Độ ẩm của đất là lượng nước được giữ trong khoảng không giữa các hạt đất. Độ ẩm trong đất đóng vai trò rất quan trọng. Độ ẩm quá thấp hoặc quá cao đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Độ ẩm thích hợp cho các loại cây trồng dao động trong khoảng từ 60% – 70%.
Độ ẩm đất có tác động rất lớn đến đất. Độ ẩm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất năng lượng (cacbonhydrat) ở rễ, ảnh hưởng đến sự phát triển của rễ, ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng của cây, ảnh dưởng đến vi sinh vật và ảnh hưởng đến cả lượng không khí trong đất.
Ảnh hưởng đến quá trình sản xuất carbohydrate
Nước rất cần thiết cho quá trình sản xuất carbohydrate và duy trì tính hút nước của nguyên sinh chất của cây. Đồng thời nước là phương tiện vận chuyển carbohydrate và các chất dinh dưỡng. Cây trồng bị thiếu nước làm giảm sự phân chia và phát triển của tế bào, vì vậy sẽ làm giảm sự sinh trưởng của cây, cây trở nên còi cọc, chậm lớn, không thể ra hoa, kết trái.
Ảnh hưởng đến rễ cây
Rễ cây sinh trưởng tốt nhất khi đất có đủ ẩm. Độ ẩm thích hợp thì cây trồng sẽ có bộ rễ dài và sâu, vươn ra theo các chiều trong đất. Ngược lại nếu độ ẩm đất không đủ, cây bị thiếu nước, bộ rễ ngắn, thưa và không lấy được dinh dưỡng.
Ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng
Độ ẩm ảnh hưởng rất lớn đến sự hấp thu dinh dưỡng của cây trồng. Khi lượng nước mà cây có thể sử dụng trong vùng rễ thấp sẽ làm giảm sự hữu dụng của các chất dinh dưỡng, từ đó cản trở sự hấp thu dinh dưỡng của cây trồng. Cây trồng sẽ không thể hấp thu được dinh dưỡng nên dù chúng ta có bón rất nhiều phân nhưng cây vẫn phát triển kém, đề kháng yếu, dễ nhiễm bệnh và lãng phí phân bón.
Ảnh hưởng đến vi sinh vật trong đất
Độ ẩm trong đất cũng ảnh hưởng lớn vi sinh vật trong đất. Cũng như cây trồng và các sinh vật sống, vi sinh vật cần nước để có thể hoạt động và thực hiện các chức năng của mình. Độ ẩm đất quá thấp hoặc quá cao thì hoạt động của các vi sinh vật bị ức chế, các chất hữu cơ trong đất không được phân giải, quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng cho cây bị ngưng trệ khiến cây trồng thiếu dinh dưỡng, phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Ngoài ra, khi độ ẩm đất quá cao cũng tạo điều kiện cho các loại nấm, khuẩn có hại phát triển mạnh, tấn công cây trồng, khiến cây trồng dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh như vàng lá thối rễ, nứt thân xì mủ, ghẻ,…
Ảnh hưởng đến không khí trong đất
Đất trồng luôn phải có một độ ẩm thích hợp để cây trồng có thể phát triển tốt. Độ ẩm trong đất quá cao hoặc quá thấp đều ảnh hưởng không tốt cho sự sinh trưởng của cây. Độ ẩm quá cao (đất ngập nước) chiếm hết chỗ của không khí trong đất dẫn đến tình trạng yếm khí. Các tế bào rễ không hô hấp được, không cung cấp đủ oxy cho hoạt động của các tế bào. Cùng với việc tích lũy các chất độc hại sinh ra trong điều kiện yếm khí làm chết đi các lông hút ở rễ, không thể hình thành được lông hút mới, vì vậy cây không thể hút nước nên lâu ngày sẽ dẫn đến héo và chết cây.
Một nền đất tốt, luôn phải cân bằng được lượng nước (độ ẩm) và lượng không khí trong đất. Vậy, lượng không khí trong đất như thế nào là phù hợp và làm sao để cân bằng được?
Bấm vào đây để tìm hiểu 👉 Không khí trong đất