Thế nào là phát triển nông nghiệp bền vững (phần 2)
Nông nghiệp bền vững rất chú trọng tới tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái cũng như những cách thức thực hành trên khu vực canh tác. Nông nghiệp bền vững đề cao tính tuần hoàn trong một khu vực canh tác, hạn chế sử dụng những yếu tố đầu vào từ bên ngoài, quản lý việc sử dụng những yếu tố tự nhiên, sẵn có và có tính bổ trợ lẫn nhau từ đó khôi phục, duy trì và thúc đẩy tính hài hòa của thiên nhiên.
Để đạt được các mục tiêu đó, những người nông dân bền vững thực hành những phương pháp như sau:
Nội dung bài viết
Luân canh cây trồng
Luân canh cây trồng là một trong những phương pháp phổ biến nhất và hiệu quả nhất trong phát triển nông nghiệp bền vững. Điều này nhằm mục đích tránh những tác động xấu lên cây trồng và đất đai khi chúng ta cứ trồng một loại cây trên cùng một mảnh đất trong thời gian dài.
Luân canh giúp nhà nông đối phó với vấn đề sâu bệnh (vì nhiều loài côn trùng và sâu bệnh chỉ tàn phá một loại thức ăn yêu thích, nên khi chúng ta cứ trồng mãi một loại cây, vô hình chung chúng ta đang tiếp tay cho chúng có một nguồn thức ăn ổn định lâu dài đồng thời làm gia tăng số lượng sâu hại). Luân canh giúp phá vỡ vòng tuần hoàn đó.
Trong luân canh, chúng ta có thể sử dụng một số loại cây nhất định nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng, đồng thời những loại cây này cũng giúp làm giảm nhu cầu về phân hóa học. Công việc này nên được lặp đi lặp lại hàng năm, hàng vụ, và người nông dân nên nắm được diện tích cũng như mục tiêu gieo trồng cho vụ tới.
Ví dụ:
Chẳng hạn một khu vườn được chia ra làm 4 mảnh nhỏ: A, B, C, D. Vụ thứ nhất trồng bắp cải ở mảnh A, thì vụ sau cần phải luân canh sang mảnh B, vụ thứ 3 nên chuyển sang mảnh C hoặc D không nên trồng ở A năm này qua năm khác.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải xem xét giống cây mà mình định trồng, ví dụ cùng là luân canh nhưng vụ thứ 2 chúng ta không nên trồng cà chua tại mảnh A, vì cả hai loại cây này đều cần rất nhiều dinh dưỡng từ đất. Chúng ta nên trồng đậu/ đỗ hay xà lách (những loại cây ít nhu cầu dinh dưỡng hơn và thời gian cho thu hoạch cũng nhanh hơn) để tránh xói mòn và cho đất cơ hội tái tạo dinh dưỡng.
Trồng cây che phủ đất
Cây trồng che phủ đất có vai trò rất quan trọng vì chúng là nguồn cung cấp dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng, đồng thời giúp giảm xói mòn và quản lý nguồn đất canh tác. Cây che phủ đất góp phần bổ sung N vào đất một cách tự nhiên, bảo vệ đất khỏi xói mòn, cải tạo cấu trúc của đất, giảm sâu hại, cỏ dại và dịch bệnh, đồng thời cũng giúp giảm nhu cầu sử dụng phân bón hóa học.
Tuy nhiên, để sử dụng những cây trồng che phủ đất này, chúng ta cần giám sát khâu gieo trồng, tỷ lệ hạt giống, độ rộng của các hàng khi gieo hạt, mức độ sinh trưởng của từng loại cây để kịp thời can thiệp và đạt được hiệu quả như mong muốn. Nếu không, đôi khi chúng ta sẽ thu được những kết quả ngoài ý muốn.
Tạo dinh dưỡng cho đất
Đất đai cũng như con người hay các loại sinh vật vậy, sau một thời gian làm việc miệt mài cũng cần có thời gian tái tạo sức lao động.
Đất đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái nông nghiệp. Một nguồn đất khỏe mạnh sẽ là một nơi lý tưởng cho nhiều loài sinh vật cùng chung sống bao gồm cả các loài vi sinh vật và côn trùng có lợi, nâng cao sản lượng cũng như chất lượng của cây trồng, nhưng đồng thời đây cũng là nơi dễ bị tổn thương bởi việc sử dụng các sản phẩm hóa chất và thuốc bvtv.
Điều thiết yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững là phải làm cách nào nâng cao chất lượng cho đất, bồi bổ dinh dưỡng cho đất trước, trong hoặc sau mỗi vụ mùa. Như điểm 2 đã nêu, cây trồng che phủ đất có thể là một cách làm tăng dinh dưỡng cho đất, tuy nhiên còn nhiều cách khác như bón phân ủ hữu cơ cho đất, sử dụng phân gia súc đã được ủ…
Ngoài ra, tạo những lớp che phủ tự nhiên cho đất cũng là một cách làm giàu dinh dưỡng cho khu vực canh tác. Các nguyên liệu từ cánh đồng có thể là nguồn dinh dưỡng dồi dào đưa vào trong đất như cỏ dại sau khi được nhổ bỏ (đảm bảo cắt bỏ phần rễ do một số loại cỏ dại có tính thích nghi tương đối cao sẽ có thể mọc trở lại), lá khô từ các cây lưu niên, rơm rạ hoặc vỏ cây,… Những việc này đều làm tăng hàm lượng các chất hữu cơ trong đất, cho đất khỏe mạnh và đẩy năng suất vụ sau cao hơn.
Quản lý sâu hại bằng các phương pháp sinh học
Đối với người làm nông nghiệp thì việc quản lý sâu hại có lẽ là công việc khó khăn nhất. Khi quyết định thực hành một trang trại nông nghiệp bền vững, chúng ta nên dành thời gian xem xét các yếu tố sinh thái trong hệ sinh thái nông nghiệp của mình. Trong tự nhiên, nhiều loài chim, dơi hay ong bướm có thể là những loài thiên địch tự nhiên đối với một số loài sâu bọ nhất định.
Khi đã tìm ra mối tương quan giữa chúng, chúng ta nên tìm cách nâng cao số lượng các loại thiên địch này để hạn chế sự phá hoại của sâu hại một cách hiệu quả. Lưu ý phương pháp này nên được kết hợp cùng luân canh cây trồng, vì những lợi ích như đã đề cập ở điểm 1, khi kết hợp cả hai phương pháp thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong phát triển nông nghiệp bền vững
Năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thực hành nông nghiệp bền vững. Đối với những trang trại quy mô lớn, việc sử dụng năng lượng tái tạo vừa giúp nâng cao hiệu suất làm việc đồng thời giảm nguy cơ xả thải ra môi trường tại trang trạng cũng như môi trường xung quanh.
Chẳng hạn, người nông dân có thể sử dụng tấm panel năng lượng mặt trời để dùng làm nguồn điện cho các loại máy bơm, hệ thống làm nóng trong nhà kính hoặc các loại hàng rào điện. Trang trại ở gần sông suối có thể tận dụng làm thủy năng, hỗ trợ nguồn điện khi sử dụng các loại máy cày, máy gieo hạt, máy trồng cây…
Tại Việt Nam, người nông dân tận dụng nguồn thải từ gia súc để làm biogas cũng là một hình thức năng lượng tái tạo thân thiện môi trường, đồng thời giúp làm giảm các chi phí sinh hoạt để tái đầu tư vào trang trại.
Quản lý giống và nguồn nước
Trong quá trình chọn giống, chúng ta nên chú trọng vào việc sử dụng giống địa phương. Lý do là bởi nhiều giống nước ngoài khi nhìn trên các catalog có vẻ rất hấp dẫn nhưng khi sử dụng thực tế lại không mang lại kết quả như mong muốn, có thể do khẩu vị của từng quốc gia, từng vùng miền khác nhau.
Ngoài ra, giống địa phương có đặc thù phù hợp với điều kiện thời tiết của vùng nên khả năng thích ứng và sinh trưởng sẽ tốt hơn, khả năng chống chọi với sâu hại cao hơn từ đó đem lại hiệu quả cao hơn.
Những vùng thời tiết khô hạn nên chọn các giống ưa hạn sẽ giúp làm giảm nhu cầu cung cấp nước. Hệ thống tưới nhỏ giọt là một sáng tạo rất thú vị, tuy nhiên khi sử dụng chúng ta cần chú ý khâu quản lý, nếu không sẽ dẫn tới những vấn đề khác như làm suy giảm nguồn nước tưới, đất cằn cỗi và chất lượng đất trồng giảm sút.
Chúng ta cũng có thể xây dựng các hệ thống trữ nước mưa dùng làm nước tưới trong những giai đoạn nắng hạn, hoặc học hỏi những mô hình tái sử dụng nước tưới để hạn chế rủi ro thiếu nước đồng thời cắt giảm chi phí trong quá trình canh tác.
Chú trọng tính địa phương
Có lẽ chúng ta không còn quá xa lạ với cụm từ “eat local”, bởi những người quan tâm tới phát triển bền vững, đặc biệt trong nông nghiệp sẽ nắm được ý nghĩa của cụm từ này. Hướng tới tính địa phương trong việc phân phối nông sản bằng việc tham gia vào các chợ nông dân hoặc các cơ sở tiêu dùng tại khu vực sẽ giúp tiết kiệm chi phí và giảm rủi ro trong khâu vận chuyển và đóng gói. Đồng thời việc này cũng giúp làm giảm nhu cầu về địa điểm lưu trữ sản phẩm.
Tính địa phương còn đặc biệt bền vững trong việc phát triển cộng đồng bởi nó mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Những người nông dân cung cấp sản phẩm sạch ngay tại địa phương, người dân nơi đó sẽ được sử dụng các nguyên liệu tươi ngon nhất mà không cần đi xa, từ đó tiết kiệm chi phí đi lại, bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, việc biết rõ nguồn gốc của thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng tránh được các nguy về ngộ độc thực phẩm hay nhiều tồn dư từ hóa chất bảo vệ thực vật. Ngược lại, người tiêu dùng hỗ trợ nông dân bằng cách tiêu thụ sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người chủ và các lao động của trang trại. Đây là một vòng tuần hoàn hữu ích, có thể dễ dàng áp dụng trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày càng trở thành vấn nạn tại Việt Nam hiện nay.
Ghi chép và lưu trữ dữ liệu
Chúng ta cần hiểu rằng, phát triển nông nghiệp bền vững là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên nhẫn từ người thực hiện. Đối với người nông dân, bước chuyển từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp bền vững yêu cầu nhiều bước nhỏ và thực tế, còn đối với những người chưa có kinh nghiệm làm nông nghiệp thì quá trình này còn yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Để luôn đi đúng hướng và đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trang trại đặt ra, việc ghi chép và lưu trữ dữ liệu hoàn toàn quan trọng.
Chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào kết quả ở vụ mùa đầu tiên, thay vào đó, điều quan trọng là cần hiểu được rằng mỗi bước đi nhỏ có thể tạo nên những thay đổi lớn trong tương lai và bạn đang đóng góp vào quá trình phát triển của cả một hệ thống.
Nông nghiệp là một trong những ngành nghề nhiều rủi ro, nhất là những rủi ro đến từ ngoại cảnh (điều kiện thời tiết bất lợi, giá cả cạnh tranh…), tuy vậy, ghi chép dữ liệu tốt và thực hành kết hợp nghiên cứu những cách thức mới giúp chúng ta hiểu và nắm chắc đặc điểm khu vực canh tác của mình để sẵn sàng cho những bước đi tiếp theo.
Nông nghiệp bền vững thúc đẩy phát triển xã hội, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, giúp thực phẩm của chúng ta sạch hơn, tươi hơn và đầy đủ dinh dưỡng hơn.
Phát triển nông nghiệp bền vững là sự hợp tác và kết nối của cả cộng đồng
Tuy nhiên điều quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững chính là sự tham gia kết hợp từ nhiều bên, nhiều thành phần khác nhau của xã hội, từ người nông dân, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, chuyên gia nghiên cứu, thậm chí những nhà hoạch định chính sách. Mỗi nhóm đóng một vai trò thiết yếu trong cả bức tranh tổng thể, cùng hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Bởi vậy người nông dân không nên “bị” đứng một mình trong công cuộc ấy, người nông dân cần sự chung tay giúp sức từ cả xã hội, vì một xã hội xanh hơn, sạch hơn và khỏe mạnh hơn.
Sưu tầm
Đọc bài: Thế nào là phát triển nông nghiệp bền vững (phần 1) tại đây.
Tìm hiểu thêm:
Thiên nhiên là bạn, không phải là thù
Tác hại của việc trồng độc canh trong canh tác nông nghiệp
Xem thêm về: Canh tác nông nghiệp, Nông nghiệp bền vững
Danh mục: Kỹ thuật canh tác, Tủ sách nông nghiệp
BÌNH LUẬN
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỂ
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
-
Khuyến mãi
MIG 29 Chitosan – Phòng trừ xoăn lá, xoắn ngọn, héo xanh
180,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
Giảm giá!
WAO BOOM – Chăm sóc đất, bảo vệ rễ, diệt trừ nấm hại trong đất
995,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
Khuyến mãi
Vaccin – Đặc trị thán thư, ghẻ, nứt thân xì mủ, thối trái, héo xanh
215,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
Phân bón lá amino A4 500ml – Tăng ra hoa đậu quả
540,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng -
Kéo cắt cành nhập khẩu Đức Original LOWE 15.107
850,000 ₫ Thêm vào giỏ hàng