Trong phát triển nông nghiệp hữu cơ tự nhiên, cách quản lý sâu bệnh luôn là vấn đề đau đầu cho người canh tác. Bởi khi không sử dụng các loại thuốc BVTV thì làm sao có thể tiêu diệt các loại sâu bệnh hại một cách triệt để. Trên thực tế, sâu bệnh hại không đáng sợ đến mức ta phải tìm mọi biện pháp để loại trừ. Ta càng cố tiêu diệt, sâu bệnh lại có cách ngày càng phát triển khó lường hơn. Vậy tại sao ta không thử sống hài hòa với chúng.
Hãy cùng tìm hiểu cách quản lý sâu bệnh hại một cách tự nhiên và hiệu quả qua bài viết này.
Nội dung bài viết
1. Quản lý dịch hại một cách tự nhiên
Nguyên lý hướng dẫn cơ bản của việc quản lý dịch hại một cách tự nhiên là chẳng có gì là dịch hại cả. Nếu sự cân bằng sinh thái trên đất nông nghiệp không bị xáo trộn thì sự xuất hiện của dịch hại không phải là một vấn đề mà chỉ là triệu chứng.
Nếu triệu chứng xuất hiện, ta nên cố tìm ra nguyên nhân (các nhân tố gây xáo trộn) và loại trừ để phục hồi lại sự cân bằng sinh thái. Bằng cách tiếp cận đó chúng ta mới có thể tránh được những thiệt hại mà sâu bệnh tiếp tục gây ra.
Có hai biện pháp là phòng và trừ. Chúng ta nên nhấn mạnh hơn cả vào biện pháp phòng, tuy nhiên biện pháp trừ có thể sẽ cần thiết vào giai đoạn đầu áp dụng phương thức nông nghiệp sinh thái. Một khi có biện pháp phòng đúng đắn, các biện pháp trừ sẽ không thực sự cần thiết.
2. Các biện pháp phòng
Các biện pháp phòng có ảnh hưởng gián tiếp và là một quá trình lâu dài. Đó là lý do tại sao nông dân không mấy quan tâm đến việc sử dụng các biện pháp đó. Nhưng nhìn từ góc độ sinh thái, đây là cách duy nhất cho các giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề dịch bệnh.
Do đó ta phải nhấn mạnh (trên 90%) vào việc biện pháp này. Tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp cân bằng. Tính đa dạng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp cân bằng. Việc loại bỏ các nhân tố gây xáo trộn cũng vậy. Bao gồm các phương pháp sau :
- Canh tác nhiều loài
- Canh tác kết hợp, dùng cây cỏ diệt côn trùng và cây thuốc
- Trồng cây lâu năm và cỏ
- Không dùng hóa chất nông nghiệp
- Tạo ra một hệ sinh thái đất cân đối
Một hệ sinh thái cân đối (về mặt vi sinh vật) là yếu tố then chốt cho sự khỏe mạnh của cây trồng. Hầu hết bệnh gây hại cho cây xuất phát từ sự mất cân đối này. Do đất thiếu chất hữu cơ, canh tác liên tục và sử dụng hóa chất nông nghiệp để tiêu diệt hết vi sinh vật. Các phương pháp duy trì cân bằng bao gồm:
- Luân canh
- Cung cấp thường xuyên chất hữu cơ
- Tránh trộn chất hữu cơ thô với đất
- Không sử dụng hóa chất nông nghiệp
Phương pháp để quản lý dịch hại khác:
- Chọn hạt giống tốt (không nhiễm bệnh,…)
- Trồng cây đúng thời vụ
- Khoảng cách phù hợp
Thực tế, nguyên nhân phát sinh dịch hại rất đa dạng và không hề đơn giản. Khi đối mặt với dịch hại, chúng ta nên xem xét lại phương pháp đã sử dụng khi mới trồng cây và tìm ra lỗi sai ở đâu. Côn trùng và dịch hại chỉ là chỉ thị chứ không phải là vấn đề.
3. Các biện pháp trừ
Mặc dù đã có biện pháp phòng, vấn đề dịch hại vẫn có thể xảy ra ở giai đoạn đầu áp dụng phương thức sinh thái nông nghiệp do sức khỏe của đất chưa được phục hồi sau khi chịu ảnh hưởng từ việc sử dụng chất hóa học trong nông nghiệp và hệ sinh thái vẫn chưa cân bằng.
Trong trường hợp này cần thực hiện biện pháp trừ để bảo vệ cây trồng.
Trừ vật lý
Phương pháp này rất đơn giản, dễ dàng thực hiện và có hiệu quả trong những giai đoạn đầu xuất hiện côn trùng.
- Bắt bằng tay – loại trừ/ bắt côn trùng bằng tay hoặc lưới
- Dùng đèn bẫy – đặt đèn trên mặt nước đựng trong một cái xô, côn trùng bay tới và rơi vào xô nước
- Đặt que – làm chỗ cho chim tới ăn côn trùng
- Làm bù nhìn – khiến chim ăn hạt sợ
- Dùng lưới bọc để bảo vệ cây khỏi sự tấn công của côn trùng
- Thuốc diệt sâu bệnh tự nhiên
Có nhiều chất tự nhiên có thể dùng để xua đuổi hoặc giết côn trùng. Các chất diệt sâu bệnh tự nhiên thường thấy gồm:
- Dầu Neem
- Lá và hạt xoan
- Lá cây thuốc lá
- Hạt đay (dạng bột)
- Ớt
- Các loại lá khác thích ứng với từng địa phương
Với các loại cây này, ta có thể phối trộn chúng theo công thức. Hoặc chỉ cần ngâm các loại lá này vào nước qua đêm, sau đó lấy các chất trong đó và đem tưới vào cây trồng.