Quản lý dịch bệnh và cỏ dại

Sự bùng phát của dịch bệnh và côn trùng gây hại ngày nay đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong nông nghiệp. Mặc dù nông dân đã sử dụng thuốc hóa học để khống chế sâu bệnh, vấn đề vẫn chưa được giải quyết, thậm chí đi vào vòng luẩn quẩn.

Tại sao lại xảy ra tình trạng này ?

  • Thứ nhất, nghiên cứu về nông nghiệp đã chỉ ra cách khống chế dịch bệnh khi nó xuất hiện nhưng không hiểu rõ nguyên nhân cội nguồn của vấn đề. Chúng ta không thể giải quyết triệt để vấn đề mà không hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của nó.
  • Thứ hai, con người thiếu hiểu biết về một thực tế là trong môi trường thuận lợi, cây trồng phát triển tốt và không dễ bị dịch bệnh tấn công. Thậm chí nếu dịch bệnh tấn công, tổn thất cũng không đáng kể.
  • Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghiên cứu lại về vấn đề cỏ dại, cái mà nhiều người vẫn coi là dịch bệnh.

Chúng ta cần thoát khỏi vòng luẩn quẩn của vấn đề dịch bệnh và cỏ dại và tìm ra các giải pháp phù hợp.

Nội dung 

  • 1. Dịch bệnh là gì và có những vấn đề nào?
  • 2. Vòng luẩn quẩn của việc khống chế sâu bệnh bằng hóa chất
    • 2.1. Côn trùng
    • 2.2. Dịch bệnh
  • 3. Quản lý dịch bệnh một cách tự nhiên
    • 3.1. Các biện pháp phòng
    • 3.2. Các biện pháp trừ
  • 4. Cỏ dại
    • 4.1. Bản chất của cỏ dại
    • 4.2. Gợi ý về về quản lý cỏ dại

1. Dịch bệnh là gì và có những vấn đề nào?

Con người cho rằng dịch bệnh (côn trùng và dịch bệnh tấn công cây trồng) gây hại hoàn toàn. Vậy ý kiến này có thật sự đúng hay không ? Có vẻ đúng nếu nhìn từ quan điểm lợi ích của loài người. Tuy nhiên từ góc độ sinh thái, điều này hoàn toàn sai. Mọi thứ trong một hệ sinh thái đều tương tác và tất cả các yếu tố đều cần thiết để duy trì sự cân bằng sinh thái trong môi trường tự nhiên.

Côn trùng

Theo thuật ngữ về sinh thái, những côn trùng được coi là có hại chính là những vật tiêu thụ cấp một. Như chúng ta đã nghiên cứu ở phần Thiên nhiên và Nông nghiệp, vai trò của côn trùng trong chuỗi thực phẩm là không gây hại mà rất quan trọng và cần thiết. Nếu không có côn trùng, vật tiêu thụ cấp hai không thể sống sót và chuỗi thực phẩm sẽ bị xáo trộn.

Trong một hệ sinh thái cân bằng, số lượng côn trùng được duy trì trong một giới hạn nhất định mà không có hại cho cây trồng. Nhưng một khi có xáo trộn nào đó từ bên ngoài, côn trùng sẽ đột nhiên phát triển mạnh và gây hại cho cây. Nếu chúng ta quan sát kỹ thực tế, chúng ta có thể thấy vấn đề không phải ở côn trùng, mà ở chính sự mất cân bằng sinh thái làm côn trùng gia tăng. Côn trùng nên được coi như một người thầy nói cho ta biết ta đã làm sai điều gì với hệ sinh thái. Vì thế, trước khi kết luận rằng côn trùng có hại và nên bị diệt trừ, ta phải tìm hiểu tại sao chúng bùng phát.

Dịch bệnh hại cây

Đối với dịch bệnh hại cây, ta cũng có thể kết luận như vậy. Bệnh hại cây xảy ra do sự bùng phát của các loài vi sinh vật đặc biệt, hay còn gọi là mầm bệnh (ví dụ như một số loài giun tròn, nấm, vi rút v.v…). Những mầm bệnh này thường bị giới hạn về số lượng nên chúng vô hại cho cây. Nhưng khi hệ sinh thái đất bị xáo trộn và có các điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, dịch bệnh hại cây sẽ bùng phát.

Vấn đề không phải là sự tồn tại của mầm bệnh trong đất mà là các nhân tố tác động tạo ra sự mất cân bằng hệ sinh thái đất. Do đó, điều quan trọng để phòng bệnh là loại bỏ các nhân tố làm xáo trộn (như canh tác liên tục, sử dụng hóa học trong nông nghiệp v.v…) và tạo nên một hệ sinh thái đất cân bằng.

2. Vòng luẩn quẩn của việc khống chế sâu bệnh bằng hóa chất

Việc canh tác nông nghiệp hiện nay đang sử dụng hóa chất để phòng trừ dịch bệnh, bao gồm:

  1. Sử dụng các chất độc hóa học gây hại cho tất cả sinh vật
  2. Giải quyết vấn đề trước mắt (chỉ chữa dựa trên triệu chứng)
  3. Không tìm ra các nguyên nhân sâu xa

Chúng ta hãy cùng nghiên cứu tại sao không thể khống chế cái gọi là sâu bệnh gây hại bằng các chất hóa học diệt trừ sâu bệnh và tại sao những hóa chất đó lại làm cho tình hình đó ngày càng trở nên xấu đi.

2.1. Côn trùng

Đặc điểm của côn trùng là chúng có vòng đời ngắn và sinh nở một số lượng rất nhiều trứng cùng một lúc. Đặc trưng đó giúp chúng có khả năng kháng lại thuốc diệt côn trùng rất tốt. Vì thế nông dân buộc phải dùng một lượng thuốc trừ sâu nhiều hơn hoặc những loại thuốc mạnh hơn để phòng chống sâu bệnh. Tuy nhiên thế hệ côn trùng tiếp lại có khả năng kháng thuốc.

Nhân tố thứ hai là sự biến mất của các loài thiên địch tự nhiên ăn côn trùng (như nhện, ếch, chim v.v…). Những loài thiên địch tự nhiên này có số lượng ít hơn và có vòng đời thấp hơn nên chúng không sinh sôi nảy nở nhanh như côn trùng. Chúng cũng không thể có khả năng kháng lại thuốc trừ sâu như côn trùng, kết quả là chúng bị giết và biến mất. Do đó tạo nên một hệ sinh thái mất cân bằng mà chỉ có côn trùng phát triển mạnh.

Vòng luẩn quẩn tạo ra bởi việc sử dụng thuốc hóa học để diệt sâu không những làm cho vấn đề dịch bệnh trở nên xấu hơn mà còn gây nên nhiều rủi ro cho sức khỏe của con người. Đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên là những người nông dân, tiếp đến là những ai ăn phải sản phẩm bị nhiễm chất độc hóa học đó.

2.2. Dịch bệnh

Dịch bệnh không ít thì nhiều cũng phát triển như trên. Bệnh dịch không bao giờ bị khống chế bởi các thuốc diệt dịch bệnh hóa học (ví dụ thuốc diệt nấm). Việc sử dụng thuốc hóa học trong nông nghiệp cũng tạo ra một vòng luẩn quẩn như trên theo các cách sau:

  1. Các vi sinh vật đặc biệt (mầm bệnh) gây ra dịch bệnh cho cây rất dễ dàng thay đổi đặc tính để thích nghi với sự thay đổi hoàn cảnh. Chúng có thể dễ dàng phát triển để kháng bệnh.
  2. Các vi sinh vật có lợi có thể khống chế được mầm bệnh lại bị hủy hoại bởi thuốc trừ sâu. Từ đó xảy ra sự mất cân bằng vi sinh vật.
  3. Sự xuất hiện của các mầm bệnh mới có khả năng kháng thuốc càng làm tăng sự mất cân bằng sinh thái của vi sinh vật.

Mặc dù việc phòng trừ dịch bệnh bằng hóa chất có thể có tác dụng nhanh chóng tức thời nhưng cũng không thể giải quyết vấn đề một cách lâu dài. Giải pháp lâu dài duy nhất để khống chế dịch bệnh là tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa và giải quyết các vấn đề theo quy luật của tự nhiên.

3. Quản lý dịch bệnh một cách tự nhiên

Quản lý dịch bệnh và cỏ dại bắt đầu từ sự hiểu biết sâuvề những vấn đề này

Nguyên lý hướng dẫn cơ bản của việc quản lý dịch bệnh một cách tự nhiên là chẳng có gì là dịch bệnh cả. Nếu sự cân bằng sinh thái trên đất nông nghiệp không bị xáo trộn thì sự xuất hiện của dịch bệnh không phải là một vấn đề mà chỉ là triệu chứng. Nếu triệu chứng xuất hiện, ta nên cố tìm ra nguyên nhân (các nhân tố gây xáo trộn) và loại trừ để phục hồi lại sự cân bằng sinh thái. Bằng cách tiếp cận đó chúng ta mới có thể tránh được lỗi lầm sau này. Có hai biện pháp là phòng và trừ.

Chúng ta nên nhấn mạnh hơn cả vào biện pháp phòng, tuy nhiên biện pháp trừ có thể sẽ cần thiết vào giai đoạn đầu áp dụng phương thức nông nghiệp sinh thái. Một khi có biện pháp phòng đúng đắn, các biện pháp trừ sẽ không thực sự cần thiết.

3.1. Các biện pháp phòng

Các biện pháp phòng có ảnh hưởng gián tiếp và là một quá trình lâu dài. Đó là lý do tại sao nông dân không mấy quan tâm đến việc sử dụng các biện pháp đó. Nhưng nhìn từ góc độ sinh thái, đây là cách duy nhất cho các giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề dịch bệnh. Do đó ta phải nhấn mạnh (trên 90%) vào việc biện pháp này.

Tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp cân bằng

Tính đa dạng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp cân bằng. Việc loại bỏ các nhân tố gây xáo trộn cũng vậy. Bao gồm các phương pháp sau:

1) Canh tác nhiều loài (đa canh)
2) Canh tác kết hợp, dùng cây cỏ diệt côn trùng và cây thuốc (xen canh)
3) Trồng cây lâu năm và cỏ 
4) Không dùng hóa chất nông nghiệp

Tạo ra một hệ sinh thái đất cân đối

Một hệ sinh thái cân đối (về mặt vi sinh vật) là yếu tố then chốt cho sự khỏe mạnh của cây trồng. Hầu hết bệnh gây hại cho cây xuất phát từ sự mất cân đối này do đất thiếu chất hữu cơ, canh tác liên tục và sử dụng hóa chất nông nghiệp để tiêu diệt hết vi sinh vật. Các phương pháp duy trì cân bằng bao gồm:

1) Luân canh
2) Cung cấp thường xuyên chất hữu cơ 
3) Tránh trộn chất hữu cơ thô với đất
4) Không sử dụng hóa chất nông nghiệp

Phương pháp khác:

  1. Chọn hạt giống tốt (không nhiễm bệnh v.v…)
  2. Trồng cây đúng thời vụ
  3. Khoảng cách phù hợp

Thực tế, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh rất đa dạng và không hề đơn giản. Khi đối mặt với dịch bệnh, chúng ta nên xem xét lại phương pháp đã sử dụng khi mới trồng cây và tìm ra lỗi sai ở đâu. Côn trùng và dịch bệnh chỉ là chỉ thị chứ không phải là vấn đề.

3.2. Các biện pháp trừ

Mặc dù đã có biện pháp phòng, vấn đề dịch bệnh vẫn có thể xảy ra ở giai đoạn đầu áp dụng phương thức sinh thái nông nghiệp do sức khỏe của đất chưa được phục hồi sau khi chịu ảnh hưởng từ việc sử dụng chất hóa học trong nông nghiệp và hệ sinh thái vẫn chưa cân bằng. Trong trường hợp này cần thực hiện biện pháp trừ để bảo vệ cây trồng.

Trừ vật lý

Phương pháp này rất đơn giản và dễ dàng thực hiện, và có hiệu quả trong những giai đoạn đầu xuất hiện côn trùng.

  1. Bắt bằng tay – loại trừ/ bắt côn trùng bằng tay hoặc lưới
  2. Dùng đèn bẫy – đặt đèn trên mặt nước đựng trong một cái xô, côn trùng bay tới và rơi vào xô nước
  3. Đặt que – làm chỗ cho chim tới ăn côn trùng
  4. Làm bù nhìn – khiến chim ăn hạt sợ
  5. Dùng lưới bọc để bảo vệ cây khỏi sự tấn công của côn trùng (ví dụ bắp cải)

Thuốc diệt sâu bệnh tự nhiên

Có nhiều chất tự nhiên có thể dùng để xua đuổi hoặc giết côn trùng. Các chất diệt sâu bệnh tự nhiên thường thấy ở Bangladesh gồm:

  1. Tro (bột)
  2. Lá và hạt xoan
  3. Lá cây thuốc lá
  4. Hạt đay (dạng bột)
  5. Ớt
  6. Ớt mọc trong đất ẩm
  7. Các loại lá khác thích ứng với từng địa phương

Một cách sử dụng lá cây là ngâm chúng vào nước qua đêm và lấy ra các chất cần thiết. Nước chiết ra sẽ được dùng làm chất diệt sâu bệnh tự nhiên.

‘Bảo vệ cây trồng tự nhiên vùng nhiệt đới’ (Natural crop protection in the Tropics) của tác giả gaby Stoll là cuốn sách rất hay về việc sử dụng các chất diệt sâu bệnh tự nhiên (Nhà xuất bản Margraf, Muhistr. 9, D-6992 Weikersheim, Đức).

4. Cỏ dại

Thái độ của con người đối với cỏ dại cũng không khác gì đối với cái gọi là côn trùng có hại. Nông dân luôn coi cỏ dại là kẻ thù. Họ thường cố gắng làm sạch cỏ hay canh tác bằng cách diệt cỏ để không còn cây nào tồn tại. Điều này được coi là một việc làm tốt. Nhưng đối với tự nhiên hay con người, điều đó có tốt đẹp thật không ?

« Cỏ dại chỉ là CỎ DẠI theo quan điểm tự cao tự đại của con người, bởi chúng mọc ở nơi con người không mong muốn. Tuy nhiên trong tự nhiên, chúng đóng vai trò rất quan trọng và lý thú. Chúng có thể kháng lại các điều kiện mà cây trồng không kháng được như hạn hán, độ chua của đất, thiếu mùn, suy giảm chất khoáng, cũng như tính chất một mặt của chất khoáng v.v… Chúng là nhân chứng cho sự thất bại của con người trong việc làm chủ đất đai và chúng mọc phong phú ở những nơi chúng ta để lỡ, giúp chúng ta nhận ra sai lầm của mình và cách khắc phục của tự nhiên.

Từ câu chuyện cỏ dại, ta có thể nhận ra một thông điệp từ những bài học tự nhiên dạy cho chúng ta. Nếu chúng ta chịu lắng nghe, chúng ta có thể nhận ra những năng lực khá tốt của thiên nhiên trong việc giúp chúng ta khắc phục sai lầm, và đôi khi chúng như chế giễu loài người vậy »

Ehrenfried E. Pfeiffer (Cỏ dại và những điều ta chưa biết)

4.1. Bản chất của cỏ dại

Nhân tố chống xói mòn đất

Vai trò quan trọng nhất của cỏ dại là bảo vệ đất. Trong các trận mưa lớn, ta có thể quan sát nước đầy bùn chảy từ đất canh tác đã được cày bừa không có hoặc có rất ít cỏ dại.

Nhân tố cứu trợ của tự nhiên

Cỏ dại là nhân tố cứu trợ của tự nhiên. Khi da của chúng ta bị tổn thương, đầu tiên lớp da mỏng bao trùm lên thịt từ miếng da cũ bị tổn thương giúp ngăn không cho máu chảy thêm. Khi vết thương lành, lớp da mỏng đó bị mất đi.

Tương tự như vậy, đất trống là một vết thương của tự nhiên trong khi cỏ dại là lớp da mỏng bảo vệ – che phủ lớp đất trống để tránh xói mòn. Khi cây trồng chiếm chỗ, cỏ dại biến mất.

Một khi đất trở nên màu mỡ, loại cỏ dại cũng thay đổi theo. Trên đất ít màu mỡ, một loài cỏ dại sẽ mọc lan tràn. Nông dân càng làm cỏ, chúng càng mọc lan ra. Trong ba năm áp dụng biện pháp phủ đất mà không cày bừa ở trang trại Proshika, chúng tôi quan sát được rằng các kiểu cỏ dại cũng đang biến đổi và ít có hại hơn đối với cây trồng.

Chỉ thị về độ phì nhiêu của đất

Mỗi loài cỏ dại có một đặc trưng riêng. Một số mọc trên đất xấu, còn một số lại mọc trên đất khá màu mỡ. Từ những đặc trưng này, người ta có thể nhận biết được độ phì của đất canh tác. Cỏ tranh là một loài cỏ rất phổ biến ở Bangladesh, chúng chỉ mọc trên đất rất xấu, do đó nó ám chỉ đất xấu. Ngoài ra nhiều loài cỏ dại khác có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin quý giá.

Nguồn cung cấp phì nhiêu cho đất

Cỏ dại là nguyên liệu để trộn và ủ phân rất tốt. Thật sai lầm khi chúng ta bỏ đi cỏ dại đã nhổ khỏi đất, bởi chúng đã tiêu thụ nhiều chất dinh dưỡng từ đất và sản sinh ra nhiều cacbonhydrat thông qua quá trình quang hợp, do đó có thể lấy lại cho đất bằng cách tái sinh lại cỏ dại.

4.2. Gợi ý về về quản lý cỏ dại

Kỹ thuật cơ bản để quản lý cây cỏ dại là phủ đất để cỏ dại không mọc được. Dưới đây là một vài phương pháp chúng tôi đã thử và đem lại kết quả tốt.

Phủ đất với ít cày xới

Như đã biết ở Phủ và ít canh tác, lớp phủ dày (trên 5cm) trên mặt đất giúp khống chế được 90% cỏ dại. Lớp che phủ sống và dùng loại cây che phủ cũng là một cách rất hiệu quả để khống chế cỏ dại. Đậu Ấn Độ là loại cây che phủ giúp chống cỏ tranh, một loài cây không phát triển được khi thiếu ánh sáng mặt trời.

Phân xanh

Phân xanh giúp giảm cỏ dại. Vì thứ nhất, cỏ dại không thể mọc tốt khi ta dùng phân xanh bởi phân xanh phát triển nhanh và được trồng dày. Thứ hai, khi phân xanh được cày xuống đất, cỏ cũng được trộn theo. Thứ ba, do phân xanh làm biến đổi chất lượng của đất, loại cỏ dại cũng biến đổi theo. Từ đó, cỏ dại giảm đi trông thấy.

Trồng gối vụ

Trồng gối vụ là việc gieo hạt cho vụ mùa sau trước khi thu hoạch vụ mùa đang canh tác. Những cây trồng gối vụ thường thấy ở Bangladesh là cây lúa Aman và đậu xanh Khesari. Hạt đậu xanh Khesari được gieo một tuần trước khi thu hoạch lúa Aman. Do đó, không có đủ thời gian cho cỏ dại phát triển.

“Nhiều loài cỏ dại khác nhau cùng phát triển với các loài ngũ cốc và cỏ ba lá trên cánh đồng này. Một nông dân địa phương những tưởng là sẽ nhìn thấy cánh đồng của tôi hoàn toàn chìm trong cỏ dại, nhưng thật không ngờ, lúa mạch mọc rất tốt giữa nhiều loài cây khác nhau.

Các chuyên gia kỹ thuật cũng đã tới đây, khi họ trông thấy cỏ dại, cải xoong và cỏ ba lá mọc xung quanh, họ đã lắc đầu bỏ đi đầy ngạc nhiên. Cách đây hai mươi năm, khi tôi thúc đẩy việc sử dụng cây che phủ lâu dài trên các vườn cây ăn quả, không thấy bóng dáng của một cây cỏ dại nào trên đồng ruộng hoặc vườn tược nơi đây. Khi thấy vườn cây ăn quả của tôi, người dân nhận ra rằng cây ăn quả có thể phát triển rất tốt xung quanh cỏ và cỏ dại.

Ngày nay, các vườn cây ăn quả được cỏ che phủ là rất phổ biến ở Nhật bản, gần như không thấy vườn cây nào không có cỏ che phủ. Tương tự đối với các cánh đồng ngũ cốc. Người ta có thể trồng thành công lúa nước, lúa mạch và mạch đen trên các cánh đồng được bao phủ bởi cỏ ba lá và cỏ dại quanh năm.”

[Canh tác trong cỏ dại] – Masanobu Fukuoka (Cuộc cách mạng một cọng rơm).

Trích tác phẩm: Những bài học từ thiên nhiên (Lessons from Nature) – Shimpei Murakami (1991)

Nguồn ảnh: Apachai

Nội dung tác phẩm: Những Bài Học Từ Thiên Nhiên – Shimpei Murakami

  1. Thiên nhiên và Nông nghiệp
  2. Đất, chức năng và đặc tính của đất
  3. Các vấn đề với nông nghiệp hóa học
  4. Những nguyên tắc của nông nghiệp sinh thái
  5. Bài học Bón phân và Bảo tồn đất
  6. Bài học về Hệ thống canh tác
  7. Quản lý dịch bệnh và cỏ dại
  8. Quy trình tự sản xuất hạt giống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh