Nội dung bài viết
Cải tạo đất thoái hóa gồm 5 phần việc cần phải làm:
Giải quyết khâu ứ đọng nước, đóng váng, nén chặt của đất; bón phân hữu cơ cải tạo độ mùn và kết cấu đất; bón vôi dolomite để bổ sung canxi, magiê, đồng thời gia tăng pH; bổ sung vi sinh có ích giúp cân bằng hệ sinh thái và cuối cùng đó là che phủ mặt đất để giữ ẩm và chống xói mòn, rửa trôi.
Mục đích cuối cùng vẫn là giúp đất trở nên tơi xốp, thoáng khí, giàu dinh dưỡng.
1. Cải tạo đất tạm thời
Trong số 5 việc trên thì việc cần làm ngay đó là giải quyết khâu ứ đọng nước. Xử lý tạm thời bằng biện pháp khơi gốc, đào rãnh thoát nước, cuốc xới cho đất thông thoáng, tăng pH,…
2. Cải tạo bằng phân hữu cơ
Sau khi xử lý đất tạm thời, nhà vườn cần bón phân hữu cơ để gia tăng lượng mùn, độ tơi xốp cũng như tạo môi trường thúc đẩy vi sinh vật có ích phát triển. Nên ưu tiên sử dụng các loại phân có tính chất cải tạo đất tốt như phân bò hoai mục. Kết hợp với các loại phân ủ từ bã bùn mía, vỏ cà phê,…Sử dụng thêm với phân gà hoai để tăng lượng dinh dưỡng, hạn chế các bệnh vùng rễ như thối rễ, tuyến trùng,…
>> Xem thêm: Cách ủ phân chuồng bằng nấm Trichoderma
3. Bón vôi cải tạo
Việc thứ 3 trong quá trình cải tạo này mà chắc không một ai không biết đến đó là bón vôi. Bón vôi giúp bù lại lượng canxi và magiê cây trồng lấy đi từ đất đồng thời nâng cao độ pH giúp cây trồng dễ hấp thu dinh dưỡng hơn.
Bón vôi thì ai cũng biết là nên và cần thiết, nhưng bón như thế nào cho đúng và hiệu quả thì lại có rất ít người. Vậy, bón vôi như thế nào để cải tạo được hiệu quả nhất? Vấn đề nằm ở trị số pH đất vườn của bạn. Đất càng chua, pH càng thấp thì lượng vôi cần bón càng nhiều. Nếu là vườn cây ăn trái cần bón từ 1 – 2 lần/năm.
>> Xem thêm: Nguyên tắc sử dụng vôi và lân trong cải tạo đất
4. Đẩy nhanh tốc độ cải tạo đất bằng vi sinh
Sau khi bón phân hữu cơ để tăng độ mùn và độ tơi xốp. Bón vôi nâng pH mất khoảng 15 – 20 ngày. Lúc này đã đủ điều kiện cho phép chúng ta bổ sung vi sinh.
Lưu ý: hầu hết những phàn nàn về việc sử dụng vi sinh để cải tạo đất không hiệu quả đều do không thực hiện được 2 bước trên trước khi sử dụng. Vôi mặc dù tiêu diệt luôn một phần vi sinh có lợi, nhưng đổi lại pH ổn định cộng với lượng dinh dưỡng hữu cơ dồi dào sẽ thúc đẩy vi sinh vật tăng nhanh ngay sau đó. Chính vì vậy đây là thời điểm thích hợp nhất để bổ sung vi sinh.
>> Xem thêm: Bộ giải pháp vi sinh cải tạo đất
5. Nuôi cỏ cải tạo đất
Nếu trên mặt đất có cỏ che phủ thì các hạt mưa không rơi trực tiếp xuống đất mà bị phân tán ngay trên các tầng lá cỏ. Các dòng chảy cũng sẽ bị ngăn cản bởi rễ cỏ và lớp thảm mục do xác cỏ để lại trên mặt đất, giảm được xói mòn, rửa trôi, hạn chế đất đóng váng bề mặt rất hiệu quả, qua đó gia tăng khả năng thấm nước của đất.
Rễ cỏ làm cho mặt đất thông thoáng và khi chết còn là nguồn cung cấp chất hữu cơ dồi dào giúp cải tạo đất. Vào mùa mưa cỏ còn là bơm sinh học giúp tầng đất sâu mau khô ráo.
Do đó, không nên diệt cỏ mà chỉ cắt thấp khi cỏ phát triển quá cao, thay vì làm cỏ thì để cỏ che phủ đất là một biện pháp hữu hiệu cho vườn cây. Để cỏ cần phải bón phân cho cỏ trong những năm đầu để duy trì dự phát triển của cỏ, đồng thời quản lý cỏ sao cho phù hợp.
Lưu ý: trước trong và sau khi cải tạo đất nên hạn chế việc “đổ ” các chất độc hại vào đất. Tốt nhất là không nên dùng. Cần tạo được một môi trường đất tốt nhất cho các vi sinh vật phát triển, đẩy nhanh tốc độ phục hồi đất.
>> Xem thêm: Các loại cỏ cải tạo đất
6. Tác dụng của việc cải tạo đất
Cải tạo đất kết hợp với bón phân được diễn ra hằng năm sau thu hoạch sẽ giúp đất có độ pH ổn định, điều này giúp cho rễ cây trồng hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, mọi dinh dưỡng khó tan sẽ chuyển thành dễ tan rất thuận lợi cho việc cây trồng lấy đi.
Cải tạo đất thường xuyên như vậy sẽ giúp đất tơi xốp và có kết cấu đất ổn định, hạn chế được hiện tượng xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng. Cải tạo đất cũng chính là tạo môi trường giúp vi sinh vật dễ dàng phát triển, sinh sôi, đấy nhanh tốc độ phân giải chất hữu cơ giúp đất ngày càng trở nên màu mỡ hơn.
Ngoài ra, cải tạo đất bằng phương pháp trên còn giúp giảm đi các độc tố của nhôm, sắt, mangan giúp rễ phát triển khỏe mạnh, đề kháng cao, hạn chế hiện tượng thối rễ, tuyến trùng,…
Lưu ý: Rải đều hạt cỏ cùng với 1 ít phân hữu cơ quanh vườn để xây dựng lớp thực vật che phủ đất (áp dụng cho vườn chưa có lớp cỏ che phủ đất).
>> Đọc tiếp: Cách sản xuất các loại phân hữu cơ đơn giản tại nhà