Nội dung bài viết
Những trăn trở
Trong bài viết trước, tôi nhận được phản biện cho rằng chỉ bón lá mà không bón rễ thì cây khỏe “xổi”, sau này sẽ tốn kém hơn.
Tiếc là tôi và các bạn đều online, không sao diễn đạt hết ý mình, nên có thể gây hiểu lầm.
Thực ra, việc bón lá là giải pháp ngắn, khuyến khích hành động, thử là biết. Còn làm giàu đất thì rất nhiều cách, mà không cứ phải mua phân bón về đổ tràn ra vườn.
Tôi đi nhiều nơi, thấy nông dân dùng phân hóa học, diệt cỏ, đất cứ trơ ra, không cát thì sét, rễ cây không sao tồn tại được.
Lại có anh bạn trồng cây đô thị, cứ đặt cây trên phố, đếm cây tính tiền, không cần biết cây sống ra sao.
Rồi thấy dân bỏ ruộng vì đất bạc màu, đầu tư phân thì không bón được, buồn lắm.
1. Quan sát từ tự nhiên
A. Trong rừng nguyên sinh, có ai mang phân vào bón đâu mà cây vẫn sống khỏe nhỉ. Mấy điều này các bạn theo syntrophy, permaculture sẽ đồng tình với tôi.
B. Chỗ nào con người không động đến, một thời gian sau là cây cối um tùm. Đất ẩm, xốp, đa dạng vi sinh vật. Bạn cứ ra mấy công trường bỏ hoang ở Hà Nội, Sài Gòn là thấy ngay
C. Đất đổ chạc, toàn sỏi đá, bỏ quên là một thời gian sau xuyến chi mọc tung tóe.
D. Trên cát vẫn có thảm thực vật, mặc dù nước thoát nhanh, dinh dưỡng rửa trôi.
E. Cỏ dại liệu ai bón phân mà sống, nó ăn gì nhỉ?
F. Cây bồ đề phát tán hạt, mọc ở kẽ tường, mái nhà, nó sống bằng cách nào?
Những quan sát này khiến tôi tin rằng nhất định phải có giải pháp nào đó cho dân Nam ta làm nông nghiệp dễ, rẻ, ít nhân công mà vẫn hiệu quả.
2. Những thử nghiệm thành công
A. Cát biển Cửa Lò, chỉ có cát và gió Lào. Tôi và đồng sự trồng thành công tổ hợp Chùm Ngây – Vetiver – Đậu Xanh thành thảm thực vật, hoàn toàn không dùng phân bón. Thậm chí sau không tưới nước, để 3 loại cây đó cộng sinh. Còn cho thu củ chùm ngây ngâm mật ong. Sau hơn 1 năm, mẫu đó giờ vẫn tươi tốt, bạn nào ở Nghệ An có thể qua thăm.
B. Khu vườn ở Nghi Lộc, cằn cỗi đến mức cỏ không mọc được, giờ xanh tốt bạc hà, quất, rau…bởi cách làm tạo thảm bề mặt.
C. Giúp một doanh nghiệp làm cây công trình hồi phục các cây lớn khi vàng lá bằng hạt đậu xanh.
D. Vườn táo của tôi không bón bất cứ thứ gì trong 3 năm, quả vẫn sai trĩu. Năm nay cắt cành một nửa, chồi đâm to bằng ngón cái mà vẫn non.
E. Nhiều bạn đến thăm vườn tôi, thụt cả chân vì đất xốp. Mỗi khi mưa, giun đào mật độ dày tới mức 10cm/hố.
Tôi đã tin rằng, chỉ cần tác động đơn giản, đất tự nuôi sống mình, không cần hàng năm chở phân bón đến để bồi dưỡng.
3. Những giải pháp làm đất giàu dinh dưỡng
A. Tạo ẩm đất và dùng cây tiên phong
Rất nhiều nông dân vốn quen việc bón và bón không biết đến khái niệm “cây tiên phong”. Đó là những cây trồng đầu tiên, tạo đà cho hệ sinh thái kế tiếp.
Tôi chọn tổ hợp sau:
- Chuối: che chắn, tạo nguồn phân Kali tại chỗ, dùng thân che phủ, thu sinh khối nhiều năm, và làm hàng rào.
- Cỏ các loại, trong đó vetiver để giữ đất, hút ẩm và sả để kết hợp che phủ.
- Chùm ngây, rễ cọc khoan sâu, giâm cành nhanh, thu lá, thân làm siêu phân bón trả lại đất hoặc phân bón lá.
- Đậu xanh rải che phủ, cạnh tranh với cỏ, lợi dụng số lượng hạt lớn để tạo cây.
- Khai thác bộ rễ của hàng vạn cây đậu xanh xé đất. Tương tự là vừng (mè).
Và nhiều cách làm khác không kể hết được bằng lý thuyết. Chỉ khi bạn tự làm, mới thấy được.
B. Nguồn đạm từ giun làm đất giàu dinh dưỡng
Ý tưởng đưa giun quế nuôi trong đất, tôi thực nghiệm vào năm 2015. Ngày đó giun quế đắt lắm. Tôi nhớ mua 10 triệu được mấy thùng giun giống, tôi bèn đổ ra đất, phủ bèo lên, ngồi khấn là:
– Giun bống Giun bang, lên ăn cơm bạc cơm vàng nhà ta…
Hình như lời khấn có hiệu nghiệm. Giun tràn ngập vườn nhanh chóng.
Mỗi khi mưa ngập, giun nổi lên như trảy hội. Có hôm úng mấy hôm, giun chết nhiều quá, mùi hôi tanh bốc lên tận trời xanh (hồi đó còn bán vàng mua vi sinh).
Tôi vỗ tay cười mà rằng:
– Phân đạm là đây chứ đâu!
Vậy là nguồn đạm trong đất có thể đến động vật như giun, và từ các loại cây họ đậu như cốt khí, đậu xanh thu thân, và nhiều thực vật khác nếu bạn để tâm tìm hiểu.
C. Phân Xanh làm đất giàu dinh dưỡng
Hồi bé, tôi và lũ trẻ hay nghêu ngao vần thơ Bút Tre:
“Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng”
Có lẽ người dân yêu Đại tướng mà làm đồng dao vui nhộn như vậy. Nhưng phân xanh đã từng là nguồn dinh dưỡng tại chỗ của nông dân Việt nghìn đời nay, cho đến khi bị phân hóa học thay thế.
Thế rồi mấy ông chuyên gia Tây sang ta dạy dân Nam ủ đống ngoài ruộng, vất vả.
Chìa khóa ở đây là IMO mà tôi viết trong bài trước.
Đơn giản là cứ có bèo, thân đậu xanh, cành lá chùm ngây, thân chuối phạt tại chỗ, rải cạnh luống và tưới vi sinh. Vậy là đủ phân bón, bởi vi sinh tăng tốc phân giải, không như các cụ xưa phải chờ IMO tích lũy trong tự nhiên.
(Cho một xẻng phân bò vào hồ phân xanh theo cách làm các cụ, chính là nhân lợi khuẩn Subtilis đó các bạn)
D. Dùng đậu xanh làm khỏe cây ăn quả lâu năm
Tôi thử 12 loại hạt vãi đất, với ý tưởng rẻ, dễ, nhanh, nhiều, tận dụng bộ rễ cây ngắn ngày xé đất. Bởi để nhiều giun sẽ lâu.
Đậu xanh là giải pháp chúng tôi nhận ra là hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt là tốc độ nảy mầm cực nhanh.
Với những cây ăn quả lâu năm, chọc thuốn lỗ quanh cây, gần mép tán, chỗ rễ đang phát triển, tra hạt đậu xanh sâu chừng 10 – 20 cm. Vãi đậu xanh quanh gốc rồi phủ ít lá cây, tưới đẫm.
Đám kiêu binh này tung hoành trong đất. Anh nào sống thì tạo sinh khối. Anh nào chết thì làm dinh dưỡng cao cấp. Rễ cây thoáng khí, thêm ẩm, kết hợp với bón lá là khỏe bật lên sau vào ngày.
Nếu hòa vi sinh IMO, nấm đối kháng tưới cùng còn xử lý được nhiều trường hợp vàng lá, thối rễ.
Tôi dùng võ công này cứu nhiều cây ở Nhà thờ họ, đình, chùa và nhận được rất nhiều thù lao là oản, chuối.
E. Gom rác hữu cơ địa phương
Đầu tiên là nhà mình. Sau đó là hàng xóm. Gần nữa là bếp ăn, nhà hàng…
Rửa rác với IMO cho bớt muối, trừ hại khuẩn, rồi vãi ra, tưới đẫm IMO, phủ lá môn, rơm, cỏ…cũng là nguồn phân hỗ trợ rất tốt. Nhưng chỉ cần làm 1 thời gian nếu nhân công quá cao. Sau đó đất sẽ tự phục hồi, bởi thực vật tích lũy Nitơ trong không khí, đó là cách lấy phân đạm từ ông trời đó.
Bài viết của Ths. Hoàng Sơn Công
Hay quá cảm ơn tác giả
Cảm ơn bạn. Nếu bạn cần hỗ trợ về các vấn đề trên cây trồng hãy gọi trực tiếp đến số hotline của công ty hoặc để lại vấn đề ngay tại đây để được hỗ trợ nhanh nhất. Và đừng quên truy cập thường xuyên vào website để cập nhật những kiến thức hữu ích về nông nghiệp bạn nhé.
hay quá
Cảm ơn bạn. Nếu bạn cần hỗ trợ về các vấn đề trên cây trồng hãy gọi trực tiếp đến số hotline của công ty hoặc để lại vấn đề ngay tại đây để được hỗ trợ nhanh nhất. Và đừng quên truy cập thường xuyên vào website để cập nhật những kiến thức hữu ích về nông nghiệp bạn nhé.