Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nông sản hữu cơ của người tiêu dùng, người sản xuất cần phải thay đổi cách thức canh tác, mở rộng sản xuất, đặc biệt là sản xuất rau hữu cơ. Để sản xuất được rau hữu cơ chất lượng, người canh tác cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tuyệt đối tuân thủ nhiều quy định.
Để hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, mời các bạn cùng tham khảo bài viết này.
Nội dung bài viết
1. Điều kiện để sản xuất rau hữu cơ
Địa điểm sản xuất rau phải nằm trong vùng sản xuất an toàn. Đất và nước không bị nhiễm hóa chất độc hại, kim loại nặng,…
Địa điểm sản xuất rau không nằm trong vùng chiêm trũng, có khả năng ngập lụt. Không nằm trong các khu công nghiệp.
2. Quy trình sản xuất rau hữu cơ
2.1 Chuẩn bị khu vực canh tác
Cách ly ruộng hữu cơ với các ruộng khác bằng tường bao hay trồng rào chắn cây cỏ. Hay nói một cách khác là phải tạo vùng đệm cách ly với các ruộng sản xuất thông thường. Việc cách ly sẽ giúp không để các hóa chất độc hại từ thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học từ ruộng sản xuất thông thường lây nhiễm sang ruộng hữu cơ.
2.2 Lập kế hoạch sản xuất
Một yêu cầu tất yếu của sản xuất rau hữu cơ là luân canh cây trồng. Người ta nhóm các nhóm rau với nhau: nhóm ăn lá, nhóm củ quả, nhóm họ đậu… rồi lên kế hoạch luân canh quay vòng. Biện pháp này giúp cây trồng tránh được sâu bệnh hại, sử dụng cân bằng hơn dinh dưỡng trong đất.
Bên cạnh đó, xen canh là phương pháp phối kết hợp luôn được áp dụng trong sản xuất rau hữu cơ. Xen canh tạo mối tương hỗ giữa các loại cây trồng khác nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Phân tán nguy cơ tập trung sâu bệnh hại, hạn chế cỏ dại.
Nông dân áp dụng xen cây trồng ngắn ngày với cây dài ngày có chiều cao cây khác nhau để vừa che phủ đất, hạn chế cỏ dại trong khi chờ cây trồng chính giao tán, lại sớm cho thu hoạch. Xen cây có khả năng xua đuổi sâu hỗn hợp với loại cây mẫn cảm với loại sâu đó. Xen cây chịu bóng có bộ rễ phân bố ở các tầng đất khác nhau.
2.3 Chuẩn bị phân bón
Yêu cầu đầu tiên của sản xuất rau hữu cơ là không được phép sử dụng phân bón vô cơ. Để bù đắp dinh dưỡng cho cây, nông dân phải ủ phân hoặc sử dụng những nguồn phân hữu cơ tự nhiên.
Có thể tự ủ phân với nguyên liệu ủ bao gồm:
Phân chuồng như phân gà, phân dê, phân trâu bò. Đây là nguồn cung cấp đạm cho rau. Tuy nhiên, các vật nuôi trên phải được chăn thả tự nhiên, tuyệt đối không được nuôi bằng thức ăn tổng hợp.
Các vật liệu xanh như phụ phẩm lá rau, cây cỏ tươi, cây phân xanh. Nguồn vật liệu này sẽ cung cấp chất khoáng cho rau.
Các loại vật liệu khác như rơm, lá khô. Đây là nguồn vật liệu cung cấp kali cho rau.
Các vật liệu trên phải được trộn đều với nhau và ủ nóng trong khoảng 2 – 3 tháng cho đến khi hoai mục hoàn toàn. Ngoài ra trong quá trình ủ các vi sinh vật hô hấp sẽ tạo ra nhiệt, do đó nhiệt độ bên trong của khối phân ủ có thể lên tới 60oC đến 70oC tùy từng giai đoạn. Chính vì vậy các nguồn sâu bệnh hại sẽ bị tiêu diệt trong quá trình ủ phân, các hạt cỏ dại mất khả năng nảy mầm. Sau khi phân ủ được phân hủy hoàn toàn và không còn mùi hôi mới được dùng đem bón cho đất.
Tuyệt đối cấm sử dụng phân tươi, nước tiểu trong quy định sản xuất rau hữu cơ. Tất cả các nguyên liệu trên phải được ủ nóng trước khi bón vào đất.
2.4 Chuẩn bị nước tưới
Nước tưới trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt trong sản xuất rau là rất quan trọng. Nguồn nước tưới phải đảm bảo không lây nhiễm hóa chất sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trong vùng.
2.5 Phòng trừ sâu bệnh hại khi canh tác rau hữu cơ
Cấm sử dụng thuốc trừ sâu hóa chất trong sản xuất rau hữu cơ. Thay vào đó, người nông dân phải áp dụng các biện pháp phòng trừ sinh học như chiết xuất nước tỏi, gừng, cúc vạn thọ,…
Bên cạnh đó, trồng các cây dẫn dụ hoặc xua đuổi côn trùng cũng phải được áp dụng xung quanh ruộng rau hữu cơ.
Mặt khác, trên những ruộng rau được sản xuất theo con đường hữu cơ cũng có cơ hội cho các loài sinh vật nói chung và thiên địch của sâu hại nói riêng duy trì và phát triển. Với sự đa dạng về thành phần loài sinh vật như vậy thì sẽ có chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn phức tạp.
Từ đó cho phép các sinh vật tự khống chế lẫn nhau nên sẽ hạn chế các tác hại do sâu bệnh gây nên và đảm bảo sự cân bằng sinh thái. Ví dụ: Trồng xen rau cải bắp với cà chua và hoa cúc vạn thọ có thể hạn chế được sâu tơ.
2.6 Trồng và chăm sóc rau hữu cơ
Việc trồng và chăm sóc rau hữu cơ về nguyên tắc không khác với rau thông thường. Tuy nhiên, trồng rau hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động hơn do phải chuẩn bị hết các vật tư sản xuất từ tạo vùng đệm, phân bón, nước tưới đến biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, người dân cũng không được phép dùng thuốc trừ cỏ nên phải làm cỏ hoàn toàn bằng tay.
2.7 Ghi chép sổ sách
Quản lý canh tác hữu cơ đòi hỏi người nông dân phải ghi chép đầy đủ các vật tư đầu vào, các biện pháp tác động, xử lý trong quá trình canh tác. Người nông dân cũng phải ghi chép sản lượng thu hoạch. Các thông tin này cho thấy sự minh bạch trong sản xuất rau hữu cơ, giúp tránh được việc tái sử dụng hóa chất hay trộn hàng từ bên ngoài.
Tham gia Khóa học “Nghệ thuật sử dụng vi sinh” để giải quyết tận gốc tất cả vấn đề mà cây trồng đang gặp phải.
BẤM VÀO LINK ĐĂNG KÝ NGAY 👉 Khóa học “Nghệ Thuật Sử Dụng Vi Sinh