Thời gian gần đây, nhiều người quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ đã đăng ký tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để có thêm kiến thức về lĩnh vực này.
Nhằm giúp người học hiểu và tránh những sai lầm khi thực hành về nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, TS. Trần Thị Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (COA) – Đại học Lâm nghiệp đưa ra một số lưu ý cơ bản.
Một là, phân tích các chỉ số kim loại nặng trên đất và nước ở khu vực quy hoạch sản xuất hữu cơ (lựa chọn vùng sản xuất hữu cơ). Đây là quy định bắt buộc trước khi thực hiện sản xuất hữu cơ tại một xứ đồng hay một khu đất có mong muốn sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép một số kim loại nặng trong đất (QCVN 03-MT:2015/BTNMT) đối với đất nông nghiệp các chỉ số phân tích đất bao gồm các kim loại Arsen (As); Cadimi (Cd); Chì (Pb); Đồng (Cu); Kẽm (Zn) và Crom (Cr).
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT) các chỉ số phân tích nước tưới tiêu bao gồm các kim loại: Thủy Ngân (Hg); Cadimi (Cd) Arsen (As) và Chì (Pb).
Khu vực sản xuất không đưa ra được kết quả phân tích đất và nước điều đó có nghĩa khu vực đó chưa được gọi là hữu cơ.
Hai là, vùng đệm cách ly. Mỗi khu vực sản xuất phải thiết lập vùng đệm thích hợp để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm từ bên ngoài vào. Khu vực sản xuất nào chưa có vùng đệm cách ly sẽ không được cấp giấy chứng nhận hữu cơ.
Ba là, đầu vào trong sản xuất hữu cơ. Người học rất quan tâm đến đầu vào được phép sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ, mong muốn được cung cấp cụ thể những loại phân bón và thuốc sinh học được phép sử dụng.
Tuy nhiên, để nắm được các đầu vào được phép hay không được phép sử dụng bắt buộc người học phải nghiên cứu rất kỹ tiêu chuẩn mà doanh nghiệp, HTX, nhóm sản xuất… định áp dụng. Căn cứ vào tiêu chuẩn, tra cứu các loại phân bón và các hoạt chất thuốc BVTV được phép sử dụng.
Phân bón hay thuốc sinh học được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ và các giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
Bốn là, cho đất nghỉ, bảo vệ sức khỏe của đất. Việc quay vòng đất liên tục đó là sai lầm đáng tiếc trong sản xuất hữu cơ. Cần phải có thời gian cho đất nghỉ. Trồng cây phân xanh là một biện pháp hiệu quả đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng.
Năm là, quản lý cỏ dại, sâu bệnh hại và sinh vật hại khác. Các biện pháp quản lý cỏ dại hiệu quả bao gồm luân canh, xen canh, che phủ đất bằng tàn dư thực vật như cỏ khô, rơm rạ; che phủ nilon, che phủ bằng các loại thực vật như lạc dại. Dấm gỗ được khuyến cáo trong quản lý cỏ dại.
Việc làm sạch cỏ dại trong vườn là một “sai lầm” đối với những người mới chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.
Trồng luân, xen canh cây họ đậu và nhiều loại cây khác nhau trên cùng ruộng, cùng luống để tăng đa dạng sinh học, điều hòa lại cân bằng sinh thái trong khu vực.
Trồng cây dẫn dụ, cây xua đuổi, làm bẫy bả, luân xen canh, sử dụng giống chống chịu để phòng. Sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc để quản lý.
Sáu là, thu hoạch và sơ chế. Sản phẩm hữu cơ thu hoạch được sơ chế làm sạch bằng nguồn nước sạch. Không để lẫn tạp với các sản phẩm thông thường. Cho phép mức độ thiệt hại tối đa 10% trên rau ăn lá do không dùng thuốc sâu hóa học.
Ngoài ra, việc sử dụng các nguồn nước tại mương, suối để sơ chế rau cũng là những sai lầm mà người học hay mắc phải.
Bảy là, cách gọi tên sản phẩm hữu cơ. Sản phẩm được gọi là hữu cơ khi đã được cấp giấy chứng nhận của một tổ chức chứng nhận độc lập và được công bố sản phẩm đó đạt tiêu chuẩn EU, USDA, JAS… hay đạt tiêu chuẩn trong nước theo TCVN 11041-2017; tiêu chuẩn PGS Việt Nam.
Hiện nay một số người hay sử dụng từ “hướng hữu cơ” để giới thiệu về sản phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là sản phẩm đó đã được cấp giấy chứng nhận và là sản phẩm hữu cơ đích thực.
Nguồn: Tạp chí điện tử Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam