Thuốc trừ sâu sinh học là loại thuốc trừ sâu sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học để diệt trừ sâu hại như vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, virus), các chất do vi sinh vật tiết ra (thường là kháng sinh), các chất trong cây cỏ (chất độc hoặc dầu thực vật),… để diệt trừ sâu bệnh.
1. Thời gian hiệu quả của thuốc sâu sinh học
Các thuốc trừ sâu sinh học tác động lên hệ thần kinh và hô hấp thường có hiệu quả nhanh. Sau nhiễm thuốc thời gian ngắn sâu đã chết. Chúng khá giống như nhiều thuốc hóa học khác, điển hình là nhóm Avermectin và các thuốc thảo mộc. Các thuốc tác động lên hệ tiêu hóa (vi khuẩn Bt) và các nấm ký sinh (nấm xanh, nấm trắng) biểu hiện hiệu quả chậm hơn. Chúng thường phát huy mạnh sau vài ngày.

Tuy vậy dù tác dụng qua đường nào và với cơ chế nào thì sau khi nhiễm thuốc chỉ vài giờ là sâu có biểu hiện yếu đi. Chúng bắt đầu hoạt động chậm, sức ăn phá kém. Về thực chất đã hạn chế được tác hại, chỉ còn chờ chết hẳn.
Các thuốc kháng sinh trừ bệnh hiệu quả thể hiện cũng nhanh. Thuốc tác động theo cơ chế kích kháng thể hiện chậm và kéo dài, phải dùng sớm (có thể từ khi cây còn nhỏ) và phải dùng liên tục nhiều lần mới có hiệu quả rõ, do hệ thống kháng bệnh trong cây kém linh hoạt và ổn định, cần phải kích động thường xuyên.
2. Thời gian duy trì của thuốc trừ sâu sinh học
Thời gian duy trì hiệu lực của thuốc trừ sâu sinh học khác nhau. Các nhóm thảo mộc, độc tố và kháng sinh dễ bị tác động bởi điều kiện môi trường nên thời gian duy trì hiệu lực ngắn. Sau khi phun lên cây trong điều kiện bình thường hiệu quả kéo dài khoảng 12 tiếng. Hiệu lực nhanh chóng cũng mau giảm, cần được sử dụng đúng lúc.
Các nhóm vi sinh (vi khuẩn, nấm và virus) thời gian hiệu lực kéo dài nếu gặp điều kiện môi trường thích hợp. Thậm chí các vi sinh vật này có thể lây lan và tiếp tục phát triển tích lũy trong tự nhiên. Chúng góp phần hạn chế sự phát sinh tác hại của sâu bệnh trong một thời gian dài.
Thực tế thời gian qua ở một số vùng trồng rau những năm đầu mới sử dụng chế phẩm BT trừ sâu tơ hiệu quả chậm và không cao làm nhiều người trồng rau kém tin tưởng. Sau một thời gian sử dụng mới thấy sâu tơ và các loại sâu ăn lá khác giảm hẳn. Hiện tượng này có liên quan đến sự tích lũy vi sinh vật và các loại thiên địch khác trong vườn.
Việc sử dụng chế phẩm nấm ký sinh như nấm xanh, nấm trắng và nấm Trichoderma hiện nay cũng có kết quả tương tự. Nhà vườn cần bình tĩnh và kiên trì áp dụng. Sử dụng các chế phẩm vi sinh góp phần tăng lượng thiên địch ký sinh, giữ gìn sự cân bằng sinh thái trong vườn theo hướng có lợi.
Lời kết:
Việc dùng thuốc trừ sâu sinh học để canh tác chắc chắn sẽ trở thành xu hướng cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Hi vọng bài viết của chúng tôi đã giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thuốc trừ sâu này.
Tìm hiểu thêm thông tin về thuốc trừ sâu sinh học tại đây.