Nông nghiệp hóa học đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái tự nhiên

Trong nhiều năm qua, nền nông nghiệp đặt nặng về năng suất và lợi nhuận đưa biện pháp canh tác hóa học trở nên phổ biến. Tuy nhiên, lợi bất cập hại. Lợi càng ngày càng giảm, tác hại lại ngày càng nhiều và để lại hậu quả trong thời gian dài. Đặc biệt, hệ sinh thái tự nhiên một khi đã phá hủy sẽ cực kỳ khó khăn trong việc tái tạo và bảo vệ.

Vậy nền nông nghiệp hóa học đã và đang làm gì với sinh thái tự nhiên?

1. Sự thoái hóa của đất

Vấn đề đầu tiên và hiện đang dễ dàng nhận thấy khi sử dụng phân hóa học là sự thoái hóa của đất. Nguyên nhân là do thiếu chất hữu cơ. Khi đó lượng mùn giảm, gây ra những vấn đề như:

  • Kết cấu đất bị phá hủy, đất trở nên cứng.
  • Khả năng giữ nước bị giảm sút. 
  • Khả năng bảo tồn chất dinh dưỡng cũng bị giảm sút. 
  • Vi sinh vật giảm về số lượng, sự đa dạng và hoạt động không hiệu quả.

Ngoài ra, canh tác hóa học còn là tác nhân chính trong việc phá hủy hệ vi sinh vật trong đất. Đất tốt là đất có kết cấu vật lý tốt, có cân bằng hóa học tốt, có sự cân bằng sinh học và hoạt động tích cực. Việc sử dụng phân bón hóa học chỉ giúp cải tiến được hiệu năng của một số khoáng chất trong khi gây tổn hại đến chất lượng vật lý hay chất lượng hóa học và chất lượng sinh học của đất. 

Phân hóa học dùng trong nông nghiệp gây ra: mất cân bằng pH đất, làm giảm nhanh chất mùn, diệt trừ một số vi sinh vật do pH giảm,… 

Để giải quyết những vấn đề này, người ta lại sử dụng ngày một nhiều hơn các loại hóa chất. Đây chỉ là một biện pháp tạm thời nhưng lại gây ra những vấn đề khác khi làm tăng sự thoái hóa của đất. 

2. Gia tăng dịch bệnh 

Đất thoái hóa là đất có sức khỏe kém. Đất có sức khỏe kém sẽ làm gia tăng những cây kém sức khỏe khiến chúng dễ bị sâu bệnh hại tấn công. Ngày nay, nhà nông sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, vốn là độc dược và có hại cho mọi sinh vật, kể cả thiên địch.

Người ta thường không quan tâm đến việc khống chế sâu bệnh hại bằng sự cân bằng tự nhiên, mà chăm chăm sử dụng hóa chất để có tác dụng nhất thời, từ đó vấn đề dịch bệnh không được giải quyết và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. 

3. Chất lượng thực phẩm xuống cấp

Những sản phẩm được trồng bằng phân hóa học đều có khả năng gây hại cho sức khỏe và giảm chất lượng của sản phẩm. Có thể thấy rõ chất lượng thực phẩm giảm thông qua hương vị và khả năng bảo quản. 

Mặc khác, chất lượng kém không chỉ thể hiện trong hương vị và khả năng bảo quản mà cả về hàm lượng chất dinh dưỡng trong sản phẩm. Gần đây có nhiều nghiên cứu về các chất dinh dưỡng trong thực phẩm đã nêu ra sự khác biệt giữa sản phẩm được chăm bón bằng phân hóa học và sản phẩm được chăm bón bằng phân hữu cơ tự nhiên.

Kết quả là sản phẩm được chăm bón bằng phân, thuốc hóa học có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn, và hàm lượng nước cao có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến cho sản phẩm kém hương vị và khả năng bảo quản thấp.

4. Ô nhiễm của đất, nước, không khí và sản phẩm

Việc dùng thuốc trừ sâu hóa học khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm giống như nhiễm chất độc hóa học. Chúng rất hữu ích trong việc tiêu diệt sinh vật và bảo tồn hiệu lực trong một thời gian dài. Nhưng cũng chính vì vậy, chúng thực sự rất nguy hiểm đối với mọi sinh vật sống. 

Chất độc làm ô nhiễm sản phẩm đầu tiên, rồi đến đất, không khí và cuối cùng là nguồn nước. Sự ô nhiễm này gây ra kết quả là sản phẩm nhiễm độc, đất bị thoái hóa, hệ sinh vật tự nhiên bị mất cân bằng nghiêm trọng.

5. Nguy hại cho sức khỏe

Sức khỏe của con người bị tổn hại thông qua hai con đường. 

Thứ nhất là ăn phải nông sản nhiễm độc và những thức ăn truyền nhiễm khác (thức ăn, sữa, cá v.v..) của nền sản xuất nông nghiệp chuyên dùng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Chất độc tích tụ trong cơ thể sống thông qua một loạt thức ăn và gây nguy hại đối với sức khỏe. Nếu như con người tiếp tục ăn phải thực phẩm nhiễm độc thì chất độc trong cơ thể ngày càng bị tích tụ. 

Thứ hai là thuốc trừ sâu hóa học trực tiếp tác động tới người nông dân sử dụng nó. Phần lớn người sử dụng hay cầm thuốc trừ sâu không có đồ bảo hộ thân thể (đôi khi họ dùng tay trần và không đeo bao tay) để rải phân, phun thuốc, do đó họ là nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. 

6. Sự biến mất của các giống loài địa phương 

Giống loài địa phương là cơ sở di truyền để cải tiến giống và là nguồn dự trữ vô cùng quan trọng cho tương lai. Tuy nhiên, mỗi năm các giống loài địa phương biến mất càng nhiều. 

Nguyên nhân chính là việc sử dụng giống một cách thiếu chọn lọc về tính bền vững. Nhà nông đã bỏ không dùng các giống loài địa phương mà trồng một vài giống năng suất cao và giống lai tạo. Điều đó đã thúc đẩy sự độc canh và gây ra mất cân bằng sinh thái trong nông nghiệp.

Xem thêm:

Nông nghiệp hữu cơ – Một phương pháp canh tác phối hợp toàn diện

Hiểu đúng về nông nghiệp hữu cơ

Nhận ngay Ưu đãi 15% nhân dịp "Mừng sinh nhật WAO 5 tuổi"

Xem thêm về:

Danh mục: