Cỏ dại từ lâu luôn được xem là một tác nhân gây cản trở cho sự phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, nếu bạn lựa chọn làm vườn theo xu hướng thuận tự nhiên, thì bạn sẽ trở nên yêu cỏ và coi chúng như bạn của cây trồng. Vấn đề lớn nhất là làm sao để quản lý cỏ hiệu quả và tận dụng tối đa những lợi ích từ cỏ dại.
Trong tự nhiên, cỏ dại đóng vai trò rất quan trọng và lý thú. Chúng là loài có sức sống mãnh liệt nhất trong thế giới thực vật. Và bạn đã bao giờ tự hỏi rằng vì sao lại xuất hiện cỏ dại và vai trò của chúng là gì?
Việc quản lý cỏ dại sẽ dễ dàng hơn khi bạn thật sự biết lắng nghe và hiểu về bản chất, cơ chế hoạt động của cỏ dại.
Nội dung bài viết
1, Hiểu về bản chất và cơ chế hoạt động của cỏ
Sự hiện diện của cỏ dại chính là sự phản ánh tình trạng của đất trồng, tình trạng của đất thế nào sẽ sinh ra loại cỏ tương ứng. Hay nói cách khác, nếu biết quan sát cỏ, chúng ta sẽ đọc vị được loại đất trồng.
Về cơ bản, cỏ được phân thành hai loại: cỏ lá rộng và cỏ lá kim.
Vậy khi nào thì đất xuất hiện có lá rộng? Khi nào có cỏ lá kim?
Cỏ và đất có mối quan hệ rất khăng khít. Cơ chế của cỏ là bù lấp những gì mà đất đang thiếu hụt. Ở nền đất bị nén, sẽ mọc lên các loại cỏ làm tơi xốp đất (cỏ lá kim). Ở nền đất tơi xốp, sẽ mọc lên các loại cỏ có khả năng kết dính đất (cỏ lá rộng). Đất thiếu kali, nitơ sẽ mọc lên các loại cỏ có khả năng bổ sung nitơ, kali cho đất…
Một ví dụ điển hình về loài cỏ tranh (cỏ lá kim). Cỏ tranh chỉ mọc trên những nền đất rất xấu, bị chai nén, khó canh tác. Người làm dù mất rất nhiều công sức để nhổ bỏ, đào rễ, gốc… nhưng sẽ vẫn không thể xử lý được loài cỏ này, nếu như không có động thái cải tạo chất đất.
Và khi đất được chuyển hóa đặc tính khác đi, các loại cỏ này sẽ mất đi, nhường chỗ cho các loại cỏ khác.
2, Quản lý cỏ dựa trên bản chất và cơ chế hoạt động
Khi chúng ta hiểu được bản chất và cơ chế hoạt động của cỏ, chúng ta có thể chủ động làm tăng nhanh tốc độ chuyển hóa đặc tính của đất. Đó chính là việc quản lý cỏ hiệu quả.
2.1: Quản lý các loại cỏ lá kim.
Cỏ lá kim được coi là các loài cỏ tiên phong. Đặc tính của chúng là xuất hiện trên những nền đất khô cằn, nén dẽ, chai cứng, nghèo dinh dưỡng, hạn hán, ngập lụt… Với một sứ mệnh là phục hồi đất ở những khu vực đó.
Vậy nếu trong vườn xuất hiện nhiều cỏ lá kim hơn các cỏ lá rộng, chứng tỏ đất đang cần cải thiện về độ tơi xốp và dinh dưỡng.
Việc cần làm:
- Giữ cho lớp cỏ trên mặt đất càng dày càng tốt, để tận dụng thật nhiều mũi khoan sinh học xuyên thủng đất (rễ cỏ).
- Bổ sung tăng lượng hữu cơ cho đất: phân chuồng, tàn dư thực vật, …
- Bổ sung vi sinh có lợi vào đất để tăng tốc độ cải tạo đất.
- Chủ động trồng xen các loại cỏ lá rộng và các loại cỏ có khả năng cải tạo đất như muồng vàng, muồng đen, xuyến chi, lạc dại, các loại cây họ đậu…
- Trồng một số loại cây có khả năng che phủ, điển hình là chuối. Vì cỏ lá kim đa phần ưa nắng, sáng. Khi các loài che phủ phát triển mạnh, che đi ánh sáng mạnh và giữ độ ẩm cao trong vườn, sẽ hạn chế tốc độ phát triển của cỏ lá kim.
2.2: Quản lý các loại cỏ lá rộng.
Cỏ lá rộng xuất hiện nhiều, chứng tỏ nền đất trong vườn đang rất tốt: ẩm, mát, và có độ tơi xốp. Đó là dấu hiệu rất đáng mừng.
Các loại cỏ lá rộng đa phần có bộ rễ chùm. Rễ chùm có khả năng làm đất kết dính chặt chẽ hơn, giúp cây trồng bám chặt hơn trong đất. Đồng thời chúng giúp giữ được phù sa, hạn chế sự xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng trong đất sau mỗi trận mưa.
Việc cần làm:
- Cắt tỉa khi cỏ lên cao quá đầu gối, nên cắt cỏ cách gốc 15 – 20 cm để không làm ảnh hưởng lớp che phủ tự nhiên. Cắt ngắn và phủ lại tại chỗ để thu lại những dinh dưỡng mà cỏ lấy từ đất trước đó.
- Làm sạch cỏ xung quanh gốc cây – để hở gốc cây từ 15 – 20cm. Để tránh bị nấm bệnh, sâu phát triển gây hại phần gốc cây.
- Trồng xen canh cỏ Vetiver theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng. Vì nền đất tơi xốp rất dễ bị rửa trôi.
2.3: Quản lý cỏ khi trồng rau màu.
Đối với các vườn cây ăn trái, việc giữ cỏ trong vườn mang lại rất nhiều lợi ích. Chỉ cần làm sạch cỏ quanh gốc và cắt tỉa cỏ theo định kì, sau đó tận dụng làm phân bón và che phủ luôn.
Còn đối với rau màu, chúng ta phải quản lý cỏ theo cách khác. Biện pháp hữu hiệu nhất là che phủ đất để cỏ không mọc được.
Cách làm:
- Bước 1: Cắt hết cỏ, cắt sát gốc.
- Bước 2: Phay qua đất lần một và dải đều phân trâu bò khắp mặt đất.
- Bước 3: Phay lại đất để trộn đều phân vào đất.
- Bước 4: Lên luống trồng và che phủ bằng rơm rạ.
Lưu ý lớp che phủ cần dày khoảng 5cm thì mới ngăn cỏ dại hiệu quả. Không để rơm quá sát gốc cây rau màu (dễ bị nấm bệnh do ẩm cao).
Như vậy, để quản lý cỏ hiệu quả, cần hiểu về bản chất và đặc tính của các loại cỏ. Và lựa chọn cách quản lý cỏ phù hợp với mô hình canh tác và chủng loại cỏ. Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích, hay chia sẻ với những người bạn làm vườn của mình nhé!
Đọc tiếp: