Mô hình nông nghiệp tuần hoàn và những sai lầm

Chuyện cũ

Năm 2015 – 2016, tôi thí điểm mô hình farm nội bộ với cái tên “Cùng nhau nuôi lợn, thả gà” và viết thành một dự án nhỏ.

Tóm tắt là cùng nhau chăn nuôi, trồng trọt. Sống thì đem chia, chết thì đem chôn. Mô hình khá ổn về mặt lý luận, nhưng vào thực tế thì cái giá phải trả là một sự thất bại lên đến tiền tỷ (Hồi đó suýt nữa đi ăn mày các bạn ạ). Rất may, chúng tôi chủ động kiểm soát rủi ro nên đó là bài học kinh nghiệm rất lớn mà tôi sẽ chia sẻ sau đây.

1. Tổng quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Hình vẽ tôi đính kèm bên dưới chính là mô hình tuần hoàn, khép kín, kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt. Hình vẽ này tôi vẽ 2015, đã lỗi thời. Trong đó, vi sinh IMO và giun quế là hai chìa khóa then chốt.

Nhìn sơ đồ và vận hành mô hình, khá lý tưởng. Nhưng có lẽ chỉ phù hợp với một nhóm “quý tộc” chứ nông dân làm thì khó có lãi. Và tôi sẽ kể cho các bạn nghe những rủi ro và giải pháp để hoàn thiện mô hình này.

mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín, kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt.

2. Những rủi ro khi thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn

2.1 Con người 

Người tôi vô cùng tin tưởng, là một thanh niên nông thôn chịu trách nhiệm sản xuất, chủ farm ban đầu rất ổn. Bởi nhóm chúng tôi tập trung toàn trí thức, gia đình khá giả, có vị thế xã hội.

Nhưng với 300 con gà, cậu ấy cấp cho chúng tôi 500 trứng một ngày.

Hỏi ở đâu ra, cậu ấy bảo lấy thêm của bà cô!

Uy tín của cá nhân tôi rất may là chỉ ảnh hưởng cục bộ. Sau đó tôi phải gọi điện xin lỗi từng bạn bè vì lý do đó, và đau lòng đóng cửa farm, dù đã dồn rất nhiều tiền bạc, công sức và quan trọng nhất là niềm tin vào đó.

2.2  Chi phí giao vận quá cao 

Ngày đó, 30 gia đình hàng ngày ăn rau, và chưa có grab. Tiền ship từ farm tới từng nhà là 30K/đơn. Mỗi tháng mất 9 triệu tiền giao vận cho mấy mớ rau!

Bài học rút ra là logistics và không có sản phẩm chế biến.

2.3 Chi phí đầu tư ban đầu quá lớn

Tiền mua giun quế là tiền triệu. Không biết cách nuôi trong đất, tốn kém tiền nhập phân bò.

Tiền thuê đất theo năm, không tách ra phần đóng góp của chủ đất. Tiền giống gà, lợn cao, thiếu trách nhiệm chăm nuôi nên chết rồi lại thay.

Vi sinh tự làm, nhưng người làm ẩu, đựng vào bình không sạch, hỏng hàng khối.

Rào vườn bằng vật liệu xây dựng, hồi đó chưa nghĩ ra cách làm hàng rào thực vật.

Một tính toán sai lầm là trả giá bằng tiền mặt và thời gian.

Sai lầm lớn nhất là tư duy máy móc, không linh hoạt và chủ động.

2.4 Sai lầm lớn nhất – vòng quay tuần hoàn quá lớn.

Nuôi giun phức tạp, tốn kém nhân công.

Rau thừa, cây cỏ làm phân nhưng lại ủ đống, mất công đi rải.

Nuôi lợn, chăm như chăm trẻ con, không biết tự cho lợn kiếm sống. Gà cũng vậy.

Phân bón không biết dùng cây tích lũy Nito, trông vào nguồn phân gà, lợn ủ vi sinh, lại mất công đi rải.

sai lầm của mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Thức ăn chăn nuôi ra được công thức đầy đủ dinh dưỡng nhưng không biết cách làm ra rẻ nhất.

Cứ mỗi hạng mục là một tiểu dự án.

Đó là chưa tính các chuyên gia, cố vấn luôn giấu nghề, chăm chăm bán công nghệ với giá trên trời…

Cũng may, bên tôi có những người bạn tử tế. Họ tin vào con người tôi và ủng hộ đến cùng.

2.5 Sai lầm quan trọng nhất – lòng tham và ý chí nhân tạo.

Đó là thiếu tôn trọng tự nhiên, thiếu quan sát tự nhiên để theo đuổi năng suất, sản lượng.

3. Giải pháp – vòng tuần hoàn hẹp và sự chủ động của vật nuôi, cây trồng

Những câu hỏi:

  • Tại sao phải cho gà ăn khi chúng tự kiếm sống được?
  • Tại sao phải ủ đống phân rồi lại mất công đi rải?
  • Có cách nào phỏng tự nhiên để dồi dào nguồn thức ăn cho vật nuôi, cây trồng?
  • Xung quanh có tài nguyên gì, sao phải phụ thuộc vào nguồn phân bò nuôi giun, phân gà, lợn trồng cây?
  • Có cách nào người tiêu dùng chủ động đến vườn thu hoạch?
  • Làm thế nào để việc chế biến trở thành nguồn thu chính, không bán sản phẩm tươi sống?
  • Có cách nào trồng rau mà chỉ việc vãi hạt, không chăm bón?

3.2. Các tổ hợp vòng quay sinh học nhỏ, hiệu quả, giảm thiểu nhân công

A. Đậu xanh + (Bèo cải – Ốc) + Vi sinh + Rau

Tạo ra tổ hợp rau che phủ, giàu dinh dưỡng từ đất xốp, phân bón thoải mái. Không mất nhiều nhân công chăm sóc.

B. Kê (đậu, vừng) + Vi sinh + Gà. Có thể thêm Giun nuôi trong đất, phủ luống bèo. Gà tự kiếm sống.

C. Lợn + Thức ăn độn tự trồng sinh khối lớn (Đậu xanh, Kê, Cây ngô thu non ủ chua) + Đạm (ốc từ tổ hợp Nước – Bèo – Ốc)

D. Cây ăn trái + Phong Lan + Vi sinh và giá thể rơm, xác thực vật.

E. Cây ăn trái – Thảm lương thực (Kê, Vừng, Đậu Xanh) và Gà

F. Cây ăn trái – Dược liệu dưới tán – Vi sinh và phân bón vĩnh cửu (Nước – bèo – ốc)

G. Du lịch và trải nghiệm với Nông nghiệp Lười và Nông nghiệp Đẹp.

H. Vườn dược liệu và Mỹ phẩm thảo dược.

Bài viết của tác giả Hoàng Công

Xem thêm bài viết ? So sánh đất tốt, đất xấu và cách để cải tạo đất tốt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh