Để cây trồng đạt năng suất cao, khỏe mạnh và chống chịu tốt với tác nhân bên ngoài thì vấn đề ưu tiên hàng đầu là chăm sóc đất và tạo môi trường tốt nhất cho bộ rễ phát triển. Nhiều năm trở lại đây, đất trồng nhiều nơi bị bạc màu, kém dinh dưỡng và thoái hóa nghiêm trọng khiến năng suất và chất lượng nông sản giảm mạnh.
Muốn ngăn chặn sự thoái hóa của đất thì biện pháp tiên quyết là che phủ, bảo vệ tầng đất mặt.

Nội dung bài viết
1. Lợi ích của việc che phủ đất
Thực tế, những cánh rừng tự nhiên dù không được bón phân đầy đủ nhưng vẫn luôn duy trì được độ phì nhiêu và hệ sinh thái bền vững. Nguyên nhân chính nằm ở thảm thực vật bảo vệ và che phủ nền đất. Nhờ có sự che phủ của thảm thực vật mà đất không bị xói mòn, phần lớn nước mưa được rừng và đất rừng giữ lại, thiên tai lũ lụt cũng được giảm nhiều.
Che phủ đất là biện pháp giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn, hạn chế được sâu bệnh. Ở điều kiện thời tiết vụ đông khi nhiệt độ thấp, ít mưa, che phủ giúp giữ ấm, hạn chế bốc hơi nước, duy trì độ ẩm đất. Khi ở vụ thu, nhiệt độ và lượng mưa khá cao, che phủ đất lại có tác dụng thoát nước và làm mát cho bộ rễ.
Che phủ đất trồng mang đến những lợi ích thiết thực như:
- Đa dạng hóa các loại cây trồng, từ đó làm phong phú điều kiện sinh thái, hạn chế được các loại sâu bệnh.
- Giúp cây phát triển hệ rễ tốt hơn và có lợi cho quá trình hấp thu dinh dưỡng.
- Là nơi trú ẩn của sinh vật, vi sinh vật côn trùng có lợi cho đất và cây trồng.
- Tăng lượng cacbon và nitơ trong đất.
- Cung cấp cho đất lượng phân bón hữu cơ tự nhiên bằng rễ, xác bã thực vật.
- Chống xói mòn, rửa trôi đặc biệt ở các khu vực đồi cao, đất dốc.
- Tăng thu nhập từ các cây trồng phụ.
- Hạn chế bốc hơi bề mặt, giữ ẩm cho đất.
- Cân bằng, ổn định độ pH đất.
2/ Hình thức che phủ đất
Có hai cách che phủ đất chính là che phủ bằng tàn dư thực vật như: rơm, rạ, cỏ, lá, thân chuối, thân đậu,… và che phủ bằng thảm thực vật như: lạc dại, hàn the ba lá, muồng lá tròn kép, đậu mèo, đậu công, cốt khí,…
Che phủ bằng tàn dư thực vật
Biện pháp che phủ này có nhiều tác dụng như giữ ẩm, tăng hàm lượng hữu cơ thông qua sự phân hủy thực vật, hạn chế sự bốc hơi nước, rửa trôi. Che phủ bằng tàn dư thực vật giúp năng suất tăng từ 18 – 50%.
Đối với vật liệu phủ, trước khi tiến hành phủ đất nên cắt nhỏ vừa phải để việc phân giải được dễ dàng hơn. Tuy nhiên không nên cắt quá nhỏ vì nếu việc phân giải chất hữu cơ diễn ra nhanh quá thì tác dụng ngăn chặn xói mòn sẽ giảm.
Đối với vườn cây rau màu nên dọn cỏ, phân luống, làm tơi xốp đất trước rồi mới phủ vật liệu. Phủ kín mặt đất với bề dày 10-15cm và chờ 12-15 ngày để lớp phủ xẹp xuống rồi tiến hành gieo thẳng qua lớp phủ. Đối với các vườn cây ăn trái thì có thể đắp mô hoặc giữ nguyên và che phủ lên.
Che phủ bằng thảm thực vật
Có một số ưu điểm ở phương pháp này mà che phủ bằng tàn dư thực vật không có đó là:
Phương pháp che phủ này có một số ưu điểm hơn so với vật liệu che phủ như: vừa dùng làm thảm che phủ nhưng có thể tận dụng làm thức ăn gia súc, tăng thêm thu nhập nhờ bán sản phẩm phụ, giúp rễ cây trồng chính dễ thở, cố định đạm bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng chính, hấp dẫn các loài thiên địch,…
Đặc biệt đối với đất đồi trọc, đất có độ dốc cao, trồng cây che phủ có tác dụng giảm mức độ xói mòn do mưa, độ ẩm đất và độ xốp đất cải thiện lớn sau một thời gian trồng. Việc trồng thảm thực vật nên chọn cây đa tác dụng (che phủ kín, hạn chế côn trùng gây hại,…), sinh trưởng nhanh, sinh khối lớn, có bộ rễ khỏe và quan trọng là dễ kiểm soát.
3/ Một số loại cây che phủ đất phổ biến
Lạc dại
Lạc dại là một loài cây họ đậu lâu năm có nguồn gốc từ Mỹ-La Tinh. Lạc dại có khả năng chịu hạn tốt, chịu úng cao, có thể trồng được quanh năm.
Trong các phương pháp che phủ đất, việc trồng lạc dại dưới gốc cây được áp dụng nhiều nhất bởi những ưu điểm mà nó mang lại như:
- Khi cây ra hoa, đất được cung cấp một lượng đạm đáng kể, làm tăng độ phì nhiêu cho đất.
- Hoa vàng hấp dẫn được một số côn trùng có ích (thiên địch) để hạn chế sâu hại cây, làm tăng sự thụ phấn cho hoa cây ăn trái.
- Lạc dại che phủ mặt đất nhanh chóng.
- Vào mùa nắng, lạc dại giúp cho độ ẩm được giữ khá tốt, giảm chi phí tưới.
- Vào mùa mưa, cây lạc dại giúp chống xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng ở tầng đất mặt, hạn chế được mầm bệnh từ đất.
- Lạc dại còn là ký sinh chủ của rệp sáp giúp chia sẻ áp lực sâu hại cho cây trồng.
Hàn the ba lá
Hàn the ba lá hay còn gọi là cây sơn lục đậu có tên khoa học là Desmodium heterophyllum, là một loài thực vật thuộc họ Đậu. Cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau, cây có khả năng cố định đạm và cải thiện đất. Cây hàn the ba là là loại cây trồng phủ mặt đất canh tác nông nghiệp đầy tiềm năng.
Hàn the ba lá có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau nhất là trên đất bạc màu, thiếu dinh dưỡng. Cây có khả năng cố định đạm, sinh khối cao giúp cải thiện đất. Cây mọc tạo thành thảm, bò lan sát mặt đất, dày, ít sâu bệnh, giữ đất tơi xốp, chống xói mòn, rửa trôi,…
Cây đậu mèo
Là một loài cây họ đậu leo, sinh trưởng rất nhanh, có thể tạo sinh khối lớn trong một thời gian ngắn. Có nhiều loại cây đậu mèo, đậu mèo dại có hoa tím, quả thường có nhiều lông; Đậu mèo hoa xanh, không có lông thường được trồng nhiều hơn vì có khả năng chống chịu khá tốt với sâu bệnh.
Đậu mèo có thể trồng được quanh năm, trồng đậu mèo xen với cây ăn quả hoặc ngô, sắn. Đậu mèo có sức sinh trưởng rất nhanh nên khi trồng cần biết lợi dụng đặc tính này để sử dụng tốt nhất khả năng che phủ và lượng sinh khối lớn của đậu mèo, tránh những ảnh hưởng xấu cho các loại cây trồng khác.
Ngoài tác dụng che phủ, cải tạo đất (nhờ có hàm lượng đạm trong thân lá cao do vi khuẩn nốt sần cố định từ khí trời). Hạt đậu mèo sau khi khử độc tố (luộc nhiều lần hoặc ủ men) còn là loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm.
Cỏ Ghinê
Cỏ Ghinê còn gọi là cỏ sả, hay cỏ sữa, có nguồn gốc từ Châu Phi, hiện nay phân bố rộng rãi ở các nước nhiệt đới và á nhiệt đới. Cỏ Ghinê được trồng ở nhiều vùng nước ta. Có hai loại cỏ Ghinê: loại lá lớn và loại lá nhỏ.
Cỏ Ghinê có nhiều đặc tính quý: sinh trưởng mạnh, năng suất cao, khả năng chịu hạn, chịu nóng và chịu bóng cây tốt, dễ trồng. Cỏ Ghinê sống được trên nhiều loại đất khác nhau nhưng tốt nhất là loại đất phù sa và đất có nhiều mùn. Chịu được đất mặn nhẹ và không chịu được đất ẩm kéo dài.
Do cỏ Ghinê có khả năng chịu được hạn và bóng râm, nên có thể trồng xen với cây lâm nghiệp hoặc cây ăn quả, trồng ven bờ đê, ven đường, xung quanh ao cá, vừa phủ đất chống xói mòn và giữ ẩm, vừa tận thu chất xanh cho chăn nuôi gia súc nhai lại rất tốt.
>> Tìm hiểu thêm: Muồng vàng giúp cải tạo đất và che nắng chắn gió cho vườn trồng
Bạn muốn hiểu rõ hơn về cây trồng của mình để chăm sóc cây đúng. Bấm vào đây để xem chi tiết 👇