Dấu hiệu của suy thoái tầng đất mặt canh tác

Tầng đất mặt suy thoái chủ yếu do canh tác không đúng cách. Đất bị suy thoái hay còn gọi là thoái hóa, là đất đã mất đi các đặc tính, tính chất vốn có ban đầu của nó. Những đặc tính, tính chất này mất đi ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây trồng.

Trên thực tế hiện nay, nhiều vườn cây ăn trái khi đang kỳ xử lý ra hoa, đậu trái thì bị cháy lá, xì mủ, thối rễ. Sau thu hoạch cây trở nên cằn cỗi, trơ cành và nguy cơ bỏ vụ tiếp rất cao. Nguyên nhân đều do đất mặt suy thoái. Sự suy thoái đất kèm với việc ép lấy năng suất khiến cây không kịp phục hồi là những nguyên nhân chính làm cho một cây trồng rơi vào tình trạng suy kiệt, mất dần năng suất, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Đất suy thoái ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng

Những dấu hiệu nhận biết suy thoái tầng đất mặt

Đất mặt bị đóng váng, bị nén dẽ, pH đất thấp, vi sinh vật gây hại gia tăng đều là những dấu hiệu cho thấy đất đang trên đà suy thoái.

1. Đóng váng

Đóng váng đất là một dạng của suy thoái. Chúng làm kết dính các hạt đất trên bề mặt, hạn chế sự di chuyển của nước và không khí làm cho cây thiếu nước trầm trọng trong mùa nắng, cây dễ bị cháy lá, khô cành, làm giảm năng suất.

2. Nén dẽ

Nén dẽ cũng là một dạng suy thoái, chúng phá hủy cấu trúc đất, thay đổi sự sắp xếp tế khổng làm độ xốp và tính thấm giảm, không khí trong đất rất khó lưu thông khiến nồng độ CO2 trong đất tăng, dễ gây ngập úng, gây ra nhiều bệnh vùng rễ.

3. pH thấp

Khi pH giảm dần chứng tỏ đất đang suy thoái. Độ pH ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hấp thu dinh dưỡng của rễ. pH thấp, tức đất chua ảnh hưởng đến sự có mặt của các chất dinh dưỡng trong đất, khiến cây thiếu chất.

Bên cạnh đó pH thấp cũng sẽ hạn chế hoạt động của các vi sinh vật có ích sống trong đất, gia tăng những vi khuẩn nấm bệnh có hại làm mất cân bằng hệ sinh thái đất.

Ngoài ra pH thấp sẽ làm kết tủa Phốt pho khiến cây thiếu lân, đạm và một số chất vi lượng khác như Kẽm, Mangan,…

pH thấp khiến Al, Fe hòa tan nhiều làm cây ngộ độc, rễ bó chùn không phát triển.

4. Vi sinh vật gây hại gia tăng

Vi sinh vật là một phần quan trọng tạo nên sức sống của đất trồng. Trong đất có cả vi sinh vật có ích và một số ít vi sinh vật gây hại. Chúng hoạt động theo hai phương thức và sống ở hai điều kiện khác biệt nhau. Nhóm có ích chủ yếu sống bằng hình thức phân giải các xác bã động thực vật với điều kiện đất thoáng khí và không quá chua, còn nhóm gây hại sống chủ yếu bằng hình thức ký sinh với điều kiện đất chua và cả trong môi trường yếm khí. Việc vi sinh vật gây hại trong đất gia tăng đồng nghĩa với đất chua, yếm khí,… hay có thể nói là đất đang trên đà thoái hóa.

Tầng đất mặt là tầng đất cực kỳ quan trọng. Cây trồng chủ yếu lấy dinh dưỡng ở tầng đất này. Khi tầng đất mặt suy thoái, cây trồng phát triển chậm, cho năng suất chất lượng thấp và gặp nhiều bệnh hại.

Đọc tiếp: Cách cải tạo đất bạc màu cho vườn cây ăn trái

Xem thêm về:

Danh mục: ,