Nước là thành phần có vai trò vô cùng quan trọng quyết định đến sự sống của cây trồng. Nước không chỉ có vai trò quan trọng trong việc cấu tạo các thành phần của cây trồng mà còn tham gia vào các quá trình sinh hóa bên trong cây.
Khan hiếm nước trong nông nghiệp là một hiện tượng phổ biến ở các nước nhiệt đới. Ở một số vùng hầu như không thể trồng cây nếu không có thuỷ lợi. Thậm chí, có nơi có lượng mưa cao, nhưng cây trồng vẫn có thể bị thiếu nước trong các giai đoạn khô hạn.
Do đó việc quản lý nước trong sản xuất là nhân tố thiết yếu quyết định đến sự thành công hay thất bại của quá trình trồng trọt, đặc biệt là trồng trọt theo hướng tự nhiên.
Nội dung bài viết
1. Vai trò của nước trong đời sống cây trồng
- Hòa tan chất dinh dưỡng trong đất: Cây trồng phát triển nhờ các chất dinh dưỡng được hấp thu từ đất. Tuy nhiên, các muối khoáng, đạm tự nhiên trong đất không thể tự hòa tan mà cần có nước.
- Lưu thông chất dinh dưỡng nuôi cây: Khi nước đã hòa tan chất dinh dưỡng trong đất giúp rễ cây có thể hút chất dinh dưỡng vào bên trong. Nước bên trong thân cây lại có trách nhiệm là dòng chảy đưa các chất dinh dưỡng này đi từ gốc cây lên tới các bộ phận của cây trồng như lá cây, chồi, ngọn, hoa quả, giúp cho cây sinh trưởng phát triển tốt hơn.
- Tạo nên các tế bào của cây: Từ 60% – 90% khối lượng của cây trồng là nước. Nước giúp đảm bảo cho cây được sinh trưởng, phát triển bình thường. Nước là thành phần chủ chốt trong các tế bào của cây. Thiếu nước, các tế bào này có thể bị co lại, không thể hoạt động, cây sẽ bị dị tật, quăn queo và phát triển không bình thường dẫn tới năng suất cây trồng bị giảm sút.
2. Quản lý nước hiệu quả trong canh tác nông nghiệp
Canh tác theo hướng tự nhiên với mục đích là sử dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có ngay trong trang trại và sử dụng các nguồn lực tự nhiên một cách bền vững. Vì thế, chủ động sở hữu nước, thu thập nước và lưu trữ nước là những việc làm rất quan trọng đối với nông dân.
2.1 Giữ nước trong đất
Trong nông nghiệp truyền thống, ý tưởng đầu tiên để khắc phục việc thiếu nước là lắp đặt các thiết bị thuỷ lợi. Người làm nông tự nhiên nên hiểu rằng cải thiện việc giữ nước và thấm nước vào trong đất là quan trọng hơn.
2.2 Giữ nước trong đất như thế nào?
*Tăng cường vật chất hữu cơ cho đất
Trong các thời kỳ hạn hán, một số loại đất có khả năng cung cấp nước cho cây trồng nhiều hơn, một số loại khác thì ít hơn. Khả năng hút và lưu giữ nước của đất phụ thuộc nhiều vào thành phần của đất và loại vật chất hữu cơ có trong đất. Đất sét có thể lưu giữ nước gấp 3 lần so với đất cát. Tuy nhiên lại ảnh hưởng đến sự phát triển của rễ và khả năng thoát nước nếu ngập úng.
Vật chất hữu cơ trong đất hoạt động như là một kho lưu trữ nước, giống như miếng bọt biển. Vì thế, đất giàu vật chất hữu cơ sẽ giữ ẩm lâu hơn. Để tăng vật chất hữu cơ, nên sử dụng phân hữu cơ, phân ủ, vật liệu che phủ hoặc cây phân xanh.
Một lớp vật liệu che phủ mỏng có thể giảm đáng kể sự bốc hơi nước trong đất. Lớp vật liệu này che bóng cho đất khỏi bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp và giúp cho đất bị không bị quá nóng.
Xới nông lớp đất khô trên bề mặt có thể giúp làm giảm sự khô ráo của lớp đất phía dưới (nó làm vỡ các mạch mao dẫn). Đất có khả năng giữ nước tốt sẽ tiết kiệm được chi phí thủy lợi.
**Chú ý:
Cây phân xanh hoặc cây trồng che phủ không phải lúc nào cũng là cách thích hợp để giảm sự bốc hơi nước của đất. Trong khi che phủ bằng cây trồng thì đồng thời nó cũng tạo ra bóng làm giảm ánh sáng chiếu trực tiếp xuống đất, bản thân chúng cũng bốc hơi nước qua lá, thậm chí còn nhiều hơn cả đất. Khi độ ẩm đất bắt đầu giảm dần, thực vật sẽ cạnh tranh nhau về nước với cây trồng chính, thì lúc đó có thể cắt hoặc tỉa cành và dùng luôn chúng làm vật liệu để che phủ.
*Tăng khả năng thấm nước
Khi trời mưa to, chỉ một phần nước thấm xuống đất. Phần lớn còn lại chảy thành dòng trên bề mặt làm hại đến cây trồng. Để nước mưa thấm vào trong đất càng nhiều thì cần phải nâng cao khả năng thấm nước của đất. Điều quan trọng nhất để đất có khả năng thấm nước cao là phải duy trì một lớp đất bề mặt có cấu trúc tốt với nhiều khoang và lỗ hổng như từ giun đất tạo ra. Áp dụng che phủ bằng cây trồng và bằng vật liệu là phù hợp để tạo ra một cấu trúc đất bề mặt thuận lợi. Hơn nữa, chúng giúp làm giảm tốc độ của dòng nước chảy xuống, cho phép nước có nhiều thời gian để thấm hơn.
Trên đất dốc, thấm nước mưa có thể được khuyến khích thêm thông qua các rãnh đào dọc theo các đường đồng mức. Nước chảy trên bề mặt bị giữ lại trong các rãnh, ở đó nước sẽ thấm dần dần vào trong đất. Những gờ đất thấp, ví dụ vòng quanh các cây thân gỗ, cũng có tác dụng tương tự. Chúng thu lượm nước chảy dọc xuống theo sườn dốc và khuyến khích việc thấm nước gần khu vực của rễ cây.
Trên các cánh đồng tương đối phẳng, các hố cây có thể được sử dụng vào mục đích này. Tác động của các “bẫy nước” này có thể được tăng lên nếu nó được kết hợp với một lớp vật liệu che phủ.
*Dự trữ nước
Lượng nước nhiều trong mùa mưa có thể dự trữ lại để dùng trong các thời kỳ hạn hán. Có rất nhiều cách để dự trữ nước phục vụ tưới tiêu.
Dự trữ nước trong các ao, hồ vừa có thể nuôi cá ở đó. Nhưng nước có thể bị thất thoát qua sự thẩm thấu và bốc hơi của đất. Xây dựng các bể chứa nước bằng các vật liệu xây dựng phù hợp, có thể trữ nước trong thời gian dài.
*Lựa chọn cây trồng
Việc lựa chọn cây trồng và hệ thống canh tác phù hợp là yếu tố chính để xác định nhu cầu tưới nước. Rõ ràng, không phải tất cả các cây trồng (kể cả các giống của cùng một loại cây) đòi hỏi lượng nước như nhau, và cũng không phải tất cả đều cần nước tại cùng một thời điểm.
Một số cây trồng có khả năng chịu hạn rất tốt, trong khi đó những cây trồng khác lại rất dễ bị ảnh hưởng. Cây trồng có rễ sâu có thể hút nước ở những tầng đất sâu hơn và vì thế chúng ít nhạy cảm với sự khô hạn tạm thời. Ở những vùng có điều kiện thời tiết khô hạn, nên lựa chọn các loại cây trồng có khả năng chịu hạn.
Chuối là một loại cây trồng có khả năng giữ nước rất tốt, trong hệ thống vườn trồng, nên xen canh chuối theo các hàng đồng mức, vào mùa nắng có thể cắt tỉa phủ xuống bổ sung nước cho đất.
**Lưu ý khi tưới nước cho cây trồng
• Tưới quá mức cho những diện tích bị hạn hán hoặc bán khô cằn có thể là nguyên nhân gây ra tính mặn của đất mà trong trường hợp xấu có thể không phù hợp để canh tác nông nghiệp.
• Tưới quá nhiều có thể dẫn đến xói mòn đất.
• Tưới quá ít hoặc quá nhiều cũng có thể làm hại đến cấu trúc đất bề mặt. Cấu trúc hạt của đất có thể bị phá hủy và các mảnh vụn có thể bị gom vón lại trong các khoang đất là nguyên nhân hình thành tầng vỏ đất cứng. Vì thế sẽ làm giảm sự thoáng khí và gây hại đến các sinh vật trong đất.
• Tưới không đúng lúc đúng chỗ có thể gây áp lực cho cây trồng, làm cho chúng dễ bị sâu bệnh hại. Hầu hết cây trồng trên đất khô hạn đều bị ảnh hưởng vì úng nước cho dù là trong thời gian ngắn. Tưới nước vào lúc nắng nóng trong ngày có thể gây sốc cho thực vật.
>> Đọc tiếp: Tận dụng tàn dư thực vật làm vật liệu che phủ đất trồng trọt