Nội dung bài viết
1. Lịch sử sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Từ khi mới bắt đầu trồng trọt, người nông dân chỉ sử dụng các phương pháp có trong tự nhiên. Về sau khi nông nghiệp ngày càng phát triển đã kéo theo dịch hại ngày càng nhiều. Các loại chất độc tự nhiên không thể đáp ứng đủ nhu cầu phòng trừ. Vì vậy con người đã chế tạo ra nhiều chất độc hóa học để làm thuốc trừ dịch hại. Các chất hóa học này có hiệu lực tiêu diệt dịch hại nhanh chóng, giá thành thấp nên ngày càng được sử dụng rộng rãi với số lượng ngày càng lớn.
Việc sử dụng nhiều thuốc hóa học trừ dịch hại cây trồng thời gian qua đã mang lại những lợi ích to lớn đối với sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống con người. Tuy vậy các thuốc hóa học có độ độc cao với con người và các loài sinh vật. Chúng tồn tại lâu trong môi trường nên sau một thời gian dài sử dụng đã dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Ví dụ như làm ô nhiễm môi trường sống, có hại cho sức khỏe con người. Chúng cũng tiêu diệt mất nhiều sinh vật có ích, làm mất cân bằng sinh thái tự nhiên.
2. Những bất cập trong việc sử dụng thuốc hóa học
Có nhiều trường hợp dùng nhiều thuốc hóa học, sâu bệnh không giảm mà lại phát sinh. Chúng gây hại nhiều hơn do diệt nhiều thiên địch và làm sâu kháng thuốc. Mặc dù vậy, trong thực tế để xóa bỏ tư duy dùng thuốc hóa học là hết sức khó khăn. Nếu có thể, cần dùng hạn chế dần trước khi chuyển qua dùng sinh học hoàn toàn.
Để hạn chế sử dụng thuốc hóa học mà vẫn phòng trừ được dịch hại tốt có hai biện pháp quan trọng. Một là áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IMP), hai là tăng cường sử dụng các thuốc sinh học.
Công cuộc nghiên cứu phát triển và sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ dịch hại cây trồng trên thế giới được mở đầu bởi phát hiện của nhà bác học người Pháp là Pasteur trên con tằm nhà bị bệnh do vi khuẩn và đặt tên là vi khuẩn Bacillus bombycis vào năm 1870. Mãi đến năm 1911, nhà bác học người Đức là Berliner phân lập được vi khuẩn này trên loài sâu xám ở vùng Thuringi (Địa trung hải) và đặt tên là Bacillus thuringiensis (Bt).
Cùng với chế phẩm Bt, nói đến thuốc sinh học cần nhắc đến các chế phẩm từ thảo mộc. Các loại thuốc sâu được chiết xuất từ thảo mộc và các chất kháng sinh trừ bệnh cây chiết xuất từ môi trường nuôi cấy vi sinh vật.
3. Xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Trong vòng vài thập kỷ gần đây. Trước bức xúc của nền nông nghiệp bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, nhiều chế phẩm sinh học ra đời với hiệu lực mạnh và phổ tác dụng rộng không thua kém các thuốc hóa học. Điển hình như độc tố thuốc trừ sâu Avermectin và nhiều chất kháng sinh từ môi trường nuôi cấy VSV. Danh mục các thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng được kéo dài ra. Rất nhiều đơn vị nghiên cứu và công ty tham gia đăng ký và đưa ra thị trường.
Ở nước ta, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật ban hành năm 2000 mới có 12 hoạt chất với 30 chế phẩm, đến năm 2010 đã có 56 hoạt chất với gần 500 tên thương mại, và cho đến nay con số đó đang tăng nhanh để phục vụ cho tầng lớp nông dân tri thức. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng tăng lên rõ rệt.
Xem thêm: 5 loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học được tin dùng nhất hiện nay