Thiên nhiên đã tạo ra cho chúng ta một hệ sinh thái tuyệt vời. Hiện nay, thiên nhiên đích thực có thể tìm thấy ở rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên tạo ra và cung cấp lương thực cho mọi sinh vật sống, trong đó có con người mà không cần đầu vào, không cần phân bón và không cần phải phun thuốc BVTV.
Hệ sinh thái của rừng tự nhiên là hệ hoàn hảo. Trong rừng tự nhiên có một số lượng rất lớn các loại cây, có cấu trúc nhiều tầng để có thể sử dụng năng lượng từ tự nhiên (từ mặt trời) và tài nguyên tự nhiên (chất dinh dưỡng và nước) một cách triệt để nhất.
Hệ sinh thái này gồm 3 nhóm: nhóm sản xuất, nhóm tiêu thụ và nhóm phân hủy. 3 nhóm này tác động qua lại lẫn nhau tạo thành một vòng tròn chu chuyển dinh dưỡng.
Nhóm sản xuất gồm cây cỏ. Chỉ có cây cỏ mới có thể chuyển hóa CO2 và nước thành tinh bột nhờ năng lượng mặt trời. Có càng nhiều cây cỏ càng có nhiều lương thực cung cấp cho nhóm tiêu thụ.
Nhóm tiêu thụ bao gồm 4 lớp. Lớp thứ nhất là sâu bọ, thức ăn của nhóm này là cỏ. Chúng ăn trực tiếp sản phẩm của nhóm sản xuất. Lớp thứ 2 là các sinh vật ăn thịt như nhện, ếch. Thức ăn của chúng là các sinh vật thuộc lớp 1, có nghĩa là sinh vật lớp 2 ăn lớp 1. Lớp thứ 3 là động vật ăn thịt như rắn. Thức ăn của lớp này là sinh vật lớp 2. Lớp động vật lớn gồm diều hâu, hổ,… Thức ăn của lớp này là các sinh vật lớp 3. Như vậy có thể nói mối quan hệ trong nhón tiêu thụ là mối quan hệ “ăn và bị ăn”. Các lớp này sống bằng cách ăn các sản phẩm của nhóm sản xuất một cách gián tiếp hay trực tiếp
Dây chuyền lương thực là một hệ sinh thái được cân bằng một cách mỏng manh về số lượng cũng như thành phần và nếu có sự biến đổi nào đó trong dây chuyền, sự cân bằng sẽ bị phá vỡ.
Nhóm phân hủy là các vi sinh vật (VSV). Thức ăn của nhóm này là các chất hữu cơ thải ra từ nhóm sản xuất và tiêu thụ (lá rụng, cành cây khô, xác súc vật, phân súc vật,..), nói cách khác, nhóm này có khả năng phân giải rác thải thành mùn, là thức ăn nuôi VSV và làm giàu đất để nuôi cây.
Chúng ta có thể hình dung nhóm phân hủy như công ty vệ sinh của trái đất. Chúng dọn dẹp rác thải, biến rác thải thành những sản phẩm có ích. Chúng giữ vệ sinh sạch sẽ cho hành tinh.
Đây là vòng chu chuyển dinh dưỡng trong tự nhiên. Các nhóm và các lớp trong vòng chu chuyển này liên quan chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Nếu có bộ phận nào đó bị đảo lộn thì sẽ có phản ứng trong vòng chu chuyển. Ví dụ, năng suất của vai sản xuất thấp thì số lượng động vật cũng sẽ giảm. Nếu rắn bị đánh bắt nhiều thì chuột sẽ phát triển, ảnh hưởng đến mùa màng. Ngược lại nếu nhóm sản xuất sản xuất ra nhiều lương thực, thì động sẽ phát triển, rác thải cũng có nhiều, nhóm phân hủy hoạt động mạnh, có nhiều mùn để cung cấp cho đất, cho cây, cây phát triển tốt sẽ cho nhiều lương thực,…
Nội dung bài viết
Sự khác nhau giữa nông nghiệp và rừng tự nhiên
Điểm khác biệt đầu tiên giữa rừng và nông nghiệp là sự đa dạng. Trong rừng tự nhiều có đến hơn 100 loài khác nhau trên một mẫu đất (3600m2). Trên đất nông nghiệp, cũng trên diện tích đó, số lượng loài ít hơn, hoặc đôi khi còn độc canh. Độc canh trong nông nghiệp là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự mất cân bằng trong hệ sinh thái nông nghiệp. Trong rừng tự nhiên không có vấn đề dịch bệnh và không bao giờ xẩy ra tình trạng một loại sâu hay một loại bệnh tàn phá cả khu rừng tự nhiên. Đây là kết quả của sự đa dạng về loài trong rừng tự nhiên. Còn trong nông nghiệp, vấn đề dịch bệnh là nghiêm trọng do sự độc canh. Cả cánh đồng lúa hoặc rau đều có thể bị mất trắng.
Độ phì của đất trong rừng tự nhiên là lí tưởng. Độ phì tăng dần và bền lâu do rừng tự nhiên đảm bảo vòng chu chuyển dinh dưỡng. Vòng chu chuyển làm tăng độ phì cho đất, còn tán thực vật bảo vệ và duy trì độ phì đó.
Đối với nông nghiệp, hầu như mọi thứ đều bị lấy đi sau khi thu hoạch. Rất ít chất hữu cơ còn được giữ lại cho đất. Do vậy độ phì của đất nông nghiệp sẽ ngày càng giảm. Ngoài ra, đất trọc gây ra xói mòn và độ phì lại ngày càng giảm.
Đất
Trước khi có sinh vật (thực vật) trái đất chúng ta chỉ có đá và nước. Sau khi có sinh vật, mặt đất bắt đầu được hình thành. Đất mặt là kết quả hoạt động của chất hữu cơ, vi sinh vật, đá, nước và không khí. Đất mặt chứa mùn, là lớp đất có năng suất cao. Trồng trọt phụ thuộc hoàn toàn vào lớp đất mặt. Không có đất mặt, cây sẽ không mọc được.
Chức năng của đất là đỡ cây, giữ gìn, cung cấp chất dinh dưỡng, nước và không khí cho cây, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển. Đất tốt sẽ thực hiện tốt cả 3 chức năng trên. Đất tốt có kết cấu tốt, có độ ẩm tối ưu, giàu chất dinh dưỡng và hoạt động sinh học cao.
Các tính chất của đất có thể chia thành 3 loại: tính chất vật lý, tính chất hóa học và tính chất sinh học đất.
Tính chất vật lý:
Đất tốt xét theo khía cạnh vật lý, là đất có khả năng giữ nước cao và thoát nước nhanh. Đất tốt là đất có tỉ lệ 40% chất rắn, 30% nước và 30% không khí. Đất sét có hàm lượng chất rắn cao, khả năng giữ nước tốt nhưng hàm lượng không khí thấp. Đất cát có hàm lượng không khí cao nhưng giữ nước kém. Bởi vật đất sét pha cát có thể đảm bảo vừa giữ nước và giữ không khí.
Có thể cùng một loại đất, nhưng mảnh đất này có kết cấu đất tốt còn mảnh đất kia lại có kết cấu không tốt. Nguyên nhân là do lượng mùn trong đất. Mùn có kahr năng giữ nước cao và hút nước nhanh, chỉ có mùn mới có khẳ năng cải thiện kết cấu đất một cách hiệu quả. Đất giàu mùn (trên 5%) là đất có kết cấu đất rất tốt.
Vòng chu chuyển dinh dưỡng cho thấy, mùn được hình thành từ các chất hữu cơ. Mùn là thức ăn cho vi sinh vật, cho đất và cây trồng. Nếu không có đủ chất hữu cơ bổ sung thường xuyên thì lượng mùn cũng sẽ giảm. Lượng mùn giảm dẫn đến kết cấu đất bị thoái hóa. Đây là tình trạng chung của các nhà vườn hiện nay. Khi người nông dân quá ỉ lại vào phân bón hóa học. Phân hóa học không những không thể cải thiện kết cấu đất mà còn tiêu diệt luôn cả hệ VSV trong đất.
Tính chất hóa học:
Đất có tính chất hóa học tốt là đất có khả năng giữu chất dinh dưỡng cao, pH trung tính. Chất lượng và số colloid (chất keo) trong đất quyết định khả năng giữ dinh dưỡng của đất.
Coilloid trong mùn có chất lượng cao nhất, giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất. Cát không có coilloid, do vậy khả năng giữ chất dinh dưỡng của đất cát là rất thấp. Thiếu chất hữu cơ trong đất cũng là nguyên nhân làm cho đất giữ chất dinh dưỡng kém.
Những nông dân đã dùng quen phân hóa học đều nhận thấy rằng, muốn đảm bảo được năng suất thì lượng phân bón hóa học càng ngày càng phải bón tăng, có nghĩa là khả năng giữ chất dinh dưỡng của đất kém.
Theo độ pH, đất chia thành 3 loại: đất chua có độ pH từ 1 – 5,5, đất trung tính có độ pH từ 5,5 – 7,7 và pH trên 7,5 là đất kiềm. pH trung tính là pH tối ưu cho cây trồng. Giữ và điều chỉnh để đất có pH gần 7 là điều rất quan trọng trong nông nghiệp.
Mùn có khả năng điều chỉnh pH bằng cách hấp thụ axit hoặc kiềm từ ngoài vào. Bón phân hóa học nhiều sẽ làm đất chua còn bón phân hữu cơ sẽ ngày càng ổn định được độ pH.
Tính chất sinh học:
Tính chất sinh học của đất chính là sự hoạt động của vi sinh vật trong đất.
Số lượng và chủng loại vi sinh vật trong các loại đất khác nhau là khác nhau. Trong những điều kiện có nhiều chất hữu cơ, độ ẩm, không khí và pH thích hợp kèm với không có những yếu tố tiêu diệt (các chất hóa học), thì hệ vi sinh vật trong đất sẽ phát triển tốt.
Các quá trình phân hủy và khoáng hóa của vi sinh vật đất, giúp cho đất có đủ dinh dưỡng để cung cấp cho cây. Những hoạt động này của vi sinh vật trong đất làm cho “đất sống”. Sức khỏe và độ phì nhiêu của đất phụ thuộc vào hoạt động của vi sinh vật.
Trong số các vi sinh vật trong đất, cũng có những loại gây bệnh nhưng số đó rất ít, chỉ chiếm khoảng 2 – 3%. Số còn lại là vô hại và hữu ích. Hệ sinh vật của đất cũng giữ một sự cân bằng sinh thái và do đó, bệnh dịch chỉ xẩy ra nếu mất sự cân bằng.
Bón nhiều phân hóa học sẽ làm cho đất mất dần khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Lúc này đất chỉ thực hiện một chức năng duy nhất còn lại là đỡ cây. Đất nuôi sống tất cả các sinh vật trên trái đất, trong đó có cả con người, vì vậy chăm lo cho đất chính là chăm lo cho chính bản thân chúng ta…
Trích tài liệu của pgs.ts Nguyễn Thanh Hiền