Dinh dưỡng trong đất

Để hoàn thành vòng đời, cây trồng cần 17 chất dinh dưỡng thiết yếu, mỗi chất dinh dưỡng với một lượng khác nhau. Trong số các chất dinh dưỡng này, ba chất được tìm thấy trong không khí và nước: cacbon (C), hydro (H) và oxy (O). Kết hợp lại, C, H và O chiếm khoảng 94% trọng lượng của cây. 6% trọng lượng còn lại của cây bao gồm 14 chất dinh dưỡng còn lại, tất cả đều phải đến từ đất.

Để cây hấp thụ một nguyên tố, nó phải ở dạng hóa học được cây sử dụng và hòa tan vào nước ở trong đất. Ngoài các chất dinh dưỡng đã hòa tan vào nước trong đất, các chất dinh dưỡng có thể tồn tại trong đất ở các dạng sau:

  • Dạng chưa phân hủy hoặc dạng hạt (như từ phân bón mới bón);
  • Hóa chất liên kết với các hạt đất;
  • Cấu trúc hóa học của chất hữu cơ trong đất được giải phóng bởi sự phân hủy của vi sinh vật.

Trong số 14 chất dinh dưỡng, nitơ (N), phốt pho (P) và kali (K) là các chất dinh dưỡng đa lượng cơ bản và cần thiết nhất của cây trồng. Magiê (Mg), canxi (Ca) và lưu huỳnh (S) là các chất dinh dưỡng đa lượng thứ cấp, cũng rất cần thiết với cây trồng. Tám nguyên tố khác  là Boron (B), Clo (Cl), đồng (Cu), sắt (Fe), mangan (Mn), molypden (Mo), niken (Ni) và kẽm (Zn). Đây là các vi chất dinh dưỡng, cây trồng cần chúng với một lượng ít hơn so với dinh dưỡng đa lượng.

Trong đất thiếu hay thừa bất kỳ dinh dưỡng khoáng nào thì cũng đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Thiếu dinh dưỡng khoáng sẽ khiến cây phát triển kém

  • Thiếu đạm (N) khiến lá cây có màu xanh nhạt hay vàng, cây đâm tược kém. Xuất hiện đầu tiên ở lá già.
  • Thiếu lân (P) lá có màu xanh đậm, lá già chuyển màu tím hoặc đỏ nhiều ở phần gân. Lá có thể biến dạng, cành mảnh khảnh, rễ phát triển kém.
  • Thiếu kali (K) lá mọc xúm xít do đốt ngắn. Lá già xuất hiện vết đốm như hoại tử và bìa lá mất màu, cháy khô. Cây đâm tược kém và tược non có khuynh hướng héo teo lại.
  • Thiếu Canxi (Ca) khiến chồi non khó phát triển. Lá non bị cong dúm lên, trái dễ bị thối đít, thân cây yếu, rễ chuyển màu đen và thối.
  • Thiếu Magie (Mg) lá già có màu vàng hoặc đỏ ở phần thịt nhưng gân lá vẫn xanh. Bìa lá có thể cong hoặc nhăn nhúm lại.
  • Thiếu vi lượng cây sẽ phát triển không bình thường, dễ nhiễm tất cả các loại bệnh. Thiếu vi lượng khiến cây bị mất cân đối. Lá non bị vàng do không tổng hợp được diệp lục tố, đọt non có lá nhỏ, thịt lá vàng, gân xanh, mọc xúm xít nhau lại, một số lá sẽ có sọc do thiếu Mn và chết chồi non do thiếu Bo.

Thừa dinh dưỡng khoáng sẽ khiến cây rối loạn hấp thu

  • Thừa đạm (N) lá sẽ xanh, dày, bóng, đậu trái kém và khiến cây khó hấp thu canxi.
  • Thừa lân (P) khiến cây khó hấp thu đạm và vi lượng khiến lá vàng đồng loạt.
  • Thừa kali (K) cũng khiến cây khó hấp thu đạm và các chất trung lượng như Ca, Mg làm chậm sự phát triển của cây.
  • Thừa Canxi (Ca) khiến cây khó hấp thu magie cũng khiến cây bị đỏ phần thịt lá, đồng thời làm tăng pH đất.
  • Thừa Magie (Mg) ngược lại cũng sẽ khiến cây khó hấp thu canxi khiến chồi non khó phát triển, rễ yếu,…

Những yếu tố tác động đến dinh dưỡng trong đất

Dinh dưỡng trong đất rất dễ bị thiếu hoặc thừa bởi những tác động như bón phân, độ pH thấp, hoạt động của vi sinh vật.

Bón phân

Bón phân cung cấp một số nguyên tố có thể thiếu trong đất và kích thích sự phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, bón phân cần phải quan sát tình trạng của đất, của cây và các yếu tố như ánh sáng, nước, nhiệt độ, sâu bệnh,… Việc chúng ta bón phân vì thấy cây không phát triển đầy đủ sẽ không thể giải quyết được những vấn đề khác mà chúng ta chưa nắm rõ, bên cạnh đó còn kéo theo nguy cơ gây bệnh cho cây.

Khi bón phân cần kiểm tra và tính toán kỹ loại phân bón, lượng bón và thời điểm bón. Để đảm bảo tỉ lệ dinh dưỡng luôn được cân đối và cây trồng có thể hấp thu được tốt nhất.

Độ pH

Độ pH đất ảnh hưởng trực tiếp đến độ tan và sự sẵn có của dinh dưỡng trong đất. Cây trồng chỉ có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng ở mức pH thích hợp. Ngoài mức pH đó, cây sẽ không thể hấp thu. Chính điều này dẫn đến tình trạng chúng ta bón nhiều phân nhưng cây trồng vẫn gặp tình trạng thiếu dinh dưỡng.

Vi sinh vật

Vi sinh vật trong đất có ảnh hưởng rất lớn đến hàm lượng dinh dưỡng trong đất trồng. Khi chúng ta bón phân vào đất, các chất dinh dưỡng được vi sinh vật phân giải và chuyển hóa để cung cấp cho cây trồng. Nếu vi sinh vật hoạt động kém hoặc ngừng hoạt động thì cây trồng dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Hoạt động phân giải và chuyển hóa dinh dưỡng của các vi sinh vật trong đất bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như nhiệt độ, độ ẩm, không khí, độ pH.

Do đó để cây trồng có thể hấp thu đầy đủ dinh dưỡng và phát triển một cách tốt nhất cần cân bằng được các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, không khí và độ pH đất.

Bổ sung dinh dưỡng cho đất

Có 2 dạng dinh dưỡng hữu cơ mà người làm vườn cần nắm rõ để có thể bổ sung dinh dưỡng vào đất:

  • Dinh dưỡng ngắn hạn: Các loại phân hữu cơ đã được ủ hoai như phân trâu bò, gà, đạm cá, đậu tương.
  • Dinh dưỡng dài hạn: Các loại xác bã thực vật, cành lá cây, phân động vật chưa được ủ hoai (động vật được chăn thả, ăn thức ăn tự nhiên, không ăn cám công nghiệp, thức ăn tăng trọng).

Sau khi bón các dạng hữu cơ này vào đất cần tưới WAO BOOM để giúp chuyển hóa dinh dưỡng sang dạng vô cơ cho cây hấp thu nhanh hơn.

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh