùng bón vào đất hoặc xử lý cho cây.
2. Các dạng (nhóm) phân vi sinh vật
– Nhóm sản xuất với chất mang có thanh trùng. Có mật độ vi sinh vật hữu ích cao (>108 tế bào/gam) vi sinh vật tạp thấp. Sử dụng nhóm vi sinh vật này chủ yếu là để cải thiện hệ vi sinh vật cho đất. Lượng đưa vào đất 300-3000g/ha.
– Nhóm sản xuất với chất mang không thanh trùng. Có mật độ vi sinh vật hữu ích thấp hơn (106-107 tế bào/gam) và vi sinh vật tạp khá cao. Lượng bón thường từ 100-1000kg/ha. Hiệu quả của phân dựa trên các chất dinh dưỡng có trong chất mang thường là các chất hữu cơ (than bùn, bã mắm, phế thải nông nghiệp, rơm rạ …) và các chất vô cơ như phân lân khó tiêu (apatit, phootphorit, bột đá vôi, vỏ sò hến, bột xương …). Các chất mang thường được ủ yếm khí hay hảo khí (tùy nguyên liệu hữu cơ) để tiêu diệt các mầm vi sinh vật có thể gây bệnh cho người và gia súc, sau đó bổ sung các vi sinh vật có ích.
3. Các loại phân bón vi sinh vật
3.1. Phân vi sinh vật cố định đạm (N)
Hiện nay có nhiều loại phân bón chứa các chủng vi sinh khác nhau dành cho các loại cây khác nhau. Dành cho cây họ đậu, thường dùng vi sinh vật cố định nitơ cộng sinh bao gồm Rhizobium, Bradyrhizobium, Frankia; cây lúa, sử dụng VSV cố định nitơ hội sinh như Spirillum, Azospirillum. Các loại cây trồng khác, sử dụng VSV cố định nitơ tự do như Azotobacter, Clostridium..
3.2. Phân giải lân
Chứa vi sinh vật có khả năng tiết ra các hợp chất có khả năng hòa tan các hợp chất phosphor vô cơ khó tan trong đất (lân khó tiêu) thành dạng hòa tan (lân dễ tiêu) mà cây trồng, VSV có thể sử dụng được. Các chủng vi sinh được dùng bao gồm: Bacillus megaterium, B. circulans, B. subtilis, B. polymyxa, B. sircalmous, Pseudomonas striata; Nấm: Penicillium sp, Aspergillus awamori.
3.3. Phân vi sinh phân giải silicat
Có chứa vi sinh vật tiết ra các hợp chất có khả năng hòa tan các khoáng vật chứa silicat trong đất, đá … để giải phóng ion kali, ion silic vào môi trường. Các chủng vi sinh được dùng bao gồm Bacillus megaterium var. phosphaticum, Bacillus subtilis, Bacillus circulans, Bacillus mucilaginous, Pseudomonas striata.
3.4. Tăng cường hấp thu phốt pho, kali, sắt, mangan cho thực vật
Có chứa vi sinh vật (chủ yếu là nhóm nấm rễ, vi khuẩn, xạ khuẩn….) trong quá trình sinh trưởng, phát triển, thông qua hệ sợi cũng như những thể dự trữ, có khả năng tăng cường hấp thu các ion khoáng của cây. Các chủng vi sinh được dùng bao gồm Arbuscular mycorrhiza, Ectomycorrhiza, Ericoid mycorrhizae, Rhizoctonia solani, Bacillus sp, Pseudomonas putida, P. fluorescens Chao và P. fluorescens Tabriz. Loại PBVS này chưa được thương mại nhiều, vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
3.5. Phân vi sinh vật ức chế VSV gây bệnh
Chứa vi sinh vật tiết ra các hợp chất kháng sinh hoặc phức chất siderophore có tác dụng kìm hãm, ức chế nhóm VSV gây bệnh khác. Các chủng vi sinh được dùng bao gồm Bacillus sp., Enterobacter agglomerans, Pseudomonas sp., Lactobacillus sp.
3.6. Sinh chất giữ ẩm polysacarit
Có chứa VSV tiết ra các polysacarit có tác dụng tăng cường liên kết các hạt khoáng, sét, limon trong đất. Loại này có ích trong thời điểm khô hạn. Các chủng vi sinh được dùng bao gồm Lipomyces sp. Loại này chưa có sản phẩm thương mại tại Việt Nam.
3.7. Phân vi sinh vật phân giải hợp chất hữu cơ (phân giải xenlulo)
Có chứa vi sinh vật tiết ra các enzym có khả năng phân giải các hợp chất hữu cơ như: xenlulo, hemixenlulo, lighin, kitin…. Các chủng vi sinh được dùng bao gồm Pseudomonas, Bacillus, Streptomyces, Trichoderma, Penicillium, Aspergillus.
3.8. Sinh chất kích thích sinh trưởng thực vật
Có chứa VSV tiết ra các hocmoon sinh trưởng thực vật thuộc nhóm: IAA, Auxin, Giberrillin … vào môi trường. Các chủng vi sinh được dùng bao gồm Azotobacter chroococcum, Azotobacter vinelandii, Azotobacter bejerinckii, Pseudomonas fluorescens, Gibberella fujikuroi.
Thời gian gần đây, cùng với những tiến bộ của khoa học và công nghệ, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ gen để tạo ra các chủng vi sinh có nhiều đặc điểm tốt, cạnh tranh cao với các loài VSV trong đất. Các chủng biến đổi gen có thể kể đến như Pseudomonas putida strain CBI, Pseudomonas putida strain TVA8, Alcaligenes xylosoxidans subspecies denitrificans strain AL6.1…
Th.S Lê thị Hồng Nhung
Xem thêm: Bộ sản phẩm vi sinh có chứa đầy đủ các chủng nấm có lợi tốt nhất hiện nay