Phân chuồng là loại phân bón cực kỳ quen thuộc trong canh tác nông nghiệp. Bởi trong đó chứa một lượng lớn hữu cơ. Giúp bền cây, khoẻ cây, chống lại các loại sâu bệnh tấn công, đặc biệt là hạn chế tình trạng cây thoái hoá.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng phân chuồng hiệu quả. Dưới đây là 1 số lưu ý cho mọi người khi sử dụng phân chuồng, cùng WAO tìm hiểu nhé!
Nội dung bài viết
1. Phân chuồng và đặc tính của phân chuồng
Phân chuồng là loại phân do gia súc thải ra. Là hỗn hợp bao gồm phân, nước tiểu và các chất độn khác trong chuồng của gia súc.
Đây là loại phân bón được sử dụng phổ biến. Ngoài tác dụng bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng, nó còn có chức năng cải thiện kết cấu đất, nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đất phát triển, bảo vệ môi trường,…
Phân chuồng có chứa hầu hết các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng và các chất kích thích sinh trưởng khác. Trong đó, dinh dưỡng đa lượng thường chiếm phần nhiều và chủ yếu ở dạng dễ tiêu đối với cây trồng.
2. Những yếu tố quyết định đến chất lượng phân chuồng
Chất lượng của phân chuồng phụ thuộc vào loại gia súc, chất độn chuồng và cách bảo quản phân.
– Loại gia súc:
Thành phần dinh dưỡng của phân chuồng phụ thuộc vào chế độ ăn uống của gia súc. Mỗi loại động vật ăn thức ăn khác nhau dẫn đến chất lượng phân khác nhau (ví dụ như phân bò ăn cỏ khác với phân bò ăn cám)
Ngoài ra, còn phụ thuộc vào tuổi của gia súc và điều kiện sống của nó. Phân của con non có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn phân của con già. Phân của con sống trong môi trường sạch sẽ có chất lượng cao hơn phân của con sống trong môi trường ô nhiễm.
– Chất độn chuồng:
Độn chuồng vừa có tác dụng giữ ấm, tạo điều kiện khô ráo cho gia súc. Nó giúp hút nước phân, nước giải, giữ đạm và tăng cả khối lượng lẫn chất lượng phân chuồng. Cần chọn chất độn chuồng tốt và tiến hành độn chuồng cẩn thận. Các chất độn thường sử dụng như tro trấu, rơm rạ, cỏ khô,…
– Cách bảo quản phân:
Các phương pháp chế biến và bảo quản phân cũng tác động đến chất lượng phân. Nếu phân chuồng không được chế biến, bảo quản đúng cách sẽ khiến chất lượng phân giảm.
3. Cách sử dụng phân chuồng hiệu quả cao
Phân chuồng tuy rất tốt nhưng nếu không sử dụng đúng cách cũng không mang lại hiệu quả cao. Mặt khác còn có thể gây bệnh cho cây trồng. Dưới đây là một số điều bà con cần lưu ý:
- Phân chuồng cần được chế biến trước khi đưa ra sử dụng. Bởi trong phân chuồng tươi chưa qua xử lý có thể chứa các mầm bệnh, nấm khuẩn gây bệnh nguy hiểm cho cây.
- Sau khi phân đã ủ hoai cần bảo quản kỹ hoặc đưa ra sử dụng ngay. Cần vùi vào đất trồng sớm để tránh làm mất đạm ở dạng dễ tiêu (tỉ lệ hao hụt khoảng 35-40%).
- Ưu tiên sử dụng phân chuồng ủ bán hoai mục (hoai mục một nửa) để bón. Vừa có lợi về mặt cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa có lợi về mặt cải tạo đất. Vì loại phân này chứa nhiều đạm hơn và tác động đến việc hình thành kết cấu đất.
- Khi bón phân chuồng cho cây, dinh dưỡng kali thường được hấp thụ trước. Vì hàm lượng kali trong phân thường cao hơn và ở dạng cây dễ hấp thụ.
- Hiệu quả khi sử dụng phân chuồng phụ thuộc vào số lượng, chất lượng của phân, điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng nơi bón và đặc tính sinh học của cây trồng.
- Nên sử dụng phân chuồng để bón lót, bón sau thu hoạch và sau khi bón cần được che phủ bởi đất hoặc các vật liệu khác để tránh mất đạm (N).
Trên đây là một số lưu ý cho bà con khi sử dụng phân chuồng trong sản xuất nông nghiệp. Hi vọng mọi người có thể áp dụng hiệu quả cho khu vườn của mình nhé!
Xem thêm: