Có mã số vùng trồng là xuất khẩu được sầu riêng?

Tuần qua tôi nhận được ba lời đề nghị của hai nông dân và một thương lái, nhờ hướng dẫn thủ tục làm mã số vùng trồng.

Mã số vùng trồng là điều kiện cần để xuất chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam cấp theo đề nghị từ các địa phương, rồi Hải quan Trung Quốc xem xét, chấp nhận. Có mã số vùng trồng mới có thể xuất khẩu.

Thị trường Trung Quốc yêu cầu diện tích tối thiểu 10 ha mới làm được một mã số (để đảm bảo tính đồng bộ và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm), do đó các hộ nông dân thường hợp nhau làm chung một mã. Có khi họ giao cho doanh nghiệp đứng tên. Doanh nghiệp cung cấp vốn và hướng dẫn quy trình. Về nguyên tắc, muốn làm mã số vùng trồng phải biết quy trình sản xuất, kiểm soát dư lượng, dịch hại… Hồ sơ tổng cộng gần 17 loại giấy tờ – một danh mục mà các chuyên gia, nhà khoa học cũng thấy ngán, nói chi người nông dân.

Nhưng làn sóng làm mã số vùng trồng vẫn đang “hot”. Hiện giờ, có một hiểu lầm lớn: có mã số vùng trồng là xuất khẩu được, thậm chí có thể bán sản phẩm đắt hơn. Hiểu vậy là sai. Mã số vùng trồng chỉ là một thủ tục. Khách hàng mua sản phẩm là xem xét chất lượng chứ không mua mã số.

Tôi tự hỏi, sao nông dân không lo tập trung cho chất lượng trái sầu, để tạo lợi thế cạnh tranh thực sự, mà cứ dồn sức cho mã số. Có những hộ sau khi lấy mã số vùng trồng thì không quan tâm chăm sóc vườn, ỷ y, có mã số thì doanh nghiệp phải mua hàng của mình, nếu không, bán mã số cũng kiếm được tiền. Giá bán mã số được tính dựa vào khối lượng sầu riêng xuất đi. 4.000 đồng một kg, cứ thế nhân lên rồi lượm tiền.

Nhưng vòng lặp diễn ra hoài. Sầu riêng không đều, không tốt, hàng đến Trung Quốc bị định giá lại hoặc không bán được, phải mang ra chợ bán tháo. Rớt giá. Để cứu vớt, “cò” thổi giá lên, hy vọng tạo giá trị ảo để bán mức trên trời. Nhưng thủ phạm thổi giá là ai, ở đâu? Không ai biết, nếu nhà chức trách không tìm hiểu, điều tra.

Giá sầu riêng chạy theo đồ thị hình sin như vậy. Ngoài thị trường bây giờ, sầu riêng giảm giá về còn 90.000-140.000 đồng/kg. Nhưng chỉ vài tháng trước thôi, giá sầu Việt lên tới 170.000-190.000 đồng/kg, trong khi sầu Thái giữ ở mức 106 nghìn (quy đổi từ đồng baht) cùng thời điểm; mà chất lượng, sau khi Thái nâng độ khô cho cơm sầu riêng lên tới 35%, càng tốt hơn so với sầu Việt.

Một thương lái nói với tôi theo cách hình tượng “tự nhiên giá nhảy lên chót vót, kiếm sào kéo xuống không kịp”. Người kinh doanh sầu gọi hiện tượng này là “ngáo giá”, chứ không đơn giản là do thay đổi cung cầu theo quy luật thị trường.

Cuộc cạnh tranh về giá của nông sản Việt nói chung, không chỉ mỗi sầu riêng, với các quốc gia trong khu vực, vẫn gay cấn.

Thương lái nói trên sẵn dịp kể với tôi, anh suýt ký được hợp đồng bán 10 tấn đậu xanh (để làm giá đỗ) với giá 40 nghìn/kg, nhưng cuối cùng mất về tay Myanmar khi họ chào giá tương đương 35 nghìn. Hành lá, tỏi, hành tím cũng đang đấu mệt mỏi về giá với các nước Đông Nam Á, khi nông sản của ta, do canh tác, đã có giá thành cao hơn so với nước bạn.

Cạnh tranh với Thái, Việt Nam yếu thế hơn: họ có hợp tác xã và hội ngành hàng mạnh để đảm bảo không có những “con nhạn lạc bầy” thổi giá. Nông dân của họ được bộ nông nghiệp và hợp tác xã giao nhiệm vụ chuyên tâm đảm bảo một thứ: ổn định chất lượng. Đây là yếu tố cạnh tranh chính, cũng là thứ mà nông dân Việt Nam đang thả nổi.

Thái Lan có hệ sinh thái đồng điệu với người nông dân: chính quyền, doanh nghiệp, bộ phận xúc tiến bán hàng. Thử đối chiếu, Việt Nam có khuyến khích lập hội ngành hàng chưa? Chúng tôi kêu rát cổ mà chưa thấy gì, thì câu chuyện cạnh tranh còn lao đao.

Tôi đã trò chuyện với nhiều thương lái và các nhà sản xuất. Chúng tôi đồng tình một điểm rằng nông dân mình xưa giờ chỉ làm theo kinh nghiệm. Có những tiêu chuẩn họ chưa biết, nay bắt đầu làm quen. Nếu tiêu chuẩn mà khó quá, họ sẽ nằn nì chỉ chỗ để… đi “mua”.

Tôi không đành chỉ nghĩ, mà phải nói thẳng ra: đợi nông dân hiểu yêu cầu sống còn của quy trình, sự tất yếu phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, thì còn thất bại ít lâu nữa. Sự “vô minh” này sẽ phải thay đổi, chỉ là vấn đề thời gian, lâu hay chóng.

Trong bối cảnh đó, hiện tượng thổi giá đang cảnh báo chúng ta về việc cần hiểu giá trị thật nông sản của mình. Khi ta chưa đầu tư xứng đáng cho nông sản (chất lượng lẫn thương hiệu) thì chuyện “ngáo giá” là rất đáng lo. Trước đây, giá sầu riêng Thái luôn cao hơn của ta (gấp rưỡi đến gấp đôi), với chất lượng ổn định hơn, và họ đã mở cửa chính ngạch tới Trung Quốc cả chục năm. Vậy mà khi vừa chập chững vào thị trường chính ngạch Trung Quốc, giá sầu Việt Nam đã leo cao ngất ngưởng.

Hệ quả là nông dân, nhìn thấy giá vọt lên, bèn chặt các loại cây khác để trồng sầu riêng, hoặc chỉ lo mua bán mã số vùng trồng, thay vì tập trung cho chất lượng nông sản.

Nguồn: Vũ Kim Hạnh vnexpress.net

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

WAO TIN YÊU nơi mua sắm vật tư chăm sóc cây trồng hữu cơ, vi sinh