Từ nhỏ, William vẫn luôn muốn làm nghề nông, sau khi lái máy bay trong thế chiến hai và lấy tấm bằng đại học kinh tế của trường đại học Indiana, ông mua một trang trại ở vùng cao nguyên Venezuela và bắt đầu việc nuôi gà theo cách riêng của mình, thoát khỏi mọi quy ước lẫn quy định của ngành chăn nuôi trong nước Mỹ. Lộn xộn chính trị xảy ra khiến cả gia đình ông phải rời bỏ quốc gia đó cùng mọi thứ mình gầy dựng được để trở về Mỹ.

Quyết tâm làm lại từ đầu, William Satalin mua một trang trại rộng 550 mẫu Anh toàn đất bồi đã bị xói mòn ở rìa phía tây thung lũng Shenandoah. Cũng hệt như khu đất đồi hoang của Fukuoka, trang trại này của gia đình Satalin là một khu hoang hóa bị nông dân lạm dụng hơn 150 năm cho việc độc canh ngô và các ngũ cốc cho tới khi phần lớn đất đai bị bạc màu hoặc sói mòn. Thậm chí nhiều nơi không còn cả lớp đất mặt mà chỉ trơ toàn đất granit và đất sét. Gia đình ông đã nỗ lực để khôi phục mảnh đất cùng những quả đồi này.

canh dong co 4 min
Đất đai tại trang trại bị bạc màu do trồng độc canh

Khi ấy, nhận thấy trang trại không mang lại đủ thu nhập để trả nợ và nuôi gia đình, William nhận làm thêm việc kế toán trong thị trấn và biến trang trại của mình thành một dự án nghiên cứu. Thế là từ đó ông có thể tự do thử nghiệm những cách làm của mình trên trang trại, quay lưng lại với tư duy nông nghiệp truyền thống.

Mặt khác chính nhờ những khách hàng thuê ông làm công việc kế toán mà William phát hiện ra sự thật đàng sau những trang trại chăn nuôi trồng trọt theo kiểu thông thường – tức kiểu độc canh một loại cây, cơ giới hóa bằng máy móc và dùng nhiều phân bón hóa học lẫn thuốc trừ sâu, cỏ – thật ra chỉ là một mớ hỗn độn.

Phần lớn người nông dân đang phải vật lộn với trang trại của họ để trả nợ và nuôi sống gia đình. Ông tin rằng những lời khuyên đến từ các chuyên gia tư vấn nông nghiệp chỉ làm người nông dân thêm lâm vào tình trạng khó khăn nợ nần. Thế nên thay vì đi theo con đường ấy, ông đã dấn thân vào một con đường khác.

Bắt đầu từ khi đọc chuyên luận của Andre Voisin về cỏ, ông bắt đầu thực hành việc trồng cỏ và chăn thả luân phiên song song với cải tạo những quả đồi để trồng rừng. Và “trang trại của những con vật hạnh phúc” của gia đình nhà Satalin đi lên từ đó. Hiện nay người quản lý trang trại là Joel Satalin– con trai của William và Polyface dần trở thành một trong những trang trại nổi tiếng trên toàn đất Mỹ.

Nếu như lão nông Fukuoka nhìn thấy sức mạnh từ bên trong cọng rơm nhỏ bé thì gia đình nhà Satalin lại nhìn thấy “phép thuật giả kim” kì diệu từ những cây cỏ nhỏ bé hoang dại. Những lá cỏ như là những tấm pin quang điện rẻ và hiệu quả nhất trong việc thu giữ năng lượng mặt trời.

canh dong co 5jpg min 1
Cây cỏ nhỏ bé có một sức mạnh diệu kì

Con người vì không có dạ cỏ để tiêu hóa và chuyển hóa thứ năng lượng có sẵn trong cây cỏ nên đã phải đi đường vòng dùng các loài gia cầm gia súc giúp chúng ta chuyển năng lượng ấy vào nguồn thực phẩm khác đa dạng và ngon lành hơn: trứng, sữa, thịt, bao gồm cả thịt bò, gà, heo và thỏ…

Công việc khó khăn nhất và quan trọng nhất trong trang trại này là việc quan sát, theo dõi, lập biểu đồ đánh giá cho các bãi cỏ xem khi nào là thời điểm thích hợp nhất để thả đàn gia súc và khi nào thì bãi cỏ cần thời gian để phục hồi. Joel, chủ trang trại, tự nhận mình là một người trồng cỏ hay người trông coi “quầy xa lát” khổng lồ cho đàn gia súc của mình. Ông cũng tự nhận mình chỉ là người quản lý còn mọi công việc quan trọng của trang trại như làm ra sữa, trứng, thịt, làm vệ sinh, ủ phân trộn… đều do đàn gia súc của ông cáng đáng. Thật lạ lùng đúng không?

Hệt như bất cứ ai làm công việc chăn thả gia súc trên toàn thế giới dù là cậu bé chăn trâu ở một làng quê Việt Nam hay một gia đình du mục vùng Tây Tạng, họ sẽ dẫn đàn gia súc của họ đi từ nơi này sang nơi khác chứ không chỉ ở mãi duy nhất một nơi và họ thường biết chính xác khi nào thì nên đến nơi nào sẽ có cỏ tốt cho chúng.

Bởi vì việc chăn thả gia súc thường xuyên sẽ làm cho bãi cỏ suy kiệt và chỉ còn trơ lại cây bụi; ngược lại việc chăn thả quá ít cũng gây ra tổn hại khi cỏ bị già và hóa gỗ dẫn đến giảm chất lượng cỏ. Nhưng nếu chúng ta có thể làm một cách đúng đắn đó là chăn thả số lượng gia súc tối ưu vào thời điểm tối ưu để tận dụng những lá cỏ đang ở đỉnh sinh trưởng thì không chỉ tốt cho đàn gia súc mà còn giúp đồng cỏ tái tạo một khối lượng cỏ mới đồng thời lại cải thiện được chất lượng đất đai hiệu quả.

Đó chính là công việc quan trọng nhất của nhà Satalin – quan sát và sắp xếp thời gian để chăn thả các đàn gia súc khác nhau đúng thời điểm sao cho đảm bảo được lợi ích tối đa cho cả cỏ và các loài ăn cỏ.

cuoc canh mang tren canh dong co min
Chăn thả gia súc đúng thời điểm để đảm bảo lợi ích tối đa

Việc trồng cỏ này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào kho kiến thức mang tính địa phương của những người nông dân. Không giống những kiến thức chăn nuôi kiểu công nghiệp có thể áp dụng cho tất cả mọi trang trại như là cho bò ăn gì, thêm chất gì, số lượng bao nhiêu mỗi ngày,…

Chính vì từ chối những kiến thức chăn nuôi của thời công nghiệp hiện đại nên câu hỏi đặt ra là: liệu hoạt động nông nghiệp không nặng về kỹ thuật này có phải là bước thụt lùi của nền nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng hay không? Vị chủ nhân của trang trại Polyface tất nhiên không đồng ý chút nào với nhận định ấy. Và nếu như bạn biết chi tiết về cách làm của ông, bạn cũng sẽ đồng tình.

Đàn bò tại trang trại Polyface được chăn thả không chỉ đúng thời điểm mà còn đúng vị trí trong đồng cỏ theo kế hoạch nữa. Nắm được đặc điểm trong tự nhiên rằng vào các ngày nắng nóng đàn bò thường tập trung dưới các bóng cây để hóng mát và những loài thú săn mồi giúp cho đàn bò sống thành từng bầy để bảo vệ nhau cũng như “chăm chỉ” dịch chuyển hơn.

…Còn nữa

Trích sách Tại sao chúng ta không hạnh phúc? ( Phi Tuyết)

Đọc thêm Masanobu Fukuoka người Nhật Bản – Lão nông độc đáo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *