Lời dẫn của người dịch
Nhắc đến vườn, nhiều người có thể sẽ hình dung tới những khu vườn được chăm bón, tỉa tót, và dọn dẹp sạch sẽ. Ngay như ngôi trường mẫu giáo nơi con gái tôi theo học, hàng ngày, các cô giáo quét dọn lá khô rơi trên thảm cỏ ở vườn trường, và thay vì phủ những lá khô này lên xung quanh các gốc cây lớn, các cô sẽ cho chúng vào thùng rác.
Thế nào là một khu vườn đẹp?
Chúng ta vẫn thường mường tượng những khu vườn “đẹp”. Xác thực vật nếu vương vãi trong vườn có thể sẽ bị coi là “rác”, và chúng ta sẽ nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước, dọn sạch vườn mỗi ngày. Các loại rác hữu cơ từ sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, như phần bỏ đi của rau củ quả sống, vỏ trái cây…, đa phần cũng bị cho vào xe rác.
Cây cối trong vườn thường được phân khu để gieo trồng; chỗ này là các luống cải, chỗ kia dành cho cà chua, bên này chỉ gieo hạt rau mầm, phía bên kia dành cho rau thơm các loại,… Khu vực cây ăn trái cũng thường được tách riêng. Ở các lối đi, đất thường bị nén chặt dưới chân và phơi trần dưới ánh nắng mặt trời. Nếu có sâu bọ, bệnh dịch, chúng ta sẽ cố gắng xử lý hoặc bằng cách bắt/nhặt sâu, cắt bỏ những cành/cây nhiễm bệnh, hoặc phun thuốc xử lý. Cỏ dại nếu mọc lên, chúng ta sẽ nhổ diệt cỏ, để dành dinh dưỡng từ đất nuôi cây.
Có những khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng nhằm tạo hình khối mỹ thuật, cây cối sẽ được tỉa theo hình thù định sẵn, các lối đi lát đá, tịnh không thấy một chiếc lá khô hoặc xác thực vật nào rơi rớt trong vườn.
Mỗi mảnh vườn là một khu rừng bất kể diện tích thế nào
Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta sẽ không đi sâu vào khía cạnh này. Chúng ta sẽ tập trung vào một khu vườn nhà bình thường, khi bạn có một mảnh đất từ vài chục mét vuông tới vài trăm mét vuông dành để trồng trọt, hoặc ngay cả khi bạn chỉ có một khoảng sân thượng với những chiếc thùng xốp đổ đầy đất để trồng cây. Hay “giàu có” hơn, bạn có hẳn một khu vườn từ vài ngàn mét vuông, tới vài hecta hay vài trăm, vài ngàn hecta.
Trong quan điểm hình tượng của tôi trước kia về một khu vườn, nó hẳn phải tinh tươm, gọn gàng, sạch sẽ, và phân bổ một cách “khoa học” các luống/khu trồng trọt với từng chủng loại cây trồng (khoa học theo cách nghĩ của tôi tại thời điểm đó). Chắc chắn tôi đã không có khái niệm về một khu vườn với cỏ mọc um tùm chen lẫn rau củ hoa trái, hay một khu vườn mà hạt giống rau ăn lá, củ ngắn ngày lại được gieo cùng luống với các cây lâu năm,…
Nhưng khi biết đến và được tiếp cận với mô hình Vườn rừng theo phương pháp Nông nghiệp bảo toàn năng lượng (syntropic farming) của Ernst, tôi mới hiểu hóa ra khoa học của tự nhiên chẳng giống như khoa học theo cách tôi nghĩ. Khoa học của tự nhiên đã tiến hóa đầy phức tạp nhưng tinh tế tới mức đơn giản một cách đáng ngạc nhiên. Giờ tôi mới bắt đầu lờ mờ hiểu được câu nói “Simplicity is the ultimate sophistication” (Giản đơn là sự tinh tế đỉnh cao). Chúng ta chẳng cần làm gì cả, chỉ cần biết cách hòa mình vào dòng chảy tự nhiên.
Nông trại Syntropic của Ernst Götsch và khái niệm về Vườn rừng
Làm nông yên bình
Trong suốt hơn 40 năm qua, Ernst Gotsch đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn và phát triển hàng trăm “khu rừng thực phẩm” (food forest), những khu vườn rừng, những “kỳ quan” thật sự. Điều đặc biệt trong cách làm của Ernst là ông thực hiện những việc này mà không cần tới bất kỳ cuộc chiến nào, như cách chúng ta vẫn hay nói “cuộc chiến với sâu bệnh”. Cách làm của Ernst đúng như ông nói “Làm nông yên bình”.
Chúng ta không cần phải chiến đấu với sâu bệnh, côn trùng, nấm, hay vi khuẩn, bởi vì thực chất chúng không phải là kẻ thù của chúng ta. Trên thực tế, tất cả các thực thể sống cùng tiến hóa với rừng, là một phần của rừng, và chúng xuất hiện để cùng mở đường đến với Rừng.
“điều gì mỗi thực thể sống kia đang làm tốt”
Một trong những nguyên tắc của Ernst liên quan trực tiếp tới những thực thể sống này. Khi chúng ta tới thăm một khu rừng và nhìn thấy những thực thể sống này đang hoạt động, trước khi cái mong muốn dễ hiểu thường thấy là xua đuổi, tiêu diệt chúng bằng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm… kịp xuất hiện, chúng ta hãy hỏi xem “điều gì mỗi thực thể sống kia đang làm tốt”, vì chúng biết rõ nhất những gì chúng đang làm trong hàng ngàn năm qua, nhờ đó chúng tạo được mối gắn kết sâu sắc với nhau và với môi trường.
Chúng ta cũng có thể hỏi xem nên trồng gì và chăn nuôi gì ở một địa điểm đã định sẵn. Người viết dẫn một ví dụ của chính mình. Anh đã trồng trọt ở một khu vực đất đai thoái hóa nghiêm trọng, đất bị nén chặt và các tổ mối ở khắp nơi. Hai loại cỏ anh gieo trồng đều không thể sống được (một loại tương tự cỏ lau tím và một loại tương tự cỏ chọi gà).
Anh cũng trồng nhiều loại cây, và anh nhận ra rằng mối là những người kiểm xét thực sự việc trồng trọt của anh: Khi anh tập trung các nguồn lực tại chỗ (cỏ, cành lá cây từ việc cắt tỉa và những cây bụi mọc lên ở đó), chúng đã thúc đẩy độ phì nhiêu của đất. Lớp thực vật phủ lên và bảo vệ đất, điều này giúp trữ nước – một tác nhân quan trọng giúp hòa tan các chất dinh dưỡng từ lớp sinh khối phủ trên đất.
“thúc đẩy sự sống”
Với quá trình đó, mối tự nguyện rời khỏi khu trồng trọt của anh, vì những gì anh đang làm là thúc đẩy sự sống. Nếu như anh bỏ bê lớp phủ, thì mối sẽ ăn các vỏ cây. Khó tin, nhưng đúng là mối và anh đang cùng làm một việc giống nhau, là tập trung các nguồn lực, độ phì nhiêu của đất quanh các tổ mối được nhìn thấy rõ, các bụi cỏ ở những nơi này mọc cao hơn và xanh hơn.
Gần đây, anh thử gieo lúa mì cùng với hai loại cỏ khác (giống cỏ tương tự cỏ sả). Ở khu vực gieo hạt lúa mì, anh đã dỡ đi một tổ mối lớn. Và ngay tại vị trí đó, lúa mì lên đẹp và khoẻ nhất, với những chiếc lá to gần như gấp đôi lá của số cỏ còn lại, và màu xanh cũng thẫm hơn ở những chỗ chứa hạt. Khi chúng ta thực sự gỡ bỏ lăng kính về sự chết chóc và tàn phá, và làm việc để thúc đẩy sự sống, thì tất cả các loài sẽ cùng đóng góp cho thành công của chúng ta, vì thành công của chúng ta cũng là của loài và ngược lại.
Hãy nhắm mắt và tưởng tượng
Nguyên tắc đơn giản nhưng không dễ đối với người làm nông nghiệp hiện nay. Cùng nhìn vào bức tranh chụp một trong những khu vườn rừng của Ernst để thấy sức sống mạnh mẽ của các loại cây trồng, để thấy khu vực này đã chuyển mình ra sao. Khu vườn này trước kia là một vườn độc canh hữu cơ cây lấy múi (cam/chanh/bưởi/quýt,…) với 57 lần phun thuốc hàng năm để kiểm soát sâu bệnh.
Chỉ với vài thay đổi nhỏ, nhưng mang lại chuyển biến lớn. Ernst đã trồng bạch đàn ở tầng thượng, cỏ sả ở tầng trung/thấp, và chuối ở tầng cao – tạo nên cảnh quan mới cùng với các loại cây có múi.
Hãy nhắm mắt và tưởng tượng bạn đang ngồi trong khu vườn này, vẻ đẹp của nó chắc chắn vượt qua tính đơn điệu của một khu vườn độc canh. Sức mạnh tổng hợp của sự kết hợp này mang đến “nét thanh lịch” như bạn có thể nhìn thấy. Một khu vườn rừng vươn dậy, và khi bạn có thể hiểu được, chắc chắn bạn sẽ mong muốn được ngắm nhìn khu vườn như vậy mỗi sáng.
Mỗi vùng và mỗi thực tế có một đặc thù riêng
Một ví dụ khác, cũng từ chính kinh nghiệm của tác giả. Anh đã sao chép công thức của Ernst. Hai năm trước, anh đã trồng một tổ hợp như hình ảnh trên. Kết quả là: cỏ sả không thể lên nổi, vì cỏ sả cần chất đất phì nhiêu hơn nhiều so với chất đất hiện tại của anh. Lẽ ra anh đã có thể trồng cỏ andropgon, một loại tương tự cỏ sả, vốn mọc rất nhiều dọc các con đường cao tốc. Nhưng anh đã quá say mê với bức tranh mà anh hằng mơ ước. Điều tương tự cũng xảy đến với những cây chuối, chúng khô héo và chết vì thiếu nước, vì chất đất kém phì nhiêu và gió lớn.
Mỗi vùng và mỗi thực tế có một đặc thù riêng. Khu đất của anh vẫn có độ nén cao vì anh đã trồng trên một diện tích lớn hơn nhiều so với những gì anh có thể xử lý. Trong số các loại cây có múi anh trồng, chỉ có chanh là sinh trưởng tương đối tốt.
Cần phải hiểu về Nông Lâm kết hợp
Nhìn lại, anh bắt đầu tự hỏi: mỗi một loại cây trên mảnh đất này đến từ đâu? Nguồn gốc của chúng ở nơi nào? Bạch đàn đến từ Úc, cam đến từ Trung Quốc, cỏ sả từ Phi châu, và chuối đến từ những vùng nhiệt đới. Kết hợp các loài này trong một tổ hợp không đơn thuần chỉ là trồng chúng gần nhau. Ernst có nói: 5% nằm ở việc bắt tay triển khai, và 95% nằm ở việc quản lý vận hành.
Anh sau đó đã phát hiện ra rằng, để giúp các loại cây có múi phát triển mạnh, anh lẽ ra đã phải cắt tỉa chuối quyết liệt ngay từ đầu. Hoặc là, lẽ ra anh đã không nên trồng chuối ở một nơi quá khô và trồng quá sớm trong hệ thống như vậy, khi đất vẫn còn rất nghèo. Anh lẽ ra cũng đã nên cắt tỉa bạch đàn quyết liệt hơn và thường xuyên hơn để giúp cây có múi sinh trưởng tốt hơn.
Tổ hợp những cây trồng từ các quần xã sinh vật khác nhau, châu lục khác nhau, là chìa khóa để chúng ta xây dựng những khu vườn rừng. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rõ chúng, nơi chúng ta định trồng chúng, và trên hết, cần phải hiểu về Nông Lâm kết hợp. Chúng ta học từ những sai lầm của mình, cũng như từ sai lầm và thành công của người khác.
Làm thế nào để mắc ít lỗi hơn?
Hai năm trước, tác giả nhận được rất nhiều hạt giống mangaba (Hancornia speciosa – một loại cây cao su nhỏ cao khoảng 7m, có trái tương tự trái ô mai ăn được, giống bản địa của Brazil). Anh đã chọn khu vực đất thoái hoá nhất và gieo 8-15 hạt cùng nhau, đào lỗ gieo hạt chỉ chút xíu bằng mũi con dao rựa ở nhiều chỗ, và không phủ gì lên trên. Anh chỉ gieo hạt vào đầu mùa mưa. Gần đây, khi đến thăm lại, anh thấy kết quả thật tuyệt vời. Có rất nhiều nhóm 2,4,5,8 cây con đã cao tới 50cm, sinh trưởng tốt, lá xanh, ngay trong đỉnh điểm hạn hán, và ở vùng đất mà không có loài cây nào có thể mọc.
Một nguyên tắc của Masanobu Fukuoka “Không làm gì cả”, hoặc của Lão Tử “Mọi thứ đang được thực hiện”. Những cố gắng để trồng chuối và cam – là những bài học tác giả học được từ thực hành: một trong những con đường đến thành công là tối đa hóa các loài cây bản địa, và kết hợp chúng với những cây trồng mang lại nguồn thu chính của chúng ta.
Nếu làm được vậy, chúng ta sẽ có đủ sinh khối (từ hoạt động cắt tỉa) để che phủ đất. Điều này giúp việc quản lý vận hành của chúng ta nhẹ nhàng hơn, ít phải lấy nguồn lực từ bên ngoài, và đồng thời, qua thời gian, chất đất được cải thiện rõ rệt. Và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể bạo dạn trồng những loài cây trồng có đòi hỏi khắt khe nhất.
Hãy tiếp tục trồng cây và mơ về tương lai
Ngày nay, chúng ta có một “công nghệ” được gọi là Syntropic Farming (Nông nghiệp tương hợp bảo toàn năng lượng) để tạo nên những khu vườn rừng “đẹp nhất mọi thời đại” , kỳ quan của các kỳ quan. Chúng ta còn một bước nữa, một bước nhỏ từ thiên đường đã mất. Giờ thì tác giả hiểu được điều mà Ernst đã nói với anh 25 năm trước: “Bạn phải hiểu về thực vật, về cây trồng”. Hãy tiếp tục trồng cây và mơ về tương lai.
Những cây cao su Hancornia speciosa đầy trái, những cây đào lộn hột đang trổ bông, những cây dâu tây đang nhú mầm, những cây dâu mới gieo hạt, tất cả được trồng với mật độ dày đặc, cùng với những cây thùa (agaves – cây lá gần giống lá dứa), những cây thân gỗ jatoba,… Điều tuyệt vời là không dùng tới phân bón, chỉ phủ lên đất sinh khối từ những thân/cành được cắt tỉa, từ đó giúp thúc đẩy nhanh sự tiếp nối của loài, và liên tục làm giàu cho đất.
Càng hiểu rõ về vai trò thực sự của sự sống quanh mình, chúng ta càng có nhiều trợ giúp để khôi phục lại Trái đất. Một hành trình không chỉ đáng ngưỡng mộ, ngạc nhiên, mà còn rất vĩ đại khi trả lại cho hành tinh này những khu rừng, gieo đúng hạt đúng nơi, đơn giản tới mức không cần nỗ lực gì, không cần đầu vào, chỉ cần giúp dòng chảy của những gì đã chảy – Làm Nông Yên Bình.
Bài viết chia sẻ của tác giả Do Le Kim Hue