- Đặc điểm chung của nấm Phytophthora
- Sự xâm nhiễm của nấm Phytophthora vào thực vật
- Giải pháp ngăn ngừa sự xâm nhiễm
Giống Phytophthora là tác nhân gây bệnh thực vật ký sinh chuyên tính trên toàn thế giới. Tên giống Phytopthora được xuất phát từ tiếng Hy Lạp. Từ “phyto” là thực vật và “pthora” là kẻ hủy diệt. Phytophthora có nghĩa là “kẻ hủy diệt thực vật”. Có trên 120 loài Phytophthora được biết đến và tất cả đều là mầm bệnh thực vật.
Chúng xâm nhiễm vào các mô chủ khác nhau. Ví dụ như rễ, củ, thân cây thân thảo, thân gỗ, tán lá và quả. Phytophthora phát triển các giai đoạn tế bào khác biệt trong chu kỳ sống để sinh tồn. Chúng phát tán hoặc xâm nhiễm và chúng có những con đường chuyển hóa sinh học khác với nấm thật. Việc hiểu rõ sự xâm nhiễm của Phytopthora có thể giúp kiểm soát được sự tàn phá của chúng.
Nội dung bài viết
I. Đặc điểm chung của giống nấm Phytopthora
– Phân loại giống Phytophthora
- Giới: Chromista
- Ngành: Oomycota
- Lớp: Oomycetes
- Bộ: Peronosporales
- Họ: Pythiaceae
- Giống (chi): Phytopthora
– Phytophthora có thể tạo ra những cấu trúc sinh tồn khác nhau trong tế bào vật chủ bị xâm nhiễm. Những cấu trúc này có thể chịu được điều kiện khô hạn. Chúng tồn tại trong những phần rễ chết hoặc trong đất. Và khi có sự kích thích hoặc điều kiện môi trường ẩm ướt, các cấu trúc này sẽ tạo ra những sợi nấm có thể xâm nhiễm trực tiếp vào rễ hoặc tạo ra những bào tử để phát tán.
– Tùy thuộc vào loại chúng có thể tồn tại và sinh sản ở hình thức khác nhau. Phytophthora sinh sản bằng 3 hình thức chính. Hình thức sinh sản sinh dưỡng, sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.
+ Sinh sản sinh dưỡng: Phytopthora tồn tại ở dạng bào tử ngủ (Chlamydospores). Đây là một dạng tồn tại trong điều kiện không thuận lợi của môi trường (khô/nóng). Khi gặp điều kiện ẩm ướt, chúng sẽ hình thành túi bào tử (Sporangium).
+ Sinh sản vô tính: Hình thức sinh sản bắt đầu ở dạng túi bào tử (Sporangium). Túi bào tử được phát tán bởi gió hoặc nước. Sự nảy mầm của bảo tử có thể xảy ra theo 2 cách. Chúng nảy mầm trực tiếp ở nhiệt độ cao 20-30oC (hình thành sợi nấm xâm lấn) hoặc nảy mầm gián tiếp ở nhiệt độ dưới 15oC (phát tán bào tử động).
+ Sinh sản hữu tính: Sự kết hợp của các giao tử có sợi âm (oogonium) và sợi dương (antheridium) tạo ra loại bào tử dị hợp (oospores) hay còn gọi là bào tử noãn. Giống như Chlamydospores khi gặp điều kiện ẩm ướt chúng sẽ nảy mầm tạo túi bào tử (Sporangium).
II. Sự xâm nhiễm của nấm Phytopthora
1. Lá bị xâm nhiễm
Túi bào tử tự do được phát tán bởi gió hoặc nước sẽ nảy mầm theo 2 hình thức. Hình thức nảy mầm gián tiếp và nảy mầm trực tiếp tùy vào điều kiện môi trường.
– Nảy mầm gián tiếp: khi ở điều kiện nhiệt độ thấp (<15oC) và độ ẩm cao, bào tử động được phát tán cho đến khi gặp được bề mặt của ký chủ. Bào tử nấm bị thu hút bởi kích thích hóa học và liên kết tĩnh điện của bề mặt của cây chủ. Tại thời điểm này chúng sẽ rụng roi và bao bào nang (encystment) bám chắc vào bề mặt của thực vật thông qua việc bài tiết các phân tử bám dính. Sau khi xâm nhập vào tế bào chủ, 1 túi hình cầu được tạo ra ở lớp biểu bì. Tại đây sợi nấm tiếp tục được hình thành trong khoảng không gian giữa các tế bào của vật chủ.
Haustoria hay còn gọi là giác mút được hình thành và hấp thu chất dinh dưỡng từ tế bào ký chủ. Khi xâm nhập, haustoria làm tăng diện tích bề mặt tiếp xúc với màng tế bào ký chủ giải phóng các enzyme phá vỡ thành tế bào nhưng vẫn giữ nguyên màng để tạo điều kiện trao đổi chất dinh dưỡng. Chúng cho phép carbon hữu cơ di chuyển từ vật chủ sang nấm. Ngoài ra, mầm bệnh còn lây nhiễm trên lá qua lỗ khí khổng. Sau đó hình thành appressoria để xâm nhập vào thịt lá ở bên dưới. Từ đó không tạo appressoria nào khác mà tiếp tục hình thành giác mút haustoria để hút dinh dưỡng.
Với hình thức xâm nhiễm này, tế bào chủ không bị tiêu diệt nhanh chóng. Nhưng có thể gây chết tế bào vì tế bào quá mẫn cảm với những tương tác không tương thích. Sau khi phát triển ở hình thức trên mầm bệnh tiếp tục chuyển sang giai đoạn Necrotrophy-ký sinh hoại tử trên tế bào bị tổn thương và giết chết tế bào sống, phá hủy tế bào. Trong điều kiện thuận lợi, nhiều bào tử nấm sẽ được phát tán từ khí khổng của cây bị xâm nhiễm và tạo ra một số lượng lớn bào tử. Chúng một lần nữa được phát tán bởi gió và lây nhiễm các vật chủ mới.
– Nảy mầm trực tiếp: ở nhiệt độ cao và điều kiện khô ráo (20-30oC) bọc bào tử bắt đầu hoạt động như bào tử riêng lẻ. Bào tử nấm xâm nhập thông qua vết thương cơ giới và nảy chồi trực tiếp bằng cách tạo ống mầm đa nhân và những bào tử động không được thành lập ở hình thức này. Ống mầm phát triển trên bề mặt thực vật cho đến khi phát triển thành appressoria. Appressoria là một loại tế bào chuyên biệt của nấm. Là cấu trúc sưng ở cuối ống mầm gắn vào tế bào thực vật sắp bị xâm nhiễm.
Sau khi bào tử được gắn và nảy mầm trên bề mặt cây ký chủ, ống mầm này sẽ nhận biết các dấu hiệu vật lý như độ cứng và tính kỵ nước của bề mặt tế bào ký chủ, cũng như các tín hiệu hóa học để kích hoạt sự hình thành appressoria. Khi đầu ống mầm ngừng tăng trưởng và bắt đầu sưng lên, tất cả thành phần của bào tử nấm được vận chuyển vào appressoria đang phát triển, một vách ngăn được tạo ở cổ của appressoria, và ống mầm của bào tử chết.
Khi appressoria trưởng thành, nó trở nên bám chắc vào bề mặt thực vật và khi áp lục trương nước Turgor tăng lên bên trong appressoria, một sợi nấm xâm nhập nổi lên và được đâm qua lớp biểu bì thực vật vào các tế bào biểu bì bên dưới. Sợi nấm tiếp tục được hình thành trong khoảng gian bào và nội bào thông qua tế bào chết. Mầm bệnh tiết ra enzyme và độc tố giết chết tế bào chủ một cách nhanh chóng.
2. Rễ bị xâm nhiễm
– Quá trình xâm nhiễm cũng giống như xâm nhiễm vào lá. Trong điều kiện thuận lợi, bào tử được tạo ra trên bề mặt của rễ bị nhiễm bệnh hoặc từ các bào tử ngủ như chlamydospores và oospores. Tùy vào điều kiện môi trường xâm nhiễm mà bào tử nảy mầm trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi xâm nhiễm vào lớp ngoại bì chúng cũng hình thành nhiều giác mút haustoria để hút dinh dưỡng.
Trong quá trình phát triển bên trong khoảng không gian giữa các tế bào. Nếu có xuất hiện các tế bào nội bì bị hoại tử hoặc tế bào thiếu dinh dưỡng, mầm bệnh sẽ tấn công tiết ra enzyme và độc tố để phân hủy tế bào và thành tế bào. Chúng giết chết tế bào sống sau đó sống hoại sinh trên tế bào đã chết đó (hình thức Hemibiotrophy). Phytopthora giết chết các tế bào chủ mà nó xâm nhiễm cũng như các tế bào lân cận. Trong vòng một ngày các sinh vật thứ cấp cũng có thể xâm chiếm và làm suy giảm các mô rễ và gây chết.
– Phytopthora thường tấn công theo hình thức Hemibiotrophy (giai đoạn đầu khi xâm nhập là Biotrophy, sau đó là Necrotrophy)
+ Biotrophy: mầm bệnh xâm nhiễm tạo giác mút hấp thu chất dinh dưỡng. Mầm bệnh được tế bào chủ kiểm soát bởi những gen kháng đặc hiệu.
+ Necrotrophy: mầm bệnh sống hình thức cạnh tranh dinh dưỡng. Chúng lấy nguồn dinh dưỡng bằng cách phân hủy chất hữu cơ. Chúng xâm nhập và tiêu diệt mô thực vật bằng enzyme và độc tố khiến tế bào chủ bị giết chết nhanh chóng. Mầm bệnh được tế bào thực vật kiểm soát bởi các gen kháng định lượng, không đặc hiệu.
III. Giải pháp ngăn ngừa sự xâm nhiễm của nấm Phytopthora
Sự phát triển của bệnh cần phải có sự liên kết thuận lợi của 3 yếu tố. cây chủ – mầm bệnh – môi trường. Trong điều kiện thuận lợi, mầm bệnh có thể sinh sản nhiều lần bằng phương pháp vô tính trong một mùa sinh trưởng. Với tốc độ xâm nhiễm nhanh chóng trên mô bệnh trong vòng 3-5 ngày nhiễm bệnh và khả năng tạo những cấu trúc tồn tại chuyên biệt để chờ điều kiện thuận lợi phát triển. Bệnh do Phytophthora gây nên rất khó kiểm soát và rất dễ tạo thành dịch.
Vì các bào tử động được phát tán nhờ gió hoặc nước nên việc đào mương thoát nước và hạn chế ngập úng là biện pháp làm giảm sự phát tán và lây lan bào tử động.
Việc hạn chết những tác động cơ học gây tổn tương cây, đặc biệt là rễ cũng ngăn ngừa sự xâm nhiễm.
Sử dụng phân bón hữu cơ giúp cho đất tơi xốp. Đây là điều kiện cần thiết cho bộ rễ sinh trưởng tốt. Ngoài ra còn cung cấp lượng lớn vi sinh vật vào trong đất, tạo cân bằng sinh học cho vùng đất.
Giải pháp chọn giống có gen kháng cũng đã và đang được quan tâm. Một số giống cây trồng đã được chọn tạo thông qua nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp áp dụng các tiến bộ về Công nghệ sinh học, sinh học phân tử… đã cho ra đời các giống kháng rất hiệu quả như các giống cà, ớt…
Trần Yến Ngọc
Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển cây hồ tiêu
Tham gia Khóa học “Nghệ thuật sử dụng vi sinh” để giải quyết tận gốc tất cả vấn đề mà cây trồng đang gặp phải.
BẤM VÀO LINK ĐĂNG KÝ NGAY 👉 Khóa học “Nghệ Thuật Sử Dụng Vi Sinh