Nội dung bài viết
Vòng rượt đuổi giữa con người và dịch bệnh
Sinh vật hại trong đất hiện đang là yếu tố cản trở lớn đối với sản xuất trên nhiều đối tượng cây trồng đặc biệt là cây ăn quả và cây công nghiệp. Trong khi đó Việt Nam vẫn chưa có những giải pháp quản lý hiệu quả…
Trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Chúng ta thành công trong việc nâng cao sản lượng, xuất khẩu nông sản trước hết là nhờ sự cần cù, sáng tạo của nông dân. Sau đó là vai trò của KH – CN trong đó có giống mới cũng như các biện pháp thâm canh. Chính vì thế năng suất các loại cây trồng tăng ổn định, liên tục trong những năm qua ở mức 2% trên hầu hết các loại cây trồng.
Quá trình tăng năng suất đó phải kể đến một yếu tố là đầu tư thâm canh. Trong đó sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học. Chính vì sử dụng những thứ đó mà gần đây đã tác động đến môi trường sản xuất. Đã có những dấu hiệu của sự phát triển thiếu bền vững.
Nguyên nhân do đâu?
Thứ nhất
Đầu tiên phải kể đến môi trường đất bị suy thoái ở nhiều vùng sản xuất. Ví dụ như Tây Nguyên thấy rõ nhất là độ pH (chua), giảm rất mạnh, bình quân chỉ 4-4,5. Việc giảm pH đất làm cho cây trồng khó hấp thụ dinh dưỡng. Tạo điều kiện thuận lợi để cho nhiều đối tượng gây hại trong đất phát sinh, phát triển; đặc biệt là các nhóm nấm ký sinh.
Thứ hai
Việc lệ thuộc vào sử dụng các thuốc BVTV hóa học. Việc này không chỉ gây tác động tiêu cực nhất định đến môi trường sống, nước ngầm mà còn làm bùng phát các loài sinh vật gây hại, đặc biệt là sinh vật hại trong đất. Đây là nhóm sinh vật gây hại rất khó phát hiện, nông dân chỉ phát hiện được khi cây trồng đã biểu hiện triệu chứng gây hại trên mặt đất, khi đó việc phòng trừ đã quá muộn.
Mặt khác, việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ cũng gặp khó khăn. Vì thuốc khó tiếp xúc được các đối tượng ẩn sâu dưới lòng đất, dễ bị rửa trôi, mất hiệu lực. Khi thuốc mất hiệu lực người nông dân lại càng tăng cường áp lực như tăng số lần sử dụng và lượng thuốc dùng cho mỗi lần.
Đó là nguyên nhân dẫn đến mức độ kháng thuốc và gia tăng mật độ của các đối tượng sinh vật gây hại trong đất. Khi sinh vật càng kháng mạnh thì nông dân lại càng sử dụng nhiều thuốc. Tạo thành vòng luẩn quẩn, đuổi nhau như vậy, khó có lối thoát. Làm cho mức độ phụ thuộc vào thuốc BVTV hóa học ngày càng nhiều hơn.
Thứ ba
Việc chuyển đổi cơ cấu, thay vì trồng các cây ngắn ngày, số lượng thời vụ ít. Thì giờ đang tăng các cây trồng dài ngày, thâm canh liên tục, hệ số quay vòng đất cao.
Vì vậy cây trồng luôn hiện hữu trên đồng ruộng. Tạo môi trường chu chuyển các đối tượng dịch hại và tích lũy mật độ quần thể tốt nhất. Những cây lâu năm như cà phê, hồ tiêu mức độ bị nhiễm vi sinh vật gây hại ngày càng nhiều hơn. Nhất là tuyến trùng và các loại nấm.
Hiện tượng chết nhanh, chết chậm của hồ tiêu; Hiện tượng chết của cà phê trong giai đoạn tái canh; Hiện tượng chết của nhiều loại cây ăn quả như sầu riêng, cam quýt,… Ở ĐBSCL và nhiều tỉnh phía Bắc phần lớn là do sự góp mặt của các sinh vật hại trong đất. Tuy nhiên bà con lại chỉ dùng thuốc để phun lên lá. Nó báo hiệu một điều là chúng ta đã duy trì một đối tượng cây trồng trong thời gian dài. Mà không có sự luân canh hoặc cho đất nghỉ để thay đổi môi trường sống, giải phóng đất để xử lý vi sinh vật gây hại.
Thứ tư
Cuối cùng là chúng ta đang chuyển từ nền sản xuất số lượng sang chất lượng. Nhu cầu sản xuất sạch, an toàn, bền vững là một đòi hỏi nóng. Nếu tiếp tục lệ thuộc vào các giải pháp như hiện nay thì rất khó khăn.
Tóm lại, nông nghiệp hiện nay nổi lên hai vấn đề là sự tích lũy quần thể dịch hại và sự phát sinh của các đối tượng sâu bệnh hại trong đất ngày càng nhiều. Các giải pháp mà chúng ta đang ứng dụng là kém hiệu quả và không bền vững. Rất cần giải pháp thay thế một cách phù hợp, hiệu quả theo hướng chất lượng sản phẩm và môi trường.
Xem thêm bài viết ? So sánh đất tốt, đất xấu và cách để cải tạo đất tốt