Masanobu Fukuoka Là ai?

Masanobu fukuoka (1913 – 2008) là một nông dân và triết gia người Nhật đến từ đảo Shikoku. Kỹ thuật làm nông tự nhiên của ông không cần đến máy móc hay nhiên liệu hóa thạch, không cần tới hóa chất, chẳng cần ủ phân, và rất ít phải làm cỏ. Trong những ruộng lúa của mình, ông Fukuoka đã không cày đất hay giữ nước lại suốt vụ – như cách người nông dân vẫn làm từ hàng thế kỷ ở châu Á và trên khắp thế giới.

Masanobu Fukuoka là lão nông độc đáo người Nhật Bản
Masanobu Fukuoka là một nông dân và triết gia người Nhật Bản

Ấy vậy mà ông Fukuoka vẫn thu được sản lượng ngang bằng hoặc hơn so với hầu hết các nông trại có năng suất cao ở Nhật. Phương pháp của ông không gây ô nhiễm, và sự màu mỡ trên những cánh đồng của ông được cải thiện cùng với mỗi mùa trồng trọt.

Cuốn đầu tiên trong số các cuốn sách được chuyển ngữ sang tiếng Anh của ông Fukuoka là cuốn Cuộc cách mạng một-cọng-rơm: Giới thiệu về làm nông tự nhiên. Trong cuốn sách, ông đã kể về hành trình làm nông, trình bày khái quát về triết lý và các kỹ thuật làm nông của mình. Ông cũng đã đưa ra quan điểm về những thứ như chế độ ăn, nền kinh tế, chính trị và con đường đáng buồn mà nhân loại đã chọn đi theo – bằng cách tách bản thân nó ra khỏi tự nhiên.

Trong cuốn sách chuyển ngữ sang tiếng Anh tiếp theo của mình, Cách thức làm nông tự nhiên (Nhà xuất bản Nhật Bản, 1985), ông Fukuoka đưa ra chi tiết về việc các kỹ thuật làm nông của mình đã tiến triển như thế nào qua nhiều năm. Cuốn sách này chủ yếu là về thực hành, và dù đã không có được lượng độc giả rộng khắp như cuốn Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, nó vẫn rất đáng đọc, đặc biệt là với những ai quan tâm tới việc đưa những phương pháp làm nông tự nhiên của ông Fukuoka vào thực hành trên mảnh đất của chính mình.

Masanobu Fukuoka có 2 cuốn sách nổi tiếng
Hai cuốn sách nổi tiếng của Masanobu Fukuoka

Trong cuốn sách hiện tại, Gieo mầm trên sa mạc, ông Fukuoka trình bày triết lý của mình dưới dạng chi tiết và đưa ra kế hoạch sử dụng cách làm nông tự nhiên để tái lập thảm thực vật cho các sa mạc trên thế giới. Đây là công trình cuối cùng của ông, và xét về nhiều mặt, nó là công trình quan trọng nhất.

Masanobu Fukuoka lớn lên ở một ngôi làng nhỏ trên đảo Shikoku, nơi gia tộc của ông đã sinh sống hàng trăm năm. Hồi nhỏ ông làm lụng trên ruộng lúa và vườn cam của nông trại gia đình. Ông Fukuoka đã theo học trường Cao đẳng Nông nghiệp Gifu gần Nagoya, ở đó ông nghiên cứu về bệnh học cây trồng dưới sự truyền dạy của nhà khoa học Makato Hiura lỗi lạc, và cuối cùng thì nhận việc tại Văn phòng Hải quan Nông nghiệp ở Yokohama.

Nhiệm vụ chính yếu của ông là thẩm duyệt những cây trồng được nhập vào Nhật Bản xem có bệnh hay mang theo côn trùng gì không. Vào những lúc không kiểm tra cây, ông dành thời giờ để làm nghiên cứu, và như sau này nhớ lại, ông “đã thấy rất sửng sốt trước thế giới của tự nhiên được hiển lộ qua kính hiển vi”.

Sau ba năm làm việc tại đó, ông phát bệnh viêm phổi và suýt chết. Ngay cả sau khi đã hồi phục, ông vẫn bỏ ra hàng giờ liền đi lang thang trên những triền đồi suy ngẫm về ý nghĩa của sự sống và cái chết. Sau một trong những đêm đơn độc, đi lang thang suốt cả đêm như thế, ông ngã quỵ xuống gần một cái cây trên đỉnh con dốc nhìn xuống bến tàu. Ông tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng kêu của một con diệc, và đã có một mặc khải làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi.

Theo như cách ông miêu tả, “Chỉ trong một khoảnh khắc, toàn bộ những nghi ngờ và cơn mù mịt ảm đạm của tôi đã tiêu biến. Mọi điều mà tôi đã từng tin chắc, mà tôi vẫn thường dựa vào đã bị quét đi cùng với gió… Tôi cảm thấy đây đích thực là thiên đường trên trái đất, và cái gì đấy có thể gọi là ‘bản lai diện mục’ 1 đã hiển lộ”.

Ông Fukuoka đã cố gắng giải thích những ý tưởng của mình cho các đồng nghiệp và thậm chí là cả những người ông gặp ở trên đường, nhưng đều bị gạt đi, bị coi là kẻ lập dị. Đấy là vào những năm 1930, khi mà khoa học và công nghệ đang trên đà kiến tạo một xã hội thừa mứa và rảnh rang. Và vì thế, ông quyết định bỏ việc và quay trở về nông trại gia đình để áp dụng hiểu biết của mình vào nông nghiệp. Mục đích của ông là tạo nên một ví dụ thể hiện cách nghĩ của ông, và qua đó, cho thế giới thấy giá trị tiềm tàng của nó.

Khi ông Fukuoka quay trở về nông trại của gia đình và bắt đầu thực hành nông nghiệp tự nhiên, ông muốn chứng minh cách suy nghĩ của mình có thể giúp ích cho đời. Sau hai mươi lăm năm, sản lượng của những cánh đồng lúa không giữ cho ngập nước của ông Fukuoka đã bằng hoặc vượt các nông trại hàng đầu về năng suất của Nhật Bản. Ông cũng trồng một vụ lúa mạch vào mùa đông trên cùng những cánh đồng trồng lúa gạo, và gửi bán gần chín mươi tấn quýt mỗi năm, chủ yếu là tới Tokyo, nơi mà nhiều người trước đó chưa từng được nếm thực phẩm trồng tự nhiên.

Masanobu Fukuoka theo đuổi nông nghiệp tự nhiên
Masanobu Fukuoka đem đến triết lý sâu sắc về nông nghiệp

Với thế giới quan của ông Fukuoka như thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi cách làm nông tự nhiên của ông và kế hoạch mà ông cổ vũ nhằm phủ cây cho các sa mạc trên thế giới lại có vẻ đi ngược lại kiến thức chính thống và cách suy nghĩ khoa học hiện nay đến vậy.

Đấy là một kế sách thực sự có tầm nhìn và sáng tạo mà ông tin rằng sẽ trả loài người về mối quan hệ đúng đắn với tự nhiên và chữa lành sự hoang mang đau khổ trong trái tim con người. Mục tiêu của ông không gì khác hơn là tái tạo vườn Địa đàng, nơi người ta sống cùng nhau trong thịnh vượng, tự do và an bình.

Nguồn: Sưu tầm

Đọc thêm: Vườn táo thần kỳ hoàn toàn không hóa chất của ông Kimura

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh