Một trong những chìa khóa quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất đó là đa dạng hóa các loại cây trồng, tăng giá trị sử dụng đất trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, phải đa dạng hóa như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất thì không hề dễ dàng.
Nội dung bài viết
1. Thế nào là đa dạng hóa cây trồng?
Đa dạng hóa cây trồng là hình thức trồng trọt tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đất với nhiều loại cây trồng được trồng xen, kết hợp và tận dụng nguồn lợi của nhau. Trong đó, việc kết hợp được chọn lựa sao cho các loại cây không cạnh tranh nhau mà cùng hỗ trợ qua lại một cách tốt nhất.
2. Lợi ích của việc đa dạng hóa cây trồng
- Phát huy hết lợi thế tiềm năng của đất trồng, tận dụng một cách tốt nhất nguồn nước tưới, dinh dưỡng, phân bón,…
- Chủ động được công lao động vì mỗi loại cây trồng có thời điểm chăm sóc, thu hoạch khác nhau.
- Hạn chế được sâu bệnh gây hại vì một số loài cây có tác dụng ngăn chặn hay thu hút côn trùng. Mặt khác, nhờ có nhiều loài cây cùng sinh sống nên việc bùng phát một loài gây hại nào đó sẽ được hạn chế.
- Giảm tác động cực đoan của thời tiết.
- Tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vị sản xuất.
- An toàn nguồn thu nhập và giảm rủi ro khi giá cả một loại nông sản nào đó bị biến động.
3. Những điều cần biết khi đa dạng hóa cây trồng
3.1 Lựa chọn loại cây trồng phù hợp
Việc lựa chọn cây trồng nào để trồng trong vườn là cực kỳ quan trọng, bởi đây là yếu tố chính quyết định hiệu quả kinh tế, mặt khác lựa chọn cây trồng phù hợp mới đảm bảo được quá trình tái sinh dinh dưỡng trong khu vườn diễn ra một cách bình thường.
Khi lựa chọn cây trồng cần chú ý rằng các loại khác nhau sẽ kéo theo sự khác nhau đáng kể về các đặc tính của chúng như: Nhu cầu dinh dưỡng, độ dài các pha sinh trưởng dinh dưỡng, thời kỳ phát triển cần nhiều dinh dưỡng nhất, độ sâu của đất nơi xuất hiện sự hấp thu dinh dưỡng, lượng dinh dưỡng trong tàn dư cây trồng sau thu hoạch, thời gian phân hủy tàn dư cây trồng,…
Các cây trồng khác nhau có yêu cầu khác nhau về tổng lượng dinh dưỡng cần thiết cũng như chủng loại dinh dưỡng cụ thể để tạo ra năng suất tối đa. Nhu cầu dinh dưỡng cũng có thể thay đổi theo từng thời kỳ phát triển của cây, một số loại cây cần cung cấp nhiều dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển bộ rễ, tăng kích thước thân, lá, một số loại cây lại yêu cầu dinh dưỡng cao hơn trong giai đoạn thụ phấn, tạo quả và nuôi quả,…
Các loại cây khác nhau cũng có nhu cầu khác nhau về độ chiếu sáng. Trong khi một số cây thích ánh sáng đầy đủ, thì có những cây thích ánh sáng chập chờn và số khác lại sinh trưởng tốt nhất trong bóng mát. Một số cây gần như dửng dưng với điều kiện ánh sáng mặc dù tất cả các cây đều cần ánh sáng.
Các loại cây trồng khác nhau có hệ rễ khác nhau. Để đưa ra quyết định loại cây trồng nào thích hợp nhất cần phải biết rễ của chúng khám phá đất khác nhau thế nào, trên cơ sở đó tạo điều kiện phát triển tối ưu cho cây trồng trong mối liên kết của chúng với nhau khi canh tác xen kẽ hoặc tiếp nối nhau. Nhìn chung một số loài cây rễ cái phát triển có thể vươn sâu trong khi những cây khác có hệ thống rễ phát triển ngang bằng hơn.
3.2 Kết hợp các loại cây một cách khoa học
Nếu các cây trồng thích hợp được phối hợp với nhau, canh tác hỗn hợp có thể cho một tổng năng suất cao hơn trên một đơn vị diện tích do biết cách sử dụng các khoảng trống (bên trên và bên dưới mặt đất) có hiệu quả hơn và vì mối tương tác có lợi giữa các cây trồng với nhau.
Khi tiến hành kết hợp cây trồng cần hạn chế sự cạnh tranh của rễ đặc biệt là trong thời kỳ cây trồng đòi hỏi dinh dưỡng cao nhất, đảm bảo bộ rễ của chúng chiếm được thể tích đất trong phạm vi tốt nhất có thể.
Các cây trồng có bộ rễ mọc khỏe nên được kết hợp hoặc được trồng luân phiên, xen kẽ với các cây có bộ rễ phát triển yếu. Khoảng cách giữa các cây phải phù hợp để hạn chế tới mức tối đa cạnh tranh dinh dưỡng giữa chúng.
Các cây có rễ ăn sâu tốt nhất nên được trồng cùng với những loại cây có rễ ăn nông. Các cây lâu năm có thể được kết hợp tốt với các cây theo mùa vụ. Các cây họ đậu có thể được trồng kết hợp cùng hoặc trước các cây yêu cầu đạm cao.
Các loài được trồng kết hợp nên khác nhau về tập quán sinh trưởng và nhu cầu ánh sáng, ví dụ loại ưa bóng trồng xen kẽ phía dưới loài ưa sáng.
3.3 Cách bố trí cây trồng
Khi bố trí trồng cây kết hợp có thể trồng hỗn hợp, trồng theo hàng hoặc trồng theo từng phần.
Trồng hỗn hợp là khi hai hay nhiều loại cây được gieo trồng tại cùng một thời điểm, cùng chia sẻ khoảng không gian hoặc được gieo trồng trong các hàng bên cạnh, mỗi loại cây cũng có thể được gieo trồng trong một luống.
Trồng theo hàng là khi hai hay nhiều loại cây được gieo trồng cùng một thời điểm, trong các hàng cạnh nhau với khoảng cách rộng.
Trồng từng phần là trường hợp một loại cây thứ hai được trồng kế tiếp trước khi thu hoạch loại cây được trồng trước đó.
Trong nông nghiệp bền vững thì đa dạng hóa cây trồng giúp cho nông dân không bị phụ thuộc vào chỉ một loại cây trồng, mà có thể cung cấp liên tục các sản phẩm từ đồng ruộng một cách lý tưởng. Vì vậy, người canh tác nên tìm hiểu và áp dụng nhiều phương pháp cây trồng kết hợp, góp phần phát triển nông nghiệp một cách bền vững và nâng cao thu nhập.
>> Tìm hiểu thêm: Biện pháp quản lý dinh dưỡng trong canh tác theo hướng tự nhiên