Những ngày gần đây, rất nhiều nhà vườn ở khu vực Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông,… đang hoang mang vì sầu riêng rụng trái hàng loạt chỉ sau 1 đêm.
Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là cây bị sốc nhiệt.
Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn khiến cây không kịp thích ứng. Khi cây đang trong tình trạng nóng, bỗng dưng bị lạnh đột ngột khiến cành và bông/trái co về tâm, tầng rời giữa bông/trái và cành tách nhau đột ngột khiến bông/trái rụng hàng loạt.
Trong canh tác, đa phần nhà vườn thường chỉ chú trọng đến việc bón phân gì, xịt thuốc gì cho cây mà ít quan tâm đến các yếu tố khác trong đất.
Đối với cây trồng nói chung và cây sầu riêng nói riêng, có 5 chỉ số quan trọng trong đất, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây cũng như chất lượng trái mà nhà vườn cần nắm vững.
Chỉ số đầu tiên mà nhà vườn cần quan tâm chính là “nhiệt độ đất”.
Nhiệt độ đất hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là độ ấm trong đất. Nhiệt độ đất lý tưởng nhất cho hầu hết các loại cây phát triển là 21,1oC – 26,6oC.
Nhiệt độ đất không ổn định sẽ ảnh hưởng lớn đến các yếu tố khác trong đất bao gồm cả vi sinh vật, giun dế, hàm lượng dinh dưỡng, pH đất, độ ẩm đất, cấu trúc đất và cả sự phát triển của rễ cây.
Với cây sầu riêng, được xem là loại cây tiểu thư đài các, rất nhạy cảm với các yếu tố xung quanh. Thì nhiệt độ đất là yếu tố không tránh khỏi tác động đến cây trong mọi giai đoạn phát triển, nhất là giai đoạn cây nuôi trái.
Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng thường làm sạch cỏ trong vườn, để mặt đất trắng trơn vì quan niệm để cỏ sẽ ăn hết dinh dưỡng của cây và làm phát triển nấm bệnh. Do đó, mặt đất phải hứng chịu một lượng nhiệt rất lớn khi mặt trời chiếu thẳng xuống lúc trời nắng nóng. Ban đêm xuống, nhiệt độ lại giảm xuống đột ngột chênh lệch hàng chục độ C khiến cây không kịp thích ứng. Khi nhiệt độ đất thay đổi cây sẽ có những phản ứng nhất định để đảm bảo sức khỏe mình như là xả bông, xả trái, xả lá để duy trì sự sống của cây trước.
Bên cạnh đó, khi đất nóng lên, các yếu tố khác trong đất cũng bị ảnh hưởng theo.
Nhiệt độ đất lên quá cao hoặc xuống quá thấp khiến vi sinh vật trong đất ngưng hoạt động. Chúng chỉ hoạt động tốt trong khoảng nhiệt độ từ 10-35,6 độ C. Khi vi sinh vật ngưng hoạt động, các chất hữu cơ trong đất sẽ không được phân hủy, làm thiếu hụt một lượng dinh dưỡng quan trọng cho cây.
Nhiệt độ trong đất cũng ảnh hưởng đến sự sẵn có của các chất dinh dưỡng trong đất. Khi đất quá nóng (35oC) hoặc quá lạnh (<10oC) làm đình trệ quá trình chuyển hóa nitrat, làm cây bị thiếu nitơ (đạm) và làm thiếu hụt phốt pho (P) do phốt pho không được giải phóng từ các chất hữu cơ.
Nhiệt độ đất tăng cao cũng làm cho pH đất tăng theo, hoặc giảm pH xuống khi nhiệt độ đất quá thấp.
Cấu trúc đất cũng bị tác động bởi nhiệt độ đất. Khi đất nóng làm mất nước nhiều khiến đất co ngót và nứt nẻ. Đất sét kết dính với nhau thành những tảng lớn.
Nhiệt độ đất cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng của cây qua việc ảnh hưởng đến độ nhớt của nước trong đất, từ đó tác động đến khả năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng của rễ. Nhiệt độ đất thích hợp giúp cây hút nước và dinh dưỡng khỏe, kích thích cây ra rễ mạnh.
Đất quá nóng làm nước trong đất bốc hơi nhiều, độ ẩm của đất giảm mạnh, khiến cây thiếu hụt nước. Nhà vườn sẽ phải tưới nước thường xuyên và cây dễ bị khô héo khi nắng hạn.
Biện pháp giúp ổn định nhiệt độ đất cho vườn sầu riêng
Để giữ cho nhiệt độ đất luôn ở mức ổn định, ít bị thay đổi đột ngột, nhà vườn cần thực hiện các biện pháp sau:
- Giữ cỏ trong vườn, làm mát đất, giúp tạo lớp cách nhiệt cho mặt đất. Hãy ưu tiên các loài cỏ bản địa mọc tự nhiên trong vườn. Đồng thời có thể trồng thêm một số loại cỏ như lạc dại, xuyến chi, rau trai,…
- Sử dụng các vật liệu hữu cơ che phủ như tàn dự thực vật (cỏ cắt, lá rụng, vỏ hạt, thân ngô đậu, thân chuối, bèo lục bình, cây cộng sản, dã quỳ,…) để che phủ mặt đất, xung quanh tán cây (cách gốc khoảng 40cm).
- Tưới nước giữ ẩm đều cho đất, không để cây khô hạn quá lâu rồi tưới nhiều đột ngột. Nếu có điều kiện nên trang bị hệ thống tưới phun sương, vừa tưới đều, vừa tiết kiệm được lượng nước tưới.
- Bổ sung thêm Amino acid và các dinh dưỡng trung vi lượng giúp cây tăng đề kháng, giảm stress, tăng hấp thu dinh dưỡng, phát triển ổn định.
- Bổ sung thêm các loại phân hữu cơ như phân bò ủ hoai với trichoderma, phân xanh tự ủ,… sau khi thu hoạch trái.