Nếu giữa một mảnh vườn rộng lớn nhưng chỉ có cây ăn trái mà không có bóng dáng của một cây cỏ nào thì cảm xúc lúc đó của bạn là gì?
Chuyện gì sẽ xảy ra khi một mảnh vườn không có cỏ?
Mời bà con cùng WAO tìm hiểu trong bài viết này.
Nội dung bài viết
1. Nếu vườn không có cỏ chuyện gì sẽ xảy ra?
Đất mặt chai cứng, nén chặt, thiếu hữu cơ.
Khi đất không có cỏ, mặt đất sẽ trở nên chai cứng nén chặt do không có các kẽ hở bên trong, khi mưa xuống nước không thể thẩm thấu vào bên trong mà lắng đọng trên bề mặt làm đất dần nén dẽ kết hợp cùng việc dẫm đạp hằng ngày của chúng ta khiến đất càng chặt lại.
Đất thiếu cỏ, lượng mùn trong đất thấp khiến đất thiếu sự tơi xốp, thường đóng cục, nứt nẻ khi nắng hạn và nhão nhoẹt khi mưa xuống nếu đất nhiều sét.
Nhiệt độ đất tăng cao, cây thiếu nước, thiếu oxy, hô hấp kém.
Khi đất không có cỏ, mặt đất không được che phủ bảo vệ. Khi nắng nóng mặt đất trơ trọi hứng chịu lượng nhiệt lớn chiếu xuống, đất nóng nhanh làm cây trồng bị sốc nhiệt, rất nhiều vườn sầu riêng đã bị rụng sạch trái vì cây sốc nhiệt. Vì không được che chắn nên đất bị mất nước nhanh, khô khốc khiến cây héo úa vì thiếu nước.
Không có cỏ, cấu trúc đất thiếu những kẽ hở để oxy len lỏi vào bên trong khiến cây hô hấp kém hơn.
Dinh dưỡng bị rửa trôi, đất chua nhiều axit
Dưới tác động của mưa nắng đất bị hao hụt một lượng lớn dinh dưỡng bà con bón vào khi không được che chắn bởi cỏ. Dinh dưỡng sẽ theo dòng nước mưa trôi đi vì không có gì ngăn lại và bốc hơi mất đi theo nắng. Bón vào nhiều nhưng cây chẳng ăn được bao nhiêu.
Cùng với sự trôi đi của dinh dưỡng, các nguyên tố kiềm trong đất cũng theo chân rời đi theo mưa gió khiến đất càng chua, pH sụt giảm mạnh càng khiến cây phát triển kém.
Sâu bệnh hại tấn công mạnh
Khi vườn thiếu cỏ, các loài côn trùng chỉ có cây trồng chính để tấn công khiến cây càng áp lực. Tuyến trùng nấm khuẩn càng có cơ hội xâm nhập vào cây khi không có cây cỏ hy sinh, ngăn cản.
Đất thiếu cỏ khiến chất lượng đất suy giảm, lượng sinh vật, vi sinh vật có lợi không thể phát triển để bảo vệ cây trồng, khiến cây càng dễ bệnh.
2. Những điều tuyệt vời mà bạn sẽ nhận được khi vườn bạn có cỏ?
Nền đất được bảo vệ, cải thiện cấu trúc và kết cấu
Khi vườn có cỏ, cỏ sẽ là lớp áo che chắn bảo vệ cho đất khỏi mưa trôi nắng cháy. Lượng mùn trong đất ngày càng được gia tăng nhờ sự phân hủy của rễ cỏ và xác cỏ sau khi cắt phủ giúp cải thiện kết cấu và cấu trúc đất. Đất luôn được tơi xốp, thoáng khí, nước ngấm theo hệ thống rễ cỏ vào sâu trong lòng đất giúp tăng cường lượng nước ngầm dự trữ cho cây. Oxy cũng theo kẽ hở đi vào nhiều hơn giúp rễ cây hô hấp khỏe hơn.
Đất càng ngày càng màu mỡ phì nhiêu nhờ được giữ lại dinh dưỡng không bị rửa trôi bốc hơi khi mưa nắng.
Nhờ thảm cỏ che phủ, đất luôn giữ được mức nhiệt ổn định, giúp cây không bị sốc nhiệt rụng trái khi nắng nóng.
Hệ sinh vật, vi sinh vật đất phát triển mạnh mẽ
Khi đất được bảo vệ nuôi dưỡng, hệ sinh vật, vi sinh vật đất có môi trường thuận lợi để sinh sôi, hoạt động mạnh, giúp cải thiện cấu trúc đất, tiết ra các enzyme bảo vệ hệ rễ của cây trồng, cạnh tranh tiêu diệt với các loại nấm khuẩn có hại.
Cây trồng phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh hại.
Khi các yếu tố trong đất ở mức cân bằng bao gồm kết cấu đất, lượng dinh dưỡng, nước, không khí, pH, vi sinh vật,… tức là đất tốt, đất khỏe thì cây trồng sẽ luôn khỏe mạnh và phát triển tốt. Cây khỏe, đề kháng cao, kết hợp cùng sự bảo vệ của các lá chắn giúp cây chống lại với sâu bệnh hại tốt hơn.
Cây trồng được cung cấp nguồn dinh dưỡng đa dạng miễn phí
Bên cạnh việc cải thiện chất lượng đất, cây trồng sẽ được hưởng lợi từ nguồn dinh dưỡng miễn phí khi xác cỏ cỏ được phân hủy, vitamin và khoáng chất mà cỏ hấp thu dự trữ sẽ được trao cho cây.
3. Nên để cỏ gì và quản lý cỏ như thế nào?
*Các loại cỏ mà bà con nên giữ lại trong vườn.
Cỏ bản địa mọc lên tự nhiên trong vườn: Tùy thuộc vào thổ nhưỡng và khí hậu mà mỗi vườn sẽ có những loại cỏ tự nhiên mọc lên. Những loại cỏ này sẽ có đặc tính sinh trưởng hợp với khu vực đó. Do vậy nên ưu tiên cho các loại cỏ được phát triển tự nhiên.
Bên cạnh đó nhà vườn có thể phát triển thêm các loại cây cỏ nhiều lợi ích như cỏ lạc dại, rau trai, xuyến chi, cỏ sả, cỏ vetiver,… giúp tăng cường sinh khối hữu cơ cho vườn.
*Cách quản lý cỏ hiệu quả
- Thời điểm cắt cỏ: Không cắt vào giai đoạn nắng nóng khô hạn, chỉ nên cắt vào mùa mưa từ 2-3 lần. Cắt khi cỏ phát triển cao ngang đầu gối. Đối với các loại cỏ có hoa nên cắt khi hoa đã tàn, hạt giống đã đổ xuống.
- Cách cắt: Cắt cỏ cách mặt đất 10-15cm, không đánh bật gốc hay cắt sát mặt đất.
- Sau khi cắt, giữ nguyên xác cỏ tại vị trí và phủ đều mặt đất, có thể rải thêm một lớp nấm Trichoderma lên lớp cỏ để đẩy nhanh tốc độ phân hủy hữu cơ.
Qua bài viết này, hy vọng bà con sẽ giữ lại cỏ cho khu vườn của mình và quản lý đúng cách để mang lại hiệu quả tối đa.