Hiểu về nông nghiệp tự nhiên qua “Cuộc cách mạng một cọng rơm”

Trong cộng đồng những người làm nông nghiệp trên mạng, dễ dàng thấy những trao đổi hừng hực máu lửa như trồng cây gì, bón phân gì, nuôi con gì, cho ăn gì để nhanh chóng làm giàu. Nông nghiệp với mục đích làm giàu, tự bản thân nó đẻ ra nhiều thứ phục vụ cho mục đích đó: bài toán đầu tư, bài toán thu hồi vốn, bài toán tiếp thị, đóng gói, phân phối, kinh doanh, tích hợp các kiến thức và sản phẩm của khoa học để nâng cao năng suất, trồng và cho ra sản phẩm nông nghiệp nghịch vụ, giải quyết bài toán sâu hại và bệnh của cây trồng, vật nuôi…

Những ngày gần đây, tôi thường dành chút thời gian rảnh của mình lang thang tìm hiểu về nông nghiệp để chuẩn bị cho một bước chuyển mới trong tương lai. Như mọi thứ khác mà con người đã đặt chân và nhúng tay vào, ngành nông nghiệp đang tiếp tục mở rộng, biến đổi với tốc độ và độ phức tạp không ngừng gia tăng. Động lực chính yếu đằng sau đó là ước muốn khám phá, cải tiến và làm giàu của con người.

Tôi, như một kẻ mới toanh không kiến thức, không trải nghiệm, mém chút nữa là bị lạc hẳn vào trong đó không đường ra. Thật may là trước khi sa chân vào trận đồ bát quái đó, đứa bạn thân tặng cho tôi cuốn sách này.

Cuốn sách với nội dung cực kỳ giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, giúp tôi kịp nhận ra sự vô nghĩa và sai trái của những cách làm nông nghiệp hiện đại; hiểu được chân bản chất của nông nghiệp theo phương pháp tự nhiên và hơn thế nữa, giúp tôi củng cố thêm nhận thức của mình về Thật và Ảo trong cuộc sống; về sự hữu hạn của kiếp người; về sự kỳ lạ trong những nỗ lực ồn ào của loài người liên tục đẩy cuộc sống về hướng này theo hướng kia, mà thật sự chẳng ai biết là để làm gì, để đi tới đâu.

Dù đã đọc cuốn sách hai lần, và sẽ tiếp tục đọc lại thêm vài lần nữa cho đến khi bản thân có thể cảm nhận và thật sự thấm được nó, tôi biết mình sẽ không đủ khả năng và không thể nói gì về nó. Khi đứng trước một điều gì thật sự “Trọn vẹn”, bạn biết mình sẽ chẳng nên làm gì thêm.

Masanobu Fukuoka mất năm 2008. Ông viết cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” năm 1975, năm ông 62 tuổi. Cái tuổi đủ để mọi trải nghiệm, suy ngẫm lắng sâu và kết tinh. Chúng được ông chậm rãi trải ra qua từng chương sách một cách đơn giản, tự nhiên, trong sáng và sâu lắng. Thật đẹp đẽ.

Masanobu Fukuoka tác giả của cuốn sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm" - một cuốn sách về nông nghiệp thuận tự nhiên
Masanobu Fukuoka

Nếu bạn muốn hiểu về bản chất và nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp tự nhiên; “Cuộc cách mạng một cọng rơm” sẽ giúp bạn điều đó. 

Nếu bạn muốn biết cơn lốc nông nghiệp hiện đại ngày này đã đi lạc xa đến mức nào và các nông dân khốn khổ của chúng ta đang bị cuốn vào cơn lốc đó ra sao; “Cuộc cách mạng một cọng rơm” giúp bạn điều đó. 

Nếu bạn muốn biết sự khác biệt giữa chế độ ăn tự nhiên với những thực phẩm phù hợp, lành mạnh cho sự phát triển khoẻ mạnh của con người và những chế độ ăn khiên cưỡng có hại do chạy theo các ham muốn hay hạn hẹp về nhân thức; “Cuộc cách mạng một cọng rơm” giúp bạn điều đó.

Nếu bạn muốn biết con người hiện đại đã xa rời tự nhiên, xa rời nguồn gốc của mình đến mức nào và sự hạn chế của khoa học; cuốn sách này giúp bạn điều đó. 

Và cuối cùng, nếu bạn muốn tìm một cánh cửa mở ra cho bạn con đường giúp phân biệt giữa Thật và Ảo trong thế giới hiện tại; cuốn sách này có thể giúp bạn điều đó.

Khi tặng tôi cuốn sách này, cô bạn thân viết lời đề tặng: “Tặng bạn yêu quý một cuốn sách = một cách sống. Hy vọng bạn cũng yêu cụ Fukuoka như tớ nhé”. Bạn tôi luôn có cách nhận diện mọi thứ trong cuộc sống thật rõ và sâu vào bản chất.

Cuốn sách này không chỉ bàn về nông nghiệp tự nhiên. Nó là một cách sống. Tôi thật sự yêu và muốn sống theo cách đó, dù biết là cực khó khăn. Chẳng phải ai cũng có đủ định lực và may mắn để nhận ra Tánh Không của vạn vật năm 25 tuổi. Chẳng phải ai cũng có đủ sự rõ ràng, kiên định, nghị lực và khả năng để cô độc đi theo một con đường suốt chừng đó năm, đến khi nhắm mắt. Tôi sẽ làm những gì có thể, trong khả năng của mình. 

Để thay cho lời kết bài viết này, tôi xin trích ra đây đoạn thư cuối của cụ Fukuoka gửi bạn đọc trong 2 trang cuối của cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm”. Tôi còn nhớ buổi trưa hôm đó, tôi đã lặng người đi, tim lỗi vài nhịp đập và ứa nước mắt khi đọc những dòng thơ của cụ. Có một con người cô độc và lặng lẽ ngắm nhìn nhân gian như thế. Có một con người mạnh mẽ và thanh thản sống trọn vẹn cuộc đời được trao như thế. Có một điều đẹp đẽ bình dị đã từng tồn tại trên thế giới này như thế.

“Bạn đọc thân mến, 

Chẳng có nơi đâu tốt đẹp hơn thế gian này. Nhiều năm trước đây, tôi nhận ra rằng con người chúng ta thế nào thì cứ như thế ấy là tốt rồi, và thế là tôi chỉ việc tận hưởng cuộc sống của mình. Tôi đã chọn một con đường vô lo quay về với tự nhiên, không bị ràng buộc bởi tri thức và nỗ lực của loài người. Từ đó tới giờ, cuộc đời tôi đã trôi thêm được 50 năm. Tôi có được một số thành công, nhưng có cả những thất bại. Nhiều giấc mơ thời trẻ của tôi vẫn chưa thành. Tôi biết thời gian tôi còn được ở trên thế gian này là có hạn.

Giờ tôi đã nghỉ hưu. Sống trong một túp lều trên núi giữa vườn cam. Tôi đã đóng cửa nông trại, không đón khách thập phương nữa để trân trọng hơn thời gian mình còn lại. Điều tuyệt nhất của việc sống một cuộc đời nghỉ hưu trên núi, tách khỏi những tin tức về thế giới bên ngoài là ở chỗ tôi có được cảm nhận khác về thời gian. Tôi hy vọng rằng, khi thời gian trôi đi, tôi sẽ có thể trải nghiệm một ngày giống như một năm. Khi đó, giống như dân bộ lạc tôi gặp ở Somalia, tôi sẽ chẳng còn biết mình bao nhiêu tuổi nữa.

Những ngày này, tôi cố gắng mình tưởng tượng rằng mình đã một trăm tuổi, hoặc thậm chí 200 tuổi. Tôi hy vọng đến lúc qua đời, tâm trí và thân thể tôi vẫn còn ở tình trạng tốt. Khi xuống ruộng hoặc lên vườn, tôi vẫn thường tự nhủ mình: chớ có hứa hẹn gì cả, hãy quên ngày hôm qua đi, đừng nghĩ về ngày mai, nỗ lực hết mình vào công việc của từng ngày và không để lại dấu vết nào trên trái đất này hết. Với tôi, hạnh phúc đơn giản chỉ là được vui vẻ làm việc trên nông trại của mình, nó chính là vườn Địa Đàng.

Con đường làm nông tự nhiên sẽ vĩnh viễn không bao giờ hoàn thiện. Tự nhiên không bao giờ có thể được thấu hiểu hoặc cải tạo nhờ vào nỗ lực của con người. Cuối cùng thì, để hòa làm một với Thượng Đế, người ta không thể giúp người khác, ngay cả nhận sự giúp đỡ từ họ cũng không. Chúng ta chỉ có thể tự mình đi con đường của mình…”

Bây giờ, cụ đã phiêu du trên những chuyến du hành mới, chẳng biết chốn nào. Chỉ còn một cách sống của cụ là vẫn còn ở lại, cho những người như tôi ngẫm và dõi theo.

Sưu tầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh